Trung tâm Khuyến nông – KN Quảng Bình triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Quảng Ninh. HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn La (xã Lương Ninh) là đơn vị liên kết. với diện tích 5ha.
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện mô hình với hộ anh Nguyễn Thanh Hương (ở xã Quảng Hoà, thị xã Ba Đồn), với diện tích 3ha.
Mục tiêu mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ.
“Chúng tôi mong muốn qua đó góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ”- ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình cho hay.
Thực hiện mô hình, HTX và hộ tham gia đều đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt chỉ sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học thay thế cho phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, đặc biệt là các đợt mưa rét trái vụ vào tháng 2 và tháng 4/2022, nhưng nhờ đảm bảo được các yếu tố về kỹ thuật, mô hình đã đạt được yêu cầu đề ra.
Trên diện tích mô hình, không chỉ giống nảy mầm đạt 95% mà cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ. Cuối vụ đông- xuân vừa qua, năng suất lúa tại HTX Văn La đạt 50 tạ/ha. Riêng diện tích lúa hộ ông Nguyễn Thanh Hương đạt 55 tạ/ha.
“Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ban đầu có năng suất tương đương với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người và môi trường. Khi chúng tôi bán lúa ra thị trường cũng có giá cao hơn nhiều lần so với lúa thông thường nên người nông dân có lãi lớn”- ông Hương chia sẻ.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình, gia đình anh Nguyễn Xuân Hải (ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh), mạnh dạn cải tạo diện tích đất ruộng hiệu quả thấp sang sản xuất lúa cá.
Trung tâm đã hỗ trợ kỹ thuật, giống và vật tư phân bón, anh Hải bắt tay vào làm mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá với tinh thần cao trên diện tích 2,5 ha.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình thì việc trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kép. Cá và lúa có quan hệ cộng sinh, do đó giảm được chi phí về sản xuất, đặc biệt là hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học.
Từ đó, tạo ra được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. “Mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao ST25 cũng giúp tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng giá trị trên đơn vị diện tích trong sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, khi có thu nhập cao từ sản xuất hữu cơ sẽ tạo nên tư duy mới cho bà con học tập làm theo”- anh Hùng nói thêm.
Khi thu hoạch lúa thì đồng thời anh Hải cũng thu hoạch cá nuôi. Năng suất lúa bình quân đạt 55 tạ/ha. Sản lượng cá nuôi ước đạt khoảng 1 tấn/ha. Anh Hải cho hay: “Hạch toán chi phí và thu nhập thực tế cho thấy mô hình sản xuất lúa hữu cơ- cá mang lại kinh tế cao hơn hẳn. Từ mô hình này, gia đình tôi có thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha”.
Anh Hải cũng cho rằng, kết quả đạt được lớn nhất của mô hình là đã mở ra hướng canh tác thân thiện với môi trường do không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như trước đây. “Người nông dân chúng tôi cũng rất an tâm vì đã tạo ra sản phẩm vừa an toàn vừa có chất lượng cao”- anh Hải bộc bạch.
Hiệu quả bước đầu của các mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân. Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình thì việc đa dạng hoá hình thức canh tác, từng bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp chất lượng, tăng giá trị sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm nhiều mô hình, tại nhiều địa phương về sản xuất lúa hữu cơ để nâng tầm giá trị hạt lúa. Qua đó, tuyên truyền và khuyến khích bà con nông dân ý thức chuyển dần sản xuất hữu cơ”- ông Hải cho biết thêm.