Bệnh tranh nhau ghi thành tích của các ban, ngành; bộ máy công quyền ở xã, thị trấn phình to khiến dân è cổ đóng góp… sẽ sớm được khắc phục, khi các địa phương của tỉnh bắt tay vào công cuộc tinh giản bộ máy hành chính.
Thị ủy Quảng Yên họp về tinh giản bộ máy hành chính
Trưng cầu dân ý ở… thôn
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm La (TX Quảng Yên), ông Dương Văn Đích, kể câu chuyện trước đây của xã này, cũng là câu chuyện thời sự của đa số các địa phương trong cả nước, đó là việc làm đường giao thông nông thôn:
Năm 2012, thôn Cẩm Tiến xây dựng được 500 m đường bê tông liên xã bằng huy động sức dân cộng với vốn đầu tư của Nhà nước. Đến cuối năm, trong tất cả bản báo cáo thành tích của các ngành, đoàn thể ở thôn đều thấy ghi “Kết quả đạt được là vận động nhân dân đóng góp xây dựng 500 m đường giao thông nông thôn, góp phần thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân…”.
Ông Đích cho rằng, như thế cũng không sai, bởi nhân dân hầu hết là hội viên của các đoàn thể, từ Hội Nông dân, MTTQ, Cựu Chiến binh… Do đó việc báo cáo kết quả công tác có sự chồng chéo, thành tích của tổ chức này cũng đồng thời là kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức khác.
Trước những bất cập như nêu trên, xã Cẩm La đã tập trung rà soát, sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách theo hướng tăng cường kiêm nhiệm, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ. Một trong những giải pháp được người dân và các đoàn thể tại các thôn đồng tình là thực hiện mô hình ghép 2 người đảm nhận 4 nhiệm vụ ở thôn.
Cụ thể là, đến năm 2015, ở mỗi thôn sẽ có trưởng thôn kiêm đội trưởng đội sản xuất; bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Với việc thực hiện mô hình “2 trong 4”, tức là 2 cán bộ đảm nhận 4 nhiệm vụ ở thôn sẽ phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ thôn, đồng thời tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Ông Dương Cao Khai, Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Tiến, xã Cẩm La cho biết: Đề án 25 là một chủ trương lớn của tỉnh nên người dân, cũng như cán bộ từ xã đến các thôn rất quan tâm theo dõi. Xã đã tổ chức các cuộc họp ở xã, thôn để trưng cầu dân ý. Đến nay, người dân cũng như các đoàn thể ở các thôn đều nhất trí rất cao trong việc thực hiện nội dung tinh giản bộ máy, biên chế của thôn cũng như của xã.
“Tôi là cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động ở thôn nên tôi nghĩ các cán bộ ở xã và thôn đều có thể kiêm nhiệm thêm được các chức danh phù hợp. Qua đó, cán bộ xã và thôn có nhiều cơ hội đi thực tế tại cơ sở hơn, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước…”, ông Khai cho biết.
Theo quy định, xã Cẩm La được sử dụng 128 cán bộ nhưng hiện nay xã chỉ sử dụng tổng số 84 cán bộ, trong đó cán bộ không chuyên trách cấp thôn là 40 người. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức của xã đã cơ bản đảm bảo đầy đủ về cơ cấu tổ chức, nhiều vị trí được bố trí kiêm nhiệm phù hợp với trình độ, năng lực của từng người.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đích, đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp thôn vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Một số chức danh như thôn phó, chi hội phó các đoàn thể thiếu chủ động trong công tác, do vậy hiệu quả công việc đạt thấp.
TX Quảng Yên ngày càng đổi mới
Bất cập tương tự là việc phân bổ kinh phí hoạt động cho các tổ chức đoàn thể. Hiện nay, xã Cẩm La trả phụ cấp trên 190 triệu đồng/năm cho đội ngũ cán bộ thôn. Mức chi trả phụ cấp này gần như chiếm hết số kinh phí được cấp nên kinh phí dành cho các hoạt động ở thôn quá ít. Do đó, từ năm 2015 trở đi, Cẩm La sẽ kiện toàn đội ngũ này, dành kinh phí nhiều hơn cho hoạt động công ích.
