| Hotline: 0983.970.780

Lạ lẫm nuôi cá... trong rừng

Thứ Tư 06/05/2020 , 09:42 (GMT+7)

Đó là mô hình của ông Phùng Văn Kiếu ở xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Từ cách nuôi cá của ông đã trở thành phong trào ở xã vùng cao.

Trong chuyến công tác tới xã Thanh Vận, phóng viên đã nghe câu chuyện do Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Huy kể về cựu chiến binh Phùng Văn Kiếu làm giàu từ nuôi cá. Điều đặc biệt ở chỗ là người đàn ông này không nuôi cá ở ao, ở ruộng, hồ nước trong làng giống như mọi người, mà lại đưa cả gia đình lên vùng rừng núi hoang vắng không một bóng người để làm. Rồi sau nhiều năm, đến khi thành công thì quay về làng mua đất, làm nhà to đẹp.

Tìm hiểu mô hình nuôi cá này, PV đã cùng với ông Huy (Phó Chủ tịch UBND xã) đến thăm nhà ông Kiếu tại thôn Nà Rầy, ngôi nhà xây có thể nói là to đẹp và nổi bật nhất ở giữa bản vùng cao này.

Căn nhà khang trang mà ông Phùng Văn Kiếu tự hào là được xây dựng từ tiền chăn nuôi cá. Ảnh: Đồng Thưởng.

Căn nhà khang trang mà ông Phùng Văn Kiếu tự hào là được xây dựng từ tiền chăn nuôi cá. Ảnh: Đồng Thưởng.

Ông Kiếu khoảng 60 tuổi, thân thiện và cởi mở. Biết có PV đến tìm hiểu mô hình nuôi cá, ông không ngần ngại, tự hào nói về căn nhà mình đang ở là được làm từ tiền nuôi cá. Bản thân ông đã có hơn 30 năm chăn nuôi cá nước sạch, đến giờ thì con trai cả là Phùng Văn Lập đang nối nghiệp bố để phát huy nghề của gia đình.

Bố con ông đưa chúng tôi đi thăm trang trại, xa và sâu trong rừng, mất khoảng gần 30 phút vừa đi xe máy, vừa đi bộ vì trời trước đó vài hôm có mưa nên đường lầy lội.

Trang trại của ông Phùng Văn Kiếu nằm sâu trong rừng, một số đoạn đường phải đi bộ. Ảnh: Đồng Thưởng.

Trang trại của ông Phùng Văn Kiếu nằm sâu trong rừng, một số đoạn đường phải đi bộ. Ảnh: Đồng Thưởng.

Băng qua cánh đồng, lội qua một đoạn suối, đi vòng theo những sườn núi của cánh rừng Nà Rầy, chúng tôi đã đến được đất làm kinh tế của gia đình ông Kiếu. Là một trang trại được quy hoạch rất khoa học với hơn 6ha cây ăn quả mận, mơ, cam, quýt, nuôi ong và gà thả đồi. Ở giữa khu đất là một ao cá có diện tích tương đối lớn.

Ông Kiếu chia sẻ: Tổng doanh thu từ trang trại này là hơn 500 triệu/năm, trừ chi phí đầu tư và chi phí hàng ngày đi thì mỗi năm gia đình cũng tiết kiệm được khoảng 150.000 triệu đồng. Nhưng riêng ao cá đó mới giúp gia đình có thu nhập ổn định khoảng gần 20 năm nay, với trung bình trên 100 triệu/năm. Còn cây ăn quả và thu nhập khác thì chỉ bắt đầu từ vài năm trở lại đây và cũng từ con cá mà ra.

Từ nuôi cá trong rừng, gia đình ông Kiếu trồng thêm được hơn 6ha cây ăn quả và bắt đầu cho thu nhập. Ảnh: Đồng Thưởng.

Từ nuôi cá trong rừng, gia đình ông Kiếu trồng thêm được hơn 6ha cây ăn quả và bắt đầu cho thu nhập. Ảnh: Đồng Thưởng.

Ông Kiếu kể, kết thúc chiến tranh biên giới, ông trở về địa phương sinh sống và lấy vợ. Đấy là thời điểm quá khó khăn, làm đủ ăn nuôi gia đình không dễ. Đến năm 1987, ông quyết định đưa cả vợ con vào trong rừng trồng ngô, chăn nuôi để duy trì cuộc sống. Thấy khe có nước, bằng sức của bản thân ông đã tự đắp đập giữ nước, làm được 1 cái ao nhỏ nuôi cá để cải thiện bữa ăn.

Cá không ăn thể hết ông mang ra ngoài làng bán cho người dân, có lúc thì dắt xe đạp đi nửa ngày ra thị xã Bắc Kạn bán. Đường sá đi lại khó, đường mòn quanh co, đèo dốc. 

Phải đến đầu những năm 2000, đường đi qua Thanh Vận được Nhà nước đầu tư, giao thương hàng mới được thuận lợi. Ông Kiếu mạnh dạn thuê máy móc, mở rộng ao cá lên tới hơn 4.000m2 để chăn thả thương mại. Ông còn mua và đầu tư thêm một ao nữa có diện tích hơn 3.000m2 để làm nơi ương cá giống.

Để nuôi cá có hiệu quả cao, việc thứ nhất ông Kiếu nuôi ương cá giống 1 năm ở ao nhỏ, rồi chuyển lên ao lớn thì trọng lượng cá giống đã đạt khoảng 1kg. Xung quanh ao trồng cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là cây trứng cá, vừa có tác dụng mát ao, đến khi quả chín rụng xuống thành thức ăn cho cá. Gia đình cũng đã dành ra hơn 6.000m2 trồng cỏ voi xen cây sắn để làm thức ăn cho cá, chứ hoàn toàn không dùng thức ăn công nghiệp.

Đến lúc thu hoạch, những con cá nặng tới 8 - 10kg là bình thường, chất lượng cá rất ngon nên tư thương tranh nhau mua với giá lên tới 60.000 – 70.000 đồng/kg. Giá này luôn cao hơn cá nuôi công nghiệp ở dưới xuôi chuyển lên Bắc Kạn tới mấy chục ngàn đồng/kg.

Ông Kiếu cho biết ao cá này chính là nguồn thu nhập chủ lực của gia đình gần 20 năm nay. Ảnh: Đồng Thưởng.

Ông Kiếu cho biết ao cá này chính là nguồn thu nhập chủ lực của gia đình gần 20 năm nay. Ảnh: Đồng Thưởng.

Ông Kiếu tâm sự, bản thân giờ có tuổi rồi không làm việc trực tiếp được nhiều, công việc đều giao lại cho con trai nối nghiệp và phát huy. Nuôi cá sẽ luôn là lĩnh vực chủ lực đem lại thu nhập cho gia đình nên lúc nào cả 2 bố con cũng nghĩ đến việc mở rộng diện tích ao nuôi hoặc mua thêm đất.

Đi cùng với PV từ đầu, ông Triệu Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vận cho biết: Dân trong vùng thấy ông Kiếu nuôi cá cho thu nhập cao, nhiều người đã học hỏi, làm theo.

Ngay tại thôn Nà Rầy đã có hàng chục hộ tập trung phát triển chăn nuôi cá, xuất hiện nhiều ao cá rộng hàng ngàn mét vuông. Một điều mà từ trước tới nay, ít người nghĩ việc nuôi cá có thể trở thành phong trào như hiện nay ở xã vùng cao như Thanh Vận.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất