Thế nhưng cuối cùng sau nhiều cuộc họp căng thẳng ông cũng thuyết phục được cả dòng họ để bốc đi 11 ngôi mộ trong đó có 4 cụ tổ, bố, em trai… của mình, hiến 8.000m2 đất ngay ở trung tâm xã trị giá hàng tỉ đồng xây trường học mới.
Vượt qua nỗi sợ “động mồ, động mả”
Ông tổ của dòng họ Hà Minh trước đây vốn làm một chức quan nhỏ, được giao cho mảnh đất từ huối Sài (suối Sài) đến huối Hùng (suối Hùng) kéo dài khoảng 2km để khai phá làm ruộng và tạo lập nên xóm Hiền (xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Đến thời ông Hà Minh Thiết làm trưởng họ thì xóm có 10 hộ với trên 40 khẩu. Cùng với đất trồng cây là nghĩa địa riêng cho cả dòng họ.
Ông Thiết đi bộ đội từ 1968 đến 1977 mới phục viên về còn người anh thì vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Lúc đó bố ông đang làm Bí thư xã mới bảo: “Mày như thế là hoàn thành nhiệm vụ với tổ quốc rồi, giờ phải nuôi con cháu sao cho chúng được học hành đầy đủ”.
Nghĩ chuyện chiến tranh đã cướp đi cơ hội học lên của mình vì chỉ xong hết lớp 7 là phải khoác súng lên đường nên ông luôn động viên con cháu phải có cái chữ trong đầu cũng quan trọng như ngô, thóc ở trong bồ vậy...
Thầy Hà Văn Thuận - Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở xã Xăm Khòe kể trước đây đơn vị mình vẫn có địa điểm riêng đàng hoàng. Đến năm 1999, Sở Giáo dục quyết định thành lập trường liên cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ Thông để cho con em các xã vùng cao như Mai Hịch, Xăm Khòe, Bao La, Piềng Vế, Cun Pheo không phải xuống tận huyện để học, vì đường quá xa khiến cho nhiều người chỉ hết cấp hai là bỏ.
Xây xong trường năm 2000 thì lại có chủ trương phải tách ra hai cấp học, ưu tiên Trung học Phổ Thông ở tại chỗ còn Trung học Cơ sở thì tìm chỗ mới.
Tuy nhiên, do không thể tìm được địa điểm nào ở trung tâm đủ rộng nên từ đó đến tận năm 2009 sáng Trung học Phổ Thông học, chiều Trung học Cơ sở học. Buổi chiều học từ 1 giờ, giáo viên ăn cơm trưa xong vội vàng đến lớp, học sinh vừa học vừa ngủ gà ngủ gật. Cả huyện có duy nhất trường Trung học Cơ sở Xăm Khòe là học vào buổi chiều như vậy nên giáo viên ai cũng phải uống cà phê để chống lại sự buồn ngủ.
Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nóng nực việc dạy và học rất khổ vì đáng lúc nghỉ ngơi thì lại phải đến lớp. Sau khi số lượng học sinh Trung học Phổ thông tăng lên phải dạy cả sáng lẫn chiều thì thầy trò lại “dắt díu” nhau về trường tiểu học để học nhờ.
Ông Phạm Văn Phòng - Chủ tịch UBND xã Xăm Khòe tâm sự trong suốt 9 năm trời lãnh đạo địa phương đau đầu bởi không tìm được địa điểm để xây trường, chỗ thì chật hẹp quá, chỗ thì xa quá, chỗ lại gập ghềnh quá. Hơn thế, trước đây xã thuộc vùng 2, người dân vốn đã quen nhận được sự cho không của Nhà nước nay thành xã vùng 1 mọi hỗ trợ mất đi, họp hành họ hay kêu ca, phải giải thích rất nhiều nên giờ đi xin đất thì rất khó.
Cực chẳng đã các anh mới nghĩ đến mảnh đất nghĩa địa của dòng họ Hà. Nó ở ngay vị trí trung tâm, rất bằng phẳng thuận tiện cho xây trường nhưng việc hiến cả nghĩa địa lại động chạm đến vấn đề tâm linh của người Thái nên tỷ lệ thành công ước tính chỉ một vài phần trăm. Thế nhưng đến vận động trưởng họ thì không ngờ là ông đồng ý ngay.
Cuộc họp họ diễn ra ngay sau đó. Bà thím và nhất là bà Hà Thị Cươm mẹ ông Thiết năm đó 94 tuổi đã phản đối kịch liệt: “Mày làm thế thì phá đi tục lệ từ ngàn xưa của người Thái, khiến cả dòng họ sau này bị ốm đau, làm ăn lụn bại đấy”. Ông Thiết phân bua: “Con đi cách mạng, nhiều bộ đội của ta hi sinh phải chôn chỗ nọ rồi lại bốc sang chỗ kia. Bốc mộ cho liệt sĩ còn được phúc chứ không phải là tội. Ngay cả người Kinh trong xã mình cũng vẫn bốc mộ mà con cháu họ vẫn khỏe, vẫn làm ăn tốt đấy thôi”. Mấy người em nghe thấy thế liền ý kiến: “Anh phải xem lại đi chứ chúng em cũng phản đối”.
