Chết nửa con người
Đinh Công Vịnh ở bản Pạnh xã Bao La (Mai Châu, Hòa Bình) là một chàng trai Mường có khuôn mặt sáng lại còn có tài thổi sáo. Một dịp lễ 2/9, anh sang chơi ở xã bên Cun Pheo, tình cờ quen Bùi Thị Hoa rồi mạnh dạn nhờ chị này tác động để tán… hộ cô hàng xóm. Việc không thành nhưng từ đó hai người quý mến rồi yêu nhau để hơn một tháng sau thì làm ăn hỏi. Cưới đầu năm, cuối năm có con, niềm vui như vỡ òa với đôi vợ chồng trẻ.
Để có tiền mua sữa cho con, lo cho vợ mới đẻ, Vịnh tạm rời xa Mai Châu xuống Bắc Ninh làm thợ xây. Làm quần quật suốt mấy tháng ròng đến tận 27 tết mới dám về nhưng chỉ cầm được có 3 triệu trong tay còn hơn 11 triệu thì chủ xin khất nợ (đến giờ vẫn chưa thấy trả). Do làm việc nặng nên Vịnh bị đau lưng. Không có tiền chạy chữa anh chỉ mua thuốc về nhờ hàng xóm tiêm hộ rồi lại tranh thủ đi làm tiếp, nhưng lần này chỉ loanh quanh ở trong vùng.
Vịnh không nhớ là sau bao nhiêu mũi tiêm thì lưng của mình bỗng nổi u, nổi cục, đau buốt xuống tận chân, đứng không được, ngồi không yên, nằm cũng phải nghiêng nghiêng mới hơi dễ chịu. Anh xuống Trung tâm Y tế huyện để xin giấy chuyển viện lên tuyến trên điều trị nhưng bác sĩ khăng khăng bảo phải có kết quả chụp chiếu mới đồng ý.
Mỗi lần nhìn bạn bè đi qua Vịnh lại nhìn xuống đôi chân tàn tật của mình. Từ một thanh niên vui tính anh trở nên ít nói, cục cằn và thường hay dằn vặt. Nghĩ chồng ở nhà lâu sẽ tù túng thỉnh thoảng Hoa lại lấy xe máy để chở đi chơi. Có bận sơ ý, Vịnh để chân chạm vào ống pô đến khi ngửi thấy mùi da thịt cháy khét lẹt mới biết chứ không hề có cảm giác đau.
Vậy là Vịnh cùng em trai đi xe máy vượt hơn 160km với nhiều đèo dốc về Hà Nội. Anh cầm lái để lúc nào đau thì em ngồi sau đấm lưng cho, dọc đường còn phải uống thêm cả thuốc giảm đau nữa mới đủ sức chịu đựng. Chụp chiếu xong họ lại phóng xe máy về ngay Mai Châu trong đêm.
Lúc thấy chân mình tê bại đi Vịnh bảo em thử cấu vào đùi, hoàn toàn không cảm thấy đau cả hai liền chạy thẳng vào Trung tâm Y tế huyện. Lúc này thì họ mới chấp nhận ký giấy để chuyển viện cho anh. Trước khi lên bàn mổ, bác sĩ bảo với vợ Vịnh rằng cơ hội chỉ còn vài phần trăm nhưng chị vẫn chấp nhận vay nóng tiền để chạy chữa đến cùng. Kết quả, bệnh không khỏi mà từ hông của anh trở xuống đã bị liệt và món nợ 125 triệu cả hai bên họ nội, ngoại phải cầm sổ đỏ để mà trả gấp cho khoản vay nóng lúc trước.
Hôm ở viện, Vịnh đau bụng quá, vợ chưa kịp dìu đã vệ sinh ngay ra quần. Chị lặng lẽ lau chùi chất bẩn rồi đóng bỉm cho chồng còn anh thì òa khóc vì nghĩ đang trai tráng bỗng thành ra vô dụng. Mấy tháng ròng chị kiên trì ngồi đút cơm, tập ngồi xe lăn, tập lê, tập lết cho chồng để phục hồi chức năng nhưng vẫn không khả quan nên đành phải xin về.
Lúc đó nhà không có công trình khép kín nên mỗi lần đi tắm, đi vệ sinh Hoa đều phải cõng chồng thậm chí mới đầu anh còn chưa mặc nổi áo quần đều phải giúp hết. Người bị liệt hay bị lở loét chị phải thường xuyên gỡ chỗ da thịt thối mà bôi thuốc vào. Người bị liệt hay bị táo bón, hàng ngày chính tay chị phải bôi trơn rồi thò vào để móc chất thải. Người bị liệt rất hay mẫn cảm, hầu như đôi tuần lại sốt một bận, hễ ăn gì lạ tí là đau bụng ngay nên những buổi ấy chị phải thường xuyên túc trực. Chăm một người liệt đã khổ nhưng Hoa phải chăm tới hai gồm chồng và bà ngoại của chồng bị liệt đã 6 năm, ngoài ra còn con mới đẻ, đàn lợn, đàn gà, vườn ruộng.
