| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung ngày áp Tết

Thứ Tư 29/12/2010 , 07:15 (GMT+7)

Mặc dù các đoàn cứu trợ đến với vùng lũ rất nhiều nhưng do thiệt hại quá lớn nên hàng cứu trợ chỉ như muối bỏ biển. Tuy Chính phủ, tỉnh kiên quyết không để dân đói, dân khát nhưng đến thời điểm này đã hơn 2 tháng lũ đi qua, hàng vạn người dân vùng lũ Hà Tĩnh vẫn đang đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Đói bạc mặt ở vùng lũ Hà Tĩnh!

Lũ kép lịch sử giáng xuống làm cho toàn bộ lương thực dự trữ, thức ăn, quần áo, chăn màn, nhà cửa... đều bị cuốn trôi và hư hỏng. Trong nhà cho tới ngoài đồng, tất cả đã bị lũ “xoá sổ”. Mặc dù các đoàn cứu trợ đến với vùng lũ rất nhiều nhưng do thiệt hại quá lớn nên hàng cứu trợ chỉ như muối bỏ biển. Tuy Chính phủ, tỉnh kiên quyết không để dân đói, dân khát nhưng đến thời điểm này đã hơn 2 tháng lũ đi qua, hàng vạn người dân vùng lũ Hà Tĩnh vẫn đang đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Những ngày áp Tết, chúng tôi về các huyện rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Đức Thọ... Nhiều nơi chúng tôi đến, người dân vẫn thiếu đói nghiêm trọng. Biết rằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các nhà hảo tâm đến với vùng lũ là vô cùng to lớn nhưng do nhân dân bị thiệt hại quá lớn nên không thể bù đắp nổi những mất mát do lũ gây ra.

Xã Hoà Hải - một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Hương Khê, cho đến thời điểm này, người dân nơi đây vẫn chưa thể hoàn hồn bởi những mất mát, những thiếu thốn luôn vây bủa cuộc sống thường nhật. Hoà Hải có 1.566 hộ dân với 7.298 nhân khẩu. Ông Nguyễn Hồng Phong, nguyên Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện tại Hoà Hải có gần 70% dân số thiếu đói, đặc biệt là ở các xóm 7, 8, 9, 10, 11, 12 và các xóm 18, 19, 20… nhiều gia đình 6-7 nhân khẩu, cả ngày chỉ lo chạy vạy bữa ăn mà không đủ".

Chúng tôi vào nhà bà Viên ở xóm 7. Cả nhà có đến 6 miệng ăn, nhà bà Viên là một trong những gia đình thiệt hại nặng nhất xóm, cả 4 thế hệ ông bà, con, cháu, chắt cùng sống trong ngôi nhà tuềnh toàng bốn phía tường phên vách đất, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, đặc biệt, sau khi ruộng vườn bị lũ bồi lấp hết gia đình bà đã đói lại càng đói hơn. Bà Viên gạt nước mắt, nói: “Thật khổ quá các chú à. Trong nhà chỉ toàn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ không có sức lao động nên từ bữa lũ đến nay chỉ trông chờ vào gạo cứu trợ nhưng gần 3 tháng trời rồi cũng chỉ nhận được trên 20 kg gạo/nhân khẩu và ít thùng mì tôm vì thế cả gia đình đói riết. Không riêng gì gia đình tôi mà cả xã, cả huyện đều thế cả. Lũ cướp sạch từ trong nhà ra ngoài đồng nên ai ai cũng thiếu đói. Bây giờ tìm được một nhà no đủ ở xã này còn khó hơn cả tìm vàng”.

Nhà ở của 2 cha con ông Lê Văn Tấn

Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hải Hồ Thị Huyền cho biết: “Nếu tính thật chi ly thì cả xã Hoà Hải có gần 70% dân số nghèo đói sau lũ. Biết rằng, sự giúp đỡ của Chính phủ, của các tổ chức xã hội đối với đồng bào vùng lũ là vô cùng to lớn nhưng do trên 90% hộ dân bị thiệt hại nặng nên gạo cứu trợ phát xuống dân chỉ như muối bỏ biển”.

