| Hotline: 0983.970.780

Mô hình cho cá 'tập gym' ở Hà Nam

Thứ Hai 11/05/2020 , 12:57 (GMT+7)

Nhờ áp dụng mô hình “sông trong ao”, năng suất cá của một HTX tại tỉnh Hà Nam đã tăng gấp 4 – 5 lần so với cách nuôi truyền thống.

Đó là cách làm hiệu quả đang được HTX sông trong ao Hải Đăng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX cho biết, ngay chính bản thân cũng ngỡ ngàng trước hiệu quả ban đầu của mô hình. Từ cuối năm 2018, anh biết đến “sông trong ao” qua sự giới thiệu của Sở NN-PTNT Hà Nam. Anh đã tìm về một số mô hình “sông trong ao” tại tỉnh Hải Dương để học hỏi kinh nghiệm.

Mô hình nuôi cá 'sông trong ao' tại HTX Hải Đăng. Ảnh: Kế Toại. 

Mô hình nuôi cá "sông trong ao" tại HTX Hải Đăng. Ảnh: Kế Toại. 

Sau thời gian ăn dầm, ở dề, anh Hiếu cũng nắm bắt và được chuyển giao một phần kỹ thuật nuôi cá mới này. Mà theo cách gọi của anh là cho cá tập gym (thể dục, thể hình). Bởi dù nuôi trong ao, nhưng nguồn nước luôn chảy tuần hoàn, cá vận động không ngừng nghỉ nên khỏe mạnh, chóng lớn.

Đầu năm 2019, anh Hiếu mạnh dạn đứng lên thành lập HTX và thuê được 4,2ha mặt nước tại xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng) để đầu tư sản xuất. Toàn bộ hệ thống ao hồ cũ, anh Hiếu cho cải tạo lại, kiên cố hóa bờ đập. Sau đó cho xây dựng, lắp đặt hệ thống luồng lạch, điều tiết nước.

Tới tháng 7/2019, anh bắt đầu nhập các loại giống cá trắm, rô phi đơn tính về nuôi thử nghiệm. Số lượng 1,1 vạn cá rô, 8.000 cá trắm với số tiền trên 300 triệu đồng. Theo anh Hiếu, tổng số tiền HTX đầu tư vào mô hình này đã lên tới hơn 3 tỷ đồng.

Năng suất cá của mô hình 'sông trong ao' cao gấp 4 - 5 lần cách nuôi truyền thống. Ảnh: Kế Toại. 

Năng suất cá của mô hình "sông trong ao" cao gấp 4 - 5 lần cách nuôi truyền thống. Ảnh: Kế Toại. 

Sau gần 1 năm, lứa cá đầu tiên của HTX Hải Đăng đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Hiếu nhận xét, thực tế cho thấy, mô hình “sông trong ao” vượt trội rất nhiều so với cách nuôi truyền thống trước đây. Thứ nhất, do chủ động được nguồn nước, cá luôn vận động nên khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Tại đây, anh Hiếu cho lắp đặt toàn bộ hệ thống máng cám cho ăn tự động. Chỉ cần bấm nút, cám sẽ được phóng thẳng từng đợt xuống mặt hồ cho cá ăn. Do cá luôn nổi và vận động, người nuôi có thể xác định được trọng lượng để điều tiết lượng thức ăn sao cho phù hợp. Đồng thời, tránh lượng cám dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước.

Khu vực sau bể nuôi, anh Hiếu cho lắp đặt hệ thống thu toàn bộ phân, thức ăn thừa để dồn vào một bể chứa. Chất thải này sau đó được xử lý bằng men vi sinh, cuối cùng là quay vòng dùng để tưới cho vườn cây ăn quả.

Sản phẩm ruốc sản xuất từ cá trắm của HTX Hải Đăng. Ảnh: Kế Toại. 

Sản phẩm ruốc sản xuất từ cá trắm của HTX Hải Đăng. Ảnh: Kế Toại. 

Anh Hiếu dự tính, với diện tích nuôi hiện tại, mỗi năm sẽ cho sản lượng khoảng 120 tấn cá, năng suất gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Ngoài xuất bán cá tươi, HTX này đã bắt đầu mày mò tạo ra các sản phẩm thành phẩm như ruốc, chả cá hay cá kho tộ.

“Theo tính toán của tôi, nếu chế biến thành phẩm, giá trị mỗi kg sẽ tăng thêm khoảng 30%. Nhưng hiện tại, làm sao xây dựng thương hiệu, để sản phẩm được thị trường, người tiêu dùng biết tới nhiều hơn vẫn là một bài toán cần đáp số”, anh Hiếu chia sẻ.

Để đi tìm lời giải, HTX Hải Đăng đã thuê mặt bằng và mở một gian hàng giới thiệu sản phẩm ngay tại trung tâm thành phố Phủ Lý. Đồng thời làm hồ sơ, gửi UBND huyện Kim Bảng và ngành NN-PTNT để được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Từ hiệu quả bước đầu, anh Hiếu cho biết, đang tính phương án mở rộng sản xuất, đầu tư thêm hơn 1,3ha mặt nước để… cho cá tập gym. Về lâu dài, bên cạnh sản xuất, HTX sẽ nghiên cứu cách sản xuất con giống để chủ động cả đầu vào lẫn đầu ra.

Tới đây, các sản phẩm cá của mô hình 'sông trong ao' có thể trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Kế Toại. 

Tới đây, các sản phẩm cá của mô hình "sông trong ao" có thể trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Kế Toại. 

Theo Sở NN-PTNT Hà Nam, mô hình “sông trong ao” bắt đầu được thực hiện thí điểm từ năm 2018, tại huyện Lý Nhân và Bình Lục. Năm 2019, mô hình được mở rộng thêm tại các huyện là Kim Bảng, Duy Tiên và thành phố Phủ Lý. Toàn tỉnh hiện có 9 mô hình sản xuất, với diện tích ao nuôi gần 20ha.

Để nhân rộng mô hình, ngành NN-PTNT Hà Nam đã phối hợp các địa phương khảo sát, thẩm định, lựa chọn kỹ các hộ tham gia mô hình. Từ đó, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành cơ chế hỗ trợ mỗi mô hình 200 triệu đồng, thông qua con giống, chế phẩm xử lý môi trường và thuốc bệnh cho cá.

Tỉnh Hà Nam đánh giá, mô hình nuôi cá “sông trong ao” cho năng suất trung bình 15 – 20 tấn/bể, 25 – 30 tấn/ha/vụ. So với cách nuôi truyền thống, “sông trong ao” cho hiệu quả năng suất cao gấp 4 – 5 lần.

Định hướng trong năm 2020, Hà Nam sẽ tiếp tục duy trì mô hình, khuyến khích các địa phương tổ chức cho người dân tham quan, từ đó triển khai nhân rộng.  

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.