Họ ở chung trong một túp lều chỉ rộng hơn cái chuồng trâu một tí, mái lợp tạm bằng lá cọ. Có lần giữa đêm bỗng nổi cơn giông gió, tốc hết mái nhà, mưa như trút nước, sấm sét đầy trời. Hoa hết bế bà ngoại chồng ra sân trú tạm trong cái chòi lại đến bế chồng lên xe lăn rồi dắt díu con chạy vội ra khỏi căn nhà đang rung lên bần bật. Kể từ đó, hễ chỉ cần thấy lá cây lay là đứa con của họ lại rùng mình khiếp sợ.
Nhiều đêm nghe tiếng chồng trằn trọc, chị quờ sang thấy một bên gối đã ướt đầm đìa. Anh bảo: “Em còn trẻ hay là mình dừng lại để em đi tìm hạnh phúc mới chứ như thế này thì tội quá, ở với anh em sẽ không có tương lai”.
Chị đáp rằng: “Mình đến với nhau lúc khỏe mạnh giờ đây anh đau ốm thế này em bỏ đi không nỡ. Số phận đã thế rồi thì cùng nhau bước tiếp bởi chúng ta còn tình cảm, còn có chung nhau một đứa con”. Lắm lúc Vịnh cáu bẳn, to tiếng mắng vợ để cho Hoa chán mà bỏ mình nhưng chị vẫn kiên trì chịu đựng.
Chán nản, anh nghĩ ra đủ kiểu tự tử nhưng thắt cổ thì phải buộc được dây lên cao, điện giật thì khó cầm chắc cái chết, chỉ còn mỗi uống thuốc trừ cỏ là nhanh “đi” nhất nhưng tìm quanh hóa ra vợ đã giấu kín tự lúc nào. Đang lúc quẫn trí như thế thì đứa con chạy ùa vào bóp chân cho và líu ríu bảo: “Sau này bố khỏe bố đưa con đi học nhé” nên Vịnh bỗng bừng tỉnh lại, muốn được sống.
Chặng đường hồi sinh
Tôi hỏi, câu nói gì của chồng khiến mình cảm động nhất, Hoa trả lời: “Bây giờ có nhà vệ sinh tự hoại, anh tự đi được rồi không cần em phải giúp nữa nên giảm béo được rồi”. Bởi anh thương vợ hay ra ngoài mà ngoại hình như thế sẽ có người chê, chị chỉ cười rồi đáp: “Em mà không béo thì ai mà bế được anh?”. Vịnh bảo cuộc sống của mình giờ sống chết không biết lúc nào thôi thì hãy vui vẻ mà sống.
Biết được hoàn cảnh của Vịnh, năm 2018 Tổ chức Good Neighbors cùng những nhà hảo tâm đã quyên góp xây cho họ một ngôi nhà vững chãi với công trình tự hoại khép kín bên trong. Khoản tiền trợ cấp tàn tật 810.000 đồng mỗi tháng không đủ sống bởi riêng tiền thuốc chữa cho anh đã khoảng 400.000 - 500.000 đồng nên chị ngoài làm 1.000m2 ruộng vừa rồi thử đi phụ hồ nhưng rủi thay 2 - 3 tháng thì hết việc.
Có được tí vốn, họ mở nghề bán hàng online với những sản phẩm như cây giống, đồ dùng học tập, gia vị, chăn màn… Anh ngồi nhà nhận đơn rồi chị đi giao hàng, tuy nhiên mỗi ngày cũng chỉ được lãi khoảng 10.000 - 15.000 đồng.
“Bây giờ tôi chỉ ước ao sao có vốn để có thể kinh doanh micro hay đồ âm thanh trên mạng bởi xưa trong đội văn nghệ của trường, hát cũng được mà thổi sáo Mèo, sáo bầu cũng được…”, Vịnh tâm sự.
Còn Hoa thì lại nói: “Em chỉ ước sao luôn có sức khỏe để lo cho gia đình, muốn có việc gì làm ở gần, từ phụ hồ, bốc vác đến đan lát thủ công cũng luôn sẵn sàng”.
Anh thương chị bận chuyện con cái, chuyện đồng áng rồi chăn gà, chăn lợn đến trưa nắng cũng chưa kịp về nên thường lăn vào bếp. Chị thương anh lúc ở nhà lủi thủi nên lắm lúc cũng tay bay, tay xô, xây xây, trát trát, khi thì cái sân, lúc đoạn tường rào để cho anh nhìn thấy mà yên lòng. Anh thường tếu táo chồng là vợ mà vợ là chồng. Khác với chồng là người hướng ngoại thì chị lại hướng nội, không mấy khi thốt ra được câu âu yếm mà chỉ có thể hiện qua hành động mà thôi.
Hết chuyện với hai người tôi lại xem những bức tranh của đứa con. Cháu vẽ rất nhiều về gia đình mình với ngôi nhà và những thành viên. Không bao giờ cháu vẽ bố ngồi trên cái xe lăn mà luôn có đôi chân lành lặn. Tôi hỏi tại sao, cháu ngước đôi mắt mắt to tròn đen láy đáp: “Bao giờ bố cháu khỏi bệnh, chân đi được thì lại dẫn cháu đến trường bác ạ”.
Anh Đinh Công Thiềng - Trưởng xóm Pạnh: "Chị ấy chăm chồng lắm, hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình mà không bao giờ nghe một câu kêu ca, phàn nàn gì cả".