Được biết, từ khi lũ xảy ra cho đến nay Hoà Hải nhận được 196 tấn gạo cứu trợ từ Chính phủ và các nhà hảo tâm, nghe lớn lắm thế nhưng, số gạo ấy chia cho trên 7.000 nhân khẩu thì mỗi khẩu cũng chỉ được trên 25kg. Vì thế người dân nơi đây phải thắt lưng buộc bụng chia đều ra cho 5 tháng ăn, đến tháng 3 năm sau may ra mới có được ít diện tích ngô non chống đói và phải đến tháng 5/2011 mới có lúa đông xuân. Nếu không kiếm thêm được nguồn nào khác, chỉ nhìn vào 20 cân gạo mỗi người chia đều ra ăn trong 5 tháng trời thì gì mà không đói?.

Rời Hoà Hải, chúng tôi về rốn lũ Phương Điền, cùng huyện Hương Khê. Phương Điền là xã thiệt hại không thua kém gì Phương Mỹ nhưng trong khi các đoàn cứu trợ về Phương Mỹ rầm rầm thì Phương Điền chỉ rất ít. Ông Hoàng Văn Hoàng - Bí thư Đảng uỷ xã Phương Điền, nói: “Mọi người cho rằng, Phương Mỹ ngập sâu hơn nên hầu hết sự quan tâm đều tập trung ở đó, trong khi dân chúng tôi cũng ngập đến 90% nhưng do nằm khuất không có đường đi lối lại nên sự quan tâm chẳng được mấy. Đồng thời, báo chí cũng ít tiếp cận được nên không ai “kêu” cho dẫn đến quà cứu trợ trực tiếp về Phương Điền rất hạn chế”.

Cũng theo ông Hoàng, xã Phương Điền có 538 hộ với 2.383 nhân khẩu, trong đó trên 90% hộ dân bị thiệt hại nặng nề, hầu hết tài sản bị lũ cuốn trôi và nhấn chìm. Kể từ lúc lũ xảy ra cho đến nay, Phương Điền chỉ có được 42 đoàn đến cứu trợ; tổng số gạo được 29,19 tấn; tiền mặt 309 triệu; tổng giá trị hàng hoá 902 triệu đồng. Với số hàng cứu trợ ít ỏi này, chia ra cho trên 500 hộ gia đình, trung bình mỗi hộ được 60 kg gạo và 1,5 triệu đồng. Trong khi lúa gạo dự trữ, đồ dùng, vật nuôi bị lũ cuốn trôi và phá hỏng hết, với số gạo và tiền cứu trợ hạn chế như vậy, nên đến nay 2/3 số dân (khoảng 350 hộ) thiếu đói là điều hoàn toàn dễ hiểu. 

PV NNVN vét hết những đồng tiền còn lại trong túi tặng cho gia đình anh Thường

Đi đâu trên khắp xóm làng Phương Điền cũng bắt gặp những gương mặt xác xơ vì đói. Bố con ông Lê Văn Tấn (79 tuổi) và chị Lê Thị Liên (49 tuổi) ở xóm 4, sống trong ngôi nhà xập xệ, là một trong số hàng trăm hộ đói xác xơ như thế. Hai bố con ông Tấn sống nhờ vào 2 sào ruộng 1 lúa, 1 sào đất màu, nuôi vài chục con gà và khoản tiền trợ cấp ít ỏi cho đối tượng tàn tật của chị Liên (chị Liên bị cụt chân, không còn khả năng lao động). Số tài sản còm cõi của bố già con tật này tích cóp được đã bị hai cơn lũ cướp đi tất cả.

