Trong đó có định hướng lâu dài cho phát triển bền vững gia súc ăn cỏ, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt, bò sữa, dê thịt gắn liền với việc trồng, chế biến cây thức ăn thô xanh, ưu tiên đặc biệt cho ngô sinh khối. NNVN có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi để có thêm thông tin về vấn đề này.
Từ chiến lược nêu trên, xin ông cho biết mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về đầu con, sản phẩm đối gia súc ăn cỏ?
Mục tiêu cụ thể của chiến lược chăn nuôi đến năm 2030, nước ta lập kế hoạch nuôi khoảng 2,4 – 2,6 triệu con trâu, 6,5 - 6,6 triệu con bò thịt, 650-700 ngàn con bò sữa và 4 – 4,5 triệu con. Đàn gia súc ăn cỏ này sẽ tương ứng sản xuất ra sản lượng thịt hơi gồm 199 ngàn tấn thịt trâu, 850 ngàn tấn thịt bò, 2,6 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu và 110 ngàn tấn thịt dê, cừu. Sản lượng thịt hơi gia súc ăn cỏ chiếm từ 10 - 11% tính trên tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 8,8 triệu tấn.
Không giống như các nước có nền chăn nuôi gia súc ăn cỏ phát triển như New Zealand, Úc, Hoa Kỳ, Canada… ông có thể cho biết nước ta có kế hoạch gì về thức ăn thô xanh để nuôi đàn gia súc ăn cỏ?
Về cơ bản, nước ta không có đồng cỏ tự nhiên nên chăn nuôi gia súc ăn cỏ phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng, chế biến thức ăn thô xanh. Hiện cả nước có trên 172 ngàn ha trồng cỏ, trong đó chủ yếu là cỏ voi (số liệu thống kê năm 2019 của Tổng cục Thống kê), đạt năng suất trung bình trên 55,4 tấn/ha/năm và có trên 50 ngàn ha trồng ngô sinh khối, cây thức ăn thô xanh khác cho gia súc nhai lại, năng suất từ 120-150 tấn/ha/năm.
Như vậy, tổng diện tích đất dành cho trồng thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại chỉ chiếm khoảng 2% diện tích đất gieo trồng của cả nước. Dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ, các chuyên gia cho rằng cần phải có tổng diện tích trồng cây thức ăn thô xanh vào năm 2030 lên gần 1 triệu ha thì mới đủ tổng thức ăn thô xanh (khoảng 55 triệu tấn) cho đàn gia súc ăn cỏ và sản phẩm thịt, sữa của chúng như mục tiêu đã nêu trong chiến lược.
Nếu diện tích trồng thức ăn thô xanh được chuyển đổi cho gia súc ăn cỏ đến năm 2030 không đạt được 1 triệu ha, nước ta còn một tiềm năng rất lớn về phụ phẩm công-nông nghiệp có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc nhai lại.
Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2019 nước ta có trên 55 triệu tấn phụ phẩm công-nông nghiệp có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, trong đó có gần 40 triệu tấn rơm, nguyên liệu quan trọng làm thức ăn thô xanh cho trâu bò. Nếu khối lượng rơm này được thu gom, bảo quản và chế biến 100% thì có khả năng đáp ứng cơ bản thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ăn cỏ ở Việt Nam theo như mục tiêu đề ra trong chiến lược.
Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các địa phương có điều kiện trồng ngô sinh khối vào vụ đông ở một số tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Khác với trước đây, các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung có diện tích vụ đông rất lớn. Nhưng hiện nay, ngoài rau, thì các cây lượng thực trồng trong vụ đông như ngô hạt, lạc, khoai tây…ít được các địa phương chú ý vì hiệu quả thấp, trong khi Việt Nam đang đứng hàng đầu về xuất khẩu gạo.
Vì vậy, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên… đang có chính sách khuyến khích bà con nông dân trồng ngô sinh khối trên đất 2 vụ lúa và vụ đông. Đây là một chỉ đạo có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi.
Đối với trồng trọt, thì việc chuyển đổi đất vụ đông sang trồng ngô sinh khối để tự nuôi gia súc ăn cỏ hoặc bán cho các doanh nghiệp chăn nuôi bò có lãi gấp từ 2,5 - 3,5 lần là so với trồng lúa là một động lực kinh tế quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt.
Đối với chăn nuôi, khi chủ động được nguồn thức ăn thô xanh có chất lượng gắn với chế biến sẽ là chìa khóa vàng cho việc chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi các gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò sữa, bò thịt. Thịt và sữa từ gia súc ăn cỏ là 2 sản phẩm thiết yếu mà người tiêu dùng trong và ngoài nước đang có nhu cầu rất cao.
