Nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT, được triển khai tại tỉnh Long An trên địa bàn 23 xã, thuộc 5 huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Tổng diện tích vùng dự án gần 49.600 ha, với hơn 25 ngàn hộ nông dân tham gia.
Mục tiêu dự án đặt ra là sẽ đào tạo, tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” cho 13 ngàn hộ nông dân, diện tích canh tác 26 ngàn ha, “1 phải, 5 giảm” có 6.500 hộ được đào tạo, diện tích canh tác 13 ngàn ha. Áp dụng quy trình canh tác bền vững theo “3 giảm, 3 tăng” là 20 ngàn ha và “1 phải, 5 giảm” là 9 ngàn ha, tăng lợi nhuận cho nhà nông 30%. Về mặt môi trường, giảm khí phát thải nhà kính hơn 133 ngàn tấn. Có 16 tổ chức nông dân được hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, diện tích canh tác có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp là 6 ngàn ha.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT Long An, kết quả thực nhiều chỉ tiêu đến tháng 7/2020 đã vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, số người hưởng lợi là 76.772/66.000 (đạt 114,8% so với mục tiêu), diện tích áp dụng các biện pháp canh tác bền vững thông qua giảm phân bón và thuốc BVTV đạt 23.719/20.000 ha (đạt 118,6%), diện tích áp dụng các biện pháp canh tác bền vững và công nghệ sau thu hoạch 11.274/9.000 ha (đạt 125%). Các chỉ tiêu còn lại như: diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững, diện tích tham gia hợp đồng bao tiêu, tăng lợi nhuận/ha đất sản xuất… đều đã tiến sát mục tiêu đề ra.
Ông Mai Văn On, Tổ trưởng Tổ thực hiện Dự án VnSAT huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Tổ đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã trong vùng dự án triển khai thực hiện 15 lớp tập huấn, đào tạo 3 ngày về kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, với 402 nông dân tham gia.
Cụ thể, xã Hậu Thạnh Tây mở được 5 lớp, Hậu Thạnh Đông 4 lớp, Xuân Lập 3 lớp, Nhơn Hòa Lập 2 lớp và Bắc Hòa 1 lớp. Tương ứng với diện tích được áp dụng kỹ thuật này là 805 ha. Các xã này đã xây dựng được 5 điểm trình diễn, với tổng diện tích 5 ha để nông dân thực hành và tham quan học hỏi. Qua đó, đã mở rộng thêm diện tích áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, tăng thêm số người được hưởng lợi từ dự án.
Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang, từ được dự án VnSAT hỗ trợ, tập huấn, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, các hợp tác xã đã nâng cao năng lực quản trị, hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: Xã có diện tích lúa khoảng 1.260 ha. Trong đó, diện tích ruộng của hợp tác xã tham gia cánh đồng lớn của dự án VnSAT khoảng 750 ha. Trên địa bàn xã Mỹ Thành Bắc, thông qua những lớp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đã có tác động tích cực đến với sản xuất lúa của bà con nông dân.
Trước đây, các nông hộ thực hiện sạ dày rất nhiều, dao động từ 150-200kg lúa giống/ha. Tuy nhiên, từ khi tham gia dự án VnSAT, đã giúp bà con thay đổi nhận thức, hiện đã có hơn 75% số nông hộ thực hiện gieo sạ 100 kg/ha, 15% gieo sạ ở mức 120kg/ha, chỉ số ít còn lại gieo sạ ở mức 150 kg/ha. Thực hiện sạ thưa đã giúp nông dân giảm được lượng phân bón đáng kể từ 150-180 kg/ha xuống còn 90-100 kg/ha, giảm số lần phun xịt từ 3-4 lần phun xuống còn 2-3 lần/vụ.
Nâng cao năng lực hợp tác xã
Kết quả nâng cao năng lực cho hợp tác xã, trong 7 tháng đầu năm 2020, UBND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức nông dân thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo nghị quyết đại hội thành viên đề ra trong năm.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An đang triển khai hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hậu Thạnh Tây thực hiện mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, có 14 thành viên tham gia, tổng diện tích 50 ha trong vụ thu đông 2020. Trung tâm cũng triển khai mô hình điểm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoàng Gia (xã Nhơn Hòa Lập) để nông dân có điều kiện tham quan, đối chứng thực tế.