Thứ sót lại sau lũ là một sào sắn nhưng sắn cũng bị thối hết do ngâm nước lâu ngày, coi như trắng tay. Hỏi chuyện về chuẩn bị tết nhất thế nào, chị Liên buồn bã: “Cha con tui đâu dám nghĩ đến tết nhất gì đâu chú. Nghĩ có cái mà ăn để khỏi chết đói đây mà chưa nghĩ ra nữa là tết. Nói thật với chú, tất cả hy vọng đều trông chờ vào sự cứu trợ của nhà nước thôi. Không có cứu trợ, chúng tôi chết thật chứ chẳng chơi”. 

Rời xóm 4, chúng tôi sang xóm 10, cũng bắt gặp toàn những gương mặt đói, ở cái tuổi trên 40 mà anh Lê Văn Thường già như một ông cụ. Túp lều tranh tệ hơn nhà chị Dậu ngày xưa của anh đã bị lũ đánh dạt về một góc vườn nhưng may mà neo lại được. Lũ qua, làng xóm đã giúp anh khiêng về vị trí cũ giằng níu lại để 5 con người trong gia đình anh tá túc. Muốn chui được vào nhà anh Thường, phải cúi gập người xuống nếu không muốn bị mái nhà chọc thủng đầu. Trong nhà anh chỉ có hai cái giường và một cái chõng tre. Cái chõng này, vợ anh vừa ở cữ xong, bây giờ anh dùng làm bàn tiếp khách.

Biết rằng, “đói thì đầu gối phải bò” nhưng không phải gia đình nào cũng có người, có cơ hội để tìm kiếm việc làm trong thời điểm hàng trăm nghìn người dân khắp vùng lũ miền Trung đều đổ xô đi tìm kiếm việc làm như thời gian này. Họ vẫn rất cần những sự cứu giúp về lương thực. 

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Đinh Hữu Tân nói: “Để kịp thời cứu đói cho dân, Hương Khê cần khoảng 1.300-1.500 tấn gạo không những phục vụ cái ăn trong dịp Tết Nguyên đán mà còn phục vụ cho cả mùa giáp hạt”.

Anh cười thông cảm: “Mời các anh ngồi tạm đây tý, nhà em chả có bàn ghế gì. Nói các anh đừng cười, vừa rồi có nhà tài trợ hỗ trợ em mấy chục tấm ngói Prô xi măng để lợp nhà nhưng em không dám lợp vì mấy que gỗ làm cột kèo nhà này mục bấy cả rồi, lợp ngói lên, nó sập một phát thì có mà cả nhà chết toi”. Anh Thường cũng cho biết, ngoài 14 thước ruộng và 7 thước đất vườn, gia đình anh chẳng biết nhìn vào cái gì để sinh sống chứ chưa nói gì đến chuyện làm nhà ngói. Nhìn mấy đứa con nheo nhóc và hai vợ chồng ốm quắt ốm queo, chúng tôi chỉ biết chia sẻ bằng cách vét hết những đồng tiền còn lại trong túi tặng cho gia đình anh.

Đến xã Đức La, huyện Đức Thọ, nơi người dân thường xuyên sống chung với lũ, cái đói cũng không chừa một ai. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Linh buồn rầu: “Toàn xã có 450 hộ dân với hơn 1.900 nhân khẩu chỉ nhìn vào ít diện tích đất nông nghiệp bạc màu thì lấy đâu ra lúa mà no đủ. Nghèo đói bám riết lấy người dân khiến cho hầu hết con em trong xã đang độ tuổi lao động phải rời quê hương vào Nam ra Bắc tha phương cầu thực, kiếm tiền gửi về nuôi cả nhà”. 

Những vùng lũ nơi chúng tôi qua, bao trùm lên tất cả là cái đói. Trong nhà thóc lúa dự trữ, quần áo đồ dùng, vật nuôi... bị lũ cuốn trôi hết; ngoài đồng hoa màu cũng bị xoá sổ hoàn toàn, người dân trở thành tay trắng nhưng lượng gạo cứu trợ nhận được, trung bình cũng chỉ ở mức 20-30kg/người, trong khi phải đến hết tháng 3 mới có ngô, khoai chống đói thì người dân vùng lũ thiếu đói là điều không thể tránh khỏi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm