| Hotline: 0983.970.780

Mô hình tuần hoàn nước giúp người nuôi tôm giảm xả thải ra môi trường

Thứ Hai 13/11/2023 , 14:06 (GMT+7)

BẠC LIÊU Mô hình tuần hoàn nước trong nuôi tôm công nghệ cao giúp nông dân giảm xả thải ra môi trường.

Ngành nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, bên cạnh đó là tình trạng xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, bên cạnh đó là tình trạng xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Trọng Linh.

Trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu phát triển với tốc độ rất nhanh, mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân, nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra hàng loạt thách thức về môi trường cho phát triển bền vững.

Theo thông kê, đến nay tỉnh Bạc Liêu có khoảng 25 tổ chức và hơn 830 hộ dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu tập trung ở vùng sản xuất phía Nam quốc lộ 1A. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 23 quy định về BVMT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS); Quyết định 948 của UBND tỉnh ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về BVMT trên địa bàn tỉnh...

Bà Trịnh Khánh Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua, cùng với sự phát triển ồ ạt của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đã kéo theo lượng chất thải phát sinh từ nuôi tôm ra môi trường rất lớn. Để nguồn chất thải này được xử lý và thu gom đúng cách, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.

“Bên cạnh đó là công tác quan trắc chất lượng môi trường nước mặt định kỳ hằng tháng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường để phục vụ cho sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt là công tác quản lý BVMT trong NTTS được quan tâm tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp”, bà Ngọc chia sẻ.

Mô hình tuần hoàn nước giúp bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế ổn định. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tuần hoàn nước giúp bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế ổn định. Ảnh: Trọng Linh.

Cùng với đó, vận động, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ, chuyển giao cho nông dân áp dụng những quy trình, công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch thân thiện với môi trường, nhất là công nghệ, quy trình sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh.

Điển hình như Công ty TNHH thức ăn Thủy sản GrowMax (gọi tắt là Công ty GrowMax) đã tiên phong hỗ trợ và chuyển giao quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước theo công nghệ GrowMax miễn phí cho nông dân. Với việc áp dụng quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước đã giúp nhiều nông dân liên tiếp trúng tôm và giảm khoảng 30% chi phí đầu tư. Đặc biệt hơn là có thể tái sử dụng lại nguồn nước để phục vụ cho vụ nuôi mới.

Ông Phạm Văn Chu (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) vui mừng bên vụ tôm bội thu nhờ mô hình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phạm Văn Chu (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) vui mừng bên vụ tôm bội thu nhờ mô hình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax. Ảnh: Trọng Linh.

Qua đó, nông dân có thể chủ động được nguồn nước sạch, góp phần khắc phục những khó khăn lâu nay do phụ thuộc vào nguồn nước cấp từ các kênh thủy lợi. Bởi khi lấy nước trực tiếp từ các kênh thủy lợi cho vụ tôm mới, ngoài việc phải tốn tiền bơm nước, sử dụng các loại hóa chất để xử lý nước, đáng lo hơn cả chính là nguồn nước bị ô nhiễm thải ra từ các hộ nuôi tôm khác.

Ông Phạm Văn Chu (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: Bắt đầu từ năm 2023, tôi làm quy trình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax. Tôi khẳng định là rất thành công. Đối chứng với 4 trường hợp cùng thả nuôi tôm là các cháu trong gia đình, thả giống trước, sau 1 - 4 ngày nuôi, tới thời điểm này là đủ 100 ngày thả nuôi theo quy trình tuần hoàn nước và sử dụng thức ăn của Công ty GrowMax, tôm đạt trọng lượng khoảng 22 con/kg; còn tôm đối chứng chỉ đạt từ 30 - 32 con/kg. Mô hình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax vừa cho năng suất cao, vừa bảo vệ môi trường.

Mô hình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước theo công nghệ GrowMax không chỉ áp dụng cho nông dân tỉnh Bạc Liêu mà còn được nhiều hộ nuôi tôm khác ở khu vực ĐBSCL nhân rộng quy trình. Đây là việc làm cần được khuyến khích, nhân rộng trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt đang giảm và cạn kiệt. Ngoài ra, quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước chính là giải pháp giúp xử lý tình trạng lạm dụng nguồn nước ngọt để dung hòa độ mặn phục vụ nuôi tôm công nghiệp trong mùa nắng nóng.

Đến nay vẫn còn tình trạng nhiều hộ nuôi tôm tiếp tục xả thải trực tiếp ra môi trường, dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính về BVMT. Hoặc, có trường hợp đã xây dựng công trình xử lý bùn biogas nhưng vận hành không phù hợp và chất thải từ quá trình nuôi xử lý chưa đảm bảo theo quy định. Với thực trạng và hàng loạt các khó khăn trong quản lý môi trường trong nuôi tôm như hiện nay, giải pháp duy nhất vẫn là áp dụng các quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước, nhằm hạn chế xả thải ra môi trường. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư trong hoàn cảnh giá tôm giảm mạnh, tạo ra sản phẩm sạch và hàng hóa cạnh tranh cao.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.