Xin ông cho biết các hình thức chế biến đối với ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ?
Ngô sinh khối có năng suất sinh khối rất cao nên khi đến thời điểm thu hoạch cần một hệ thống các giải pháp chế biến, bảo quản, bao gồm: (i) Cắt, băm cho ăn trực tiếp; (ii) Cắt, băm bằng máy và ủ chua bằng túi ny lon lớn, hố ủ, hoặc xy lô công nghiệp; (iii) Sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR; (iv) Sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh lên men FTMR; (v) Sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dạng viên cho gia súc ăn cỏ (vi) Bán cho các doanh nghiệp chăn nuôi bò thu mua.
Vì vậy, tùy điều kiện đầu tư và quy mô chăn nuôi người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi có thể lựa chọn cách chế biến, bảo quản phù hợp.
Khác với ngô lấy hạt, ngô sinh khối lấy cả hạt và tất cả các bộ phận từ thân, lá, bắp. Vậy ông có thể hướng dẫn cho người chăn nuôi kỹ thuật nhận biết khô sinh khối đã chín cần thu hoạch?
Hiện nay trên thị trường có nhiều giống ngô sinh khối, kể cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, vì vậy mỗi giống có thời gian sinh trưởng từ khi nẩy mầm đến khi thu hoạch từ 75 - 85 ngày. Tuy nhiên, người trồng có thể dựa vào các quan sát sau để quyết định thời điểm thu hoạch: (i) Có từ 1 - 3 lá sát gốc cây ngô bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu vàng tự nhiên; (ii) Bẻ ngẫu nhiên một bắp ngô, mở các lớp áo, quan sát hạn ngô ở giữa bắp nếu 1/3 hạt ngô ở cuối hạt còn ở dạng ngậm sữa là thời điểm phù hợp cần thu hoạch ngay. Đây là thời điểm ngô sinh khối cho sinh khối và chất lượng cao nhất để chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ.
Ở nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi 4F hoặc mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Ông có đánh giá như thế nào về những mô hình này?
Chăn nuôi 4F là viết tắt của 4 từ tiếng Anh (Feed – Farm – Food – Fertilizer: Thức ăn – Trang trại – Thực phẩm – Phân bón hữu cơ). Chăn nuôi tuần hoàn là mô hình chăn nuôi hướng tới tái sử dụng các chất thải chăn nuôi để nuôi, trồng các sản phẩm để làm nguyên, vật liệu đầu vào cho quá trình chăn nuôi.
Mô hình 4F trong chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm hay mô hình chăn nuôi-chế biến sữa của các công ty lớn như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu… là những ví dụ điển hình.
Ở các chuỗi này có đủ 4F, trong đó F cuối cùng là toàn bộ chất thải chăn nuôi được thu gom để sản xuất phân bón hữu cơ để trồng cỏ, ngô sinh khối, lúa …để quay lại phục vụ chăn nuôi. Nếu doanh nghiệp nào không có điều kiện về đất nông nghiệp để trồng các loại cây này thì có thể sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh để thương mại hóa trên thị trường.
Chăn nuôi tuần hoàn cũng đang là mô hình phát triển ở các nước phát triển trong thế kỷ 21. Các chất thải chăn nuôi kể cả phân, nước tiểu, chất độn chuồng từ đệm lót sinh học được thu gom để sản xuất phân bón hữu cơ. Một số doanh nghiệp tái sử dụng nước thải chăn nuôi sau sử lý đạt tiêu chuẩn phục vụ ngay cho trại chăn nuôi.
Hiện các mô hình chăn nuôi bò thịt trên đệm lót sinh học từ giá thể các vỏ cây trong quá trình chế biến gỗ và sử dụng chế phẩm vi sinh vật từ nhóm Bacillus hoặc Latobacillus ở Công ty T&T 159 để sản xuất phân bón hữu cơ là một ví dụ điểm hình cho mô hình chăn nuôi tuần hoàn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
"Thông qua việc xây dựng chính sách hỗ trợ để nhân rộng, hoàn thiện và tài liệu hóa các mô hình chăn nuôi 4F hoặc chăn nuôi tuần hoàn trong cả nước, ngành chăn nuôi đang và sẽ hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi sinh thái và thân thiện với môi trường như định hướng tại chiến lược nêu trên", ông Tống Xuân Chinh.