“Đầu tư công – Quản lý tư”
Để thực hiện có hiệu quả đề án tinh giản bộ máy hành chính công, ông Lê Xuân Tặng, Bí thư Thị ủy Quảng Yên cho rằng, không thể đề ra chủ trương chung chung trên giấy mà phải đi thẳng vào thực tế địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
“Hiện nay, TX Quảng Yên có số lượng biên chế được tỉnh giao là 1.801 người, đồng thời có 2.330 người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, khu phố theo định biên. Thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy biên chế, Quảng Yên đã triển khai chủ trương này đến toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị các cấp. Trong đó, thị xã đã xây dựng đề án đổi mới mô hình hoạt động, tinh giản biên chế các cơ quan đơn vị sự nghiệp, trước mắt tập trung vào các đơn vị như Đoạn quản lý giao thông công chính, Ban quản lý chợ Rừng, Trạm khuyến nông, Ban quản lý dự án thủy sản Đông Yên Hưng, đồng thời xây dựng kế hoạch bố trí kiêm nhiệm các chức danh tại xã, phường”, ông Lê Xuân Tặng, Bí thư Thị ủy Quảng Yên. |
Để làm được điều này, TX Quảng Yên đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chất lượng phục vụ xã hội và nhân dân.
Cụ thể, TX Quảng Yên đã xây dựng dự thảo đề án sáp nhập trạm khuyến nông, trạm BVTV, trạm thú y để thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; rà soát, sắp xếp lại các điểm trường và tạm dừng việc tách các trường công lập có quy mô lớn; sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Phòng y tế; sáp nhập Đài Truyền thanh – Truyền hình với Trung tâm văn hóa – thông tin – thể thao để thành lập Trung tâm truyền thông và văn hóa TX.
Đối với cấp xã, thị trấn, TX Quảng Yên sẽ thực hiện sắp xếp kiêm nhiệm các chức danh. Cụ thể, chức danh như: Công an viên, dân quân tự vệ sẽ xem xét thực tiễn để kiêm nhiệm cho phù hợp, đảm bảo mỗi vị trí chức danh không chuyên trách xã và thôn đều phải kiêm nhiệm ít nhất 1 chức danh trở lên.
Một trong những điểm nhấn của TX Quảng Yên là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình “Đầu tư công – Quản lý tư”. Đó là chuyển các trung tâm, cơ sở thuộc cơ quan hành chính Nhà nước sang mô hình dịch vụ dưới sự quản lý của tư nhân. Trước mắt, TX thực hiện thí điểm mô hình này đối với 2 trường mầm non Hoa Hồng và Minh Thành...
Đó là chuyển đổi 2 trường này từ loại hình công lập sang tư thục. Nhà nước sẽ giao toàn bộ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho nhà đầu tư trực tiếp quản lý, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường và chấp hành nghiêm các quy định, tuyệt đối không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tài sản trên đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Trường mầm non Hoa Hồng sẽ được thí điểm mô hình “Đầu tư công – Quản lý tư”
Ngoài ra, khi chuyển đổi, nhà đầu tư sẽ được cho thuê đất từ 30 đến 50 năm và được miễn hoàn toàn tiền thuê đất. Các tài sản khác giao cho nhà đầu tư quản lý, sử dụng phục vụ cho hoạt động của nhà trường, Nhà nước không thu tiền.
Trong 3 năm đầu, ngân sách thị xã sẽ hỗ trợ tiền học phí, lương, các khoản khác theo lương và chi phí sửa chữa nhỏ theo cơ chế năm thứ nhất hỗ trợ 50%, năm thứ hai 30%, năm thứ ba 20% tổng các chi phí đó. Như vậy, trong giai đoạn 3-5 năm tiếp theo, ngân sách Nhà nước sẽ không phải chi trả các khoản lương, thưởng và đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường. Số lượng giáo viên trong biên chế sẽ được giảm thiểu tối đa.
“Mô hình trên phát huy hiệu quả, TX sẽ triển khai trên diện rộng các cơ sở, trung tâm khác đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Theo Đề án, TX Quảng Yên sẽ tinh giản được 10 đầu mối tổ chức, 514 biên chế, kinh phí tiết kiệm được gần 13 tỷ đồng”, ông Tặng cho hay.