Người Thái vốn có quan niệm chết là phải đào sâu, chôn chặt, cấm được bốc mả, di chuyển, dù cái cây mọc bên trên mộ có tốt thành rừng cũng không được chặt vì người chết sẽ giận mà hành cho người sống ốm đau hay làm ăn không yên ổn. Đối với họ, thế giới đám pang (người chết) linh thiêng đến nỗi ở nhà bữa nào ăn cũng bày ra thêm một cái bát, một đôi đũa đặt phía trang trọng nhất để mời ông bà tổ tiên cùng dự.
Ba lần họp họ đều thất bại khiến cho ông Thiết phải gặp riêng mẹ mình mà nhỏ nhẹ: “Mẹ nói đúng theo phong tục rồi nhưng hoàn cảnh địa phương ta như thế, nếu mà không có đất xây trường rồi sau này ngay cả con cháu mình cũng bỏ học hết là có tội mẹ ạ”. Vợ ông Thiết cũng tác động thêm: “Mẹ ơi, giờ xã hội đổi mới rồi thì cái đầu của người Thái ta cũng phải đổi mới thôi”. Dần dà thì bà mềm lòng khiến lớp người trẻ hơn cuối cùng cũng phải chấp thuận.
Niềm vui trên ngôi trường mới
Một con lợn được ngả ra, thêm chục con gà nữa để mời thầy mo đến tổ chức đám ma lại. Mo xong bà con trong xóm tập trung bốc 11 ngôi mộ trong đó có 4 cụ tổ, bố, em trai… của ông Thiết ra chỗ mới là một mảnh đất đang trồng màu của họ. Đêm đó, ông mơ thấy mấy bóng người mờ tỏ bảo: “Tao đi lâu ngày, nay nhớ chúng mày về nhà chơi một tí” liền cảm thấy hởi lòng, hởi dạ vì sự thông cảm của “các cụ”.
Năm 2011 trường Trung học Cơ sở xã Xăm Khòe xây xong với 8 phòng học, các phòng bộ môn, phòng vi tính, phòng y tế, phòng hội đồng… khiến cả giáo viên lẫn học sinh đều phấn khởi.
Thầy Hà Văn Thuận - Hiệu trưởng cười: “Từ đó giáo viên chúng tôi cũng bỏ hẳn cà phê, tâm lý thoải mái, việc dạy và học đều tiến bộ hơn hẳn. Với khoảng 160 - 170 học sinh xưa trung bình mỗi năm chỉ có 3 - 4 em đạt học sinh giỏi cấp huyện thì nay mỗi năm có tới 20 em đạt học sinh giỏi cả cấp huyện lẫn cấp tỉnh. Đến năm 2017 thì trường chúng tôi đã đạt chuẩn quốc gia”.
Khi tôi đến cũng là lúc thầy và trò đang tíu tít tập múa để chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng.
Còn về phần dòng họ Hà khi Nhà nước hỗ trợ 138 triệu cho việc hiến cả nghĩa địa, phải di dời các mộ - số tiền rất to hồi ấy - nhưng ông Thiết nhất định không lấy mà hiến tặng luôn cho thôn để làm nhà văn hóa.
Tôi đến thăm ông bà, một nếp nhà sàn đơn sơ bên một ao cá nho nhỏ cùng một khu vườn be bé. Trong nhà không có gì đáng giá vì họ đã từng phải 2 năm nằm trong diện hộ nghèo. Bản thân ông lại bị nhiễm chất độc màu da cam nên lao động chính giờ đây chỉ có bà nuôi hai đứa cháu mồ côi, một lớp 8, một lớp 7 nhưng tôi luôn thấy niềm vui trong nụ cười, ánh mắt họ.
Hỏi có tiếc chuyện năm nào hiến đất không, bà thực thà đáp: “Mảnh đất đó bằng phẳng, tốt lắm, trồng ngô, trồng sắn lên rất nhanh giờ chuyển sang chỗ khác, nhiều sỏi đá nên cũng tiếc đấy. Mấy người em thời gian đầu không dám nói gì vì nể anh cả nhưng giờ thì họ đã hiểu cả rồi”.
Trưa đó bà mời cơm tôi, trước khi ăn như thường lệ ông vẫn bày thêm một cái bát, một đôi đũa trịnh trọng: “Mời đám pang về cùng ăn với gia đình con cháu nhé!”.
Ông Phạm Văn Phòng - Chủ tịch UBND xã Xăm Khòe: Sự kiện ông Hà Minh Thiết hiến cả nghĩa địa dòng họ để lấy đất xây dựng trường học chấn động ở chỗ theo phong tục của người Thái rất kiêng kị chuyện bốc mộ. Sau việc làm của ông Thiết thì phong trào hiến đất của xã rất sôi nổi, tiêu biểu có ông Mai Xuân Đài - một người Kinh đã 3 lần hiến: Lần đầu để xây dựng trụ sở đội thuế của huyện; Lần thứ hai để xây dựng Trung tâm Văn hóa xã, lần thứ ba để xây dựng trụ sở công an xã. Nhờ đó mà năm 2019 xã đã về đích nông thôn mới trước kế hoạch.