| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên bùng nổ kết nối lao động, việc làm: [Bài 4] Lao động ùn ùn về các khu công nghiệp

Thứ Ba 07/03/2023 , 20:16 (GMT+7)

Sau Tết, hầu hết lao động đã trở lại các khu công nghiệp làm việc. Nhờ có thêm nhiều khu - cụm công nghiệp mới, người lao động có xu hướng 'hồi hương' làm việc.

Hơn 95% lao động trở lại làm việc

Ghi nhận tại Khu công nghiệp Suối Dầu, thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), sau Tết Nguyên đán Quý Mão, hầu như lao động đã trở lại làm việc đầy đủ.

Các doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu cá ngừ nơi đây cho biết, từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu thủy sản không khởi sắc, các doanh nghiệp ít nhận đơn đặt hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh để giữ chân người lao động. Sau Tết, lao động đều đã trở lại làm việc bình thường, các doanh nghiệp cũng cố gắng đảm bảo thu nhập cho công nhân.

Anh Nguyễn Văn Minh, quê ở Phú Yên, một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Suối Dầu cho biết, hiện môi trường làm việc và chính sách hỗ trợ của các công ty tại đây được nhiều người lao động đánh giá đảm bảo nhu cầu cơ bản. Như bản thân anh hiện làm công nhân tại một công ty chế biến thủy sản với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh còn có thêm chế độ đãi ngộ về ăn uống, đi lại nên cũng muốn gắn bó lâu dài với khu công nghiệp này.

Người lao động ở Đăk Lăk tìm việc làm ở các khu công nghiệp. Ảnh: PV.

Người lao động ở Đắk Lắk tìm việc làm ở các khu công nghiệp. Ảnh: Minh Quý.

Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho biết: Sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp địa phương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 lao động.

Điển hình như Công ty TNHH Hải Vương thuộc Khu kinh tế Vân Phong đang cần tuyển dụng 300 công nhân chế biến thủy sản. Chi nhánh Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú - Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Nha Trang thuộc Cụm công nghiệp Đắc Lộc Vĩnh Phương cần tuyển ở các vị trí: Chuyền trưởng, kỹ thuật chuyền, nhân viên IE chuyền, nhân viên IE cải tiến, công nhân may, công nhân kiểm hàng, công nhân giao nhận, công nhân ủi, công nhân khâu hoàn tất, công nhân kho... với số lượng tuyển dụng là 60 lao động.

Còn ở Quảng Ngãi, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở địa phương thời gian qua khá tốt. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua con số lao động quay trở lại làm việc sau Tết lên đến 95%. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng rất ít công ty phải cắt giảm lao động.

Anh Lê Xuân Đoàn, công nhân Công ty Doosan Vina (đóng tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Sau kỳ nghỉ Tết đến nay, công việc của chúng tôi tương đối ổn định, không có sự thay đổi bất thường so với những năm trước; các chế độ phúc lợi cũng được công ty đáp ứng đầy đủ. Ngoài thời gian làm việc theo quy định, chúng tôi cũng được tăng ca để cải thiện thu nhập, chăm lo cho cuộc sống gia đình”.

Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu

Tỉnh Bình Định hiện có 5 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Cát Trinh (huyện Phù Cát), Khu công nghiệp Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), Khu công nghiệp Long Mỹ và Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) cùng Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn). Ngoài ra, Bình Định còn gần 20 cụm công nghiệp đóng tại các địa phương. Riêng Khu công nghiệp Phú Tài quy tụ nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, thu hút khoảng hơn 10.000 lao động, các khu công nghiệp khác thu hút khoảng 5.000 lao động/khu.

Theo ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, bước sang đầu năm mới, ngành gỗ ở Bình Định chưa vào vụ nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn đang cho công nhân nghỉ việc luân phiên, người lao động vẫn có việc làm nhưng thu nhập ít hơn vì làm việc không kín thời gian. Tuy nhiên, Bình Định có nhiều khu công nghiệp khác nên luôn có khoảng từ 1.000 - 1.200 việc làm chờ người lao động.

Người lao động ở Bình Định làm việc tại Khu công nghiệp Phú Tài (thành phố Quy Nhơn). Ảnh: PV.

Người lao động ở Bình Định làm việc tại Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn). Ảnh: Đình Thung.