Ông Mai Văm On cho biết thêm, Tổ thực hiện dự án huyện Tân Thạnh đã phối hợp với UBND xã và các hợp tác xã rà soát, đề xuất 4 danh mục công trình đề nghị Ban quản lý dự án VnSAT Long An hỗ trợ, với tổng vốn đầu tư là 10,5 tỷ đồng.
HTX Nông nghiệp Hậu Thạnh Tây (xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, Long An) là tổ chức nông dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án VnSAT, khi được tập huấn nâng cao năng lực và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ông Phạm Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay HTX có 50 thành viên chuyên sản xuất lúa với gần 120 ha. Nhờ vùng đất thuận lợi mà HTX canh tác 3 vụ lúa trong năm. Bên cạnh đó, HTX còn đứng ra bao tiêu liên kết cùng bà con nông dân trong huyện với 522 hộ, tổng diện tích là 1.345 ha, để sản xuất lúa chất lượng cao theo đặt hàng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nhiều năm qua, HTX Hậu Thạnh Tây đã được dự án VnSAT đầu tư hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhằm phục vụ canh tác lúa hiệu quả hơn, như: trạm bơm điện, đường điện hạ thế, xây cầu, đường nội đồng dài 2,2km. Tham gia dự án VnSAT, các hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật, và được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì vậy, các thành viên trong HTX rất yên tâm đầu tư xuất lúa và năng suất ngày được nâng cao, chi phí đầu tư giảm từ 20-30% so với trước đó canh tác theo truyền thống.
Hiện nay, con đường giao thông nội đồng do dự án VnSAT hỗ trợ đã đi vào hoạt động khoảng 1 tháng nay. Nhà cửa bắt đầu cũng được xây cất hai bên đường, tạo ra diện mạo cho một vùng nông thôn vốn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: Thông qua các lớp tập huấn của Dự án VnSAT đã giúp cho bà con thay đổi phương thức sản xuất lúa, giảm được chi phí đầu tư, tăng được lợi nhuận. Cụ thể, đã giảm được số lần phun xịt, bón phân theo bảng so màu lá lúa nên giảm được rất nhiều chi phí, sản xuất thân thiện môi trường hơn. Hiệu quả rõ nhất là chi phí sản xuất đã giảm từ 3-4 triệu đồng/ha. Năng suất lúa của người dân đã tăng lên, tuy ít nhưng chất lượng cao hơn hơn.
Ông Nguyễn Văn Đúng, xã viên HTX Mỹ Thành Bắc phấn khởi: “Thông qua những lớp tập huấn của dự án VnSAT, tôi biết giảm giống, giảm phân, giảm số lần phun xịt. Hồi xưa một công 20 kg bây giờ một công còn 10 kg. Trước nông dân mình không có ai hướng dẫn, cho mình học kỹ thuật canh tác. Bây giờ mình đã qua trường lớp rồi, nắm bắt được kỹ thuật nên sản xuất hiệu quả hơn. Vì vậy, mỗi khi có mở lớp là rất đồng người đi học”.
“Người dân xã Mỹ Thành Bắc đã tham gia mô hình trồng lúa công nghệ cao được 13 ha và đã thực hiện vụ đầu tiên máy cấy 3 trong 1. Lúa cho năng suất khá, đầu ra cao hơn lúa bình thường từ 100 – 200 đồng/kg. Vụ đông xuân tới này, HTX sẽ tiến hành phát triển lên canh tác 250 ha lúa công nghệ cao. Trong đó, người dân sẽ được hỗ trợ 3,3 triệu đồng/ha/vụ. Quá trình canh tác sẽ tiến hành bón phân thông minh, chỉ 2 lần/vụ, bón vùi trước khi gieo sạ…”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc thông tin.