“Vừa rồi, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đề nghị phòng lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) các huyện nếu có nhu cầu mở sàn giao dịch việc làm cho người lao động thì Trung âm sẽ phối hợp, nếu không thì Trung tâm tự lên lịch mở sàn. Hiện chúng tôi đã mở được 8 phiên giao dịch việc làm cho người lao động”, ông Nghinh cho hay.

Bình Định còn nỗ lực đạo tạo nghề cho người lao động. Ví như ở thị xã An Nhơn, Phòng LĐ-TB&XH địa phương này phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các hội đoàn thể, UBND các xã, phường đã nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp. Qua đó, tuyển sinh và thực hiện mở các lớp đào tạo nghề, nhất là các nghề đáp ứng cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động phi nông nghiệp, giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp; liên kết tốt với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động.

Theo ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thị xã An Nhơn, xác định công tác xuất khẩu lao động chưa tương xứng với nguồn lao động địa phương, đơn vị này sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, UBND xã, phường khảo sát, nắm chắc số thanh niên có nhu cầu ở từng thôn, khu vực, nhất là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thanh niên thuộc hộ nghèo, cận nghèo để vận động đăng ký tham gia.

Song song đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn vay đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động và gia đình bớt nỗi lo tài chính, yên tâm tham gia chương trình xuất khẩu lao động.

Xu hướng "hồi hương" làm việc

Những năm gần đây, trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã hình thành nhiều khu - cụm công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề về đầu tư. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế địa phương mà còn giải quyết được nhu cầu việc làm cho hàng chục ngàn lao động.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo thống kê đến thời điểm này, số lượng lao động làm việc trong các khu công nghiệp lên đến 115.000 người. Ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ngãi cho biết, khoảng 7 - 8 năm trở về trước, khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi chưa nhiều, chưa có sự thu hút đầu tư thì hàng năm đơn vị đã kết nối cho người lao động trong tỉnh đi làm việc ở các tỉnh khác, trung bình mỗi năm từ 5.000 đến 6.000 lao động vào các khu công nghiệp ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… làm việc.

Đến nay, khi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp được đầu tư xây dựng, khoảng cách về mức thu nhập từ các việc làm ở Quảng Ngãi so với các tỉnh thành khác không còn xa thì người lao động trong tỉnh làm việc ở các tỉnh khác có xu hướng trở về quê tìm kiếm cơ hội việc làm.

Ngành chế biến cà phê ở Đăk Lăk thu hút lao động. Ảnh: PV.

Ngành chế biến cà phê ở Đắk Lắk rất nhiều lao động. Ảnh: Minh Quý.

“Hàng năm, có rất nhiều người lao động quê Quảng Ngãi đi làm việc ở các tỉnh phía Nam tới Trung tâm để đăng ký nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Với những lao động này, chúng tôi vừa giải quyết hồ sơ vừa tư vấn, kết nối việc làm với các doanh nghiệp trong tỉnh.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, theo ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam, so với năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh này thấp hơn nhiều. Nếu như năm ngoái vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng lên đến trên 8.000 việc làm thì năm nay qua khảo sát nhu cầu mới chỉ có 2.400 chỗ làm trống.

“Nguyên nhân là trong năm vừa qua, các doanh nghiệp đã ổn định được tình hình sản xuất, tỷ lệ lao động nghỉ việc sau Tết thấp. Cùng với đó, đơn hàng của các công ty này cũng đã có thể đảm bảo với số lao động hiện có. Theo dự báo, từ nay đến hết quý II, nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp sẽ không nhiều. Bắt đầu quý III, khi có các đơn đặt hàng mới từ đối tác thì các doanh nghiệp này mới mở rộng sản xuất và tuyển thêm lao động”, ông Dũng thông tin.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho hay, năm 2022 đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đúng trình tự, không để xảy ra sai sót. Tuy nhiên, nhiều lao động còn chưa nắm được quy trình nộp hồ sơ, e ngại khi xử lý thông tin bằng công nghệ thông tin, do đó số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn thấp.

Bên cạnh việc đẩy mạnh giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa còn tổ chức tư vấn, giới thiệu học nghề cho lao động thất nghiệp. Đã có 10.472 người lao động đăng ký hưởng trợ trợ cấp thất nghiệp được tư vấn học nghề.

Xem thêm
Không thiếu quất, bưởi cảnh trưng Tết

Hưng Yên Tác động tiêu cực của mưa, bão làm gia tăng chi phí chăm sóc nên các dòng quất cảnh, bưởi cảnh tại Văn Giang có giá bán cao hơn so với mọi năm.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.