Ngày 8/10, tại TP Cần Thơ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra tiến độ các công trình đang triển khai thuộc dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) trên địa bàn 3 huyện của thành phố và có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, Sở NN-PTNT và Ban quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ.
Qua kiểm tra tiến độ thực tế thực hiện dự án, Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương đánh giá cao công tác triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật. Hiện đã có 19/31 HTX và tổ chức nông dân được xác nhận áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải – 5 giảm (1P5G) đạt 50% trở lên. Đến nay kết quả đánh giá các chỉ số phát triển: Về diện tích áp dụng 3G3T sản xuất lúa gần 19.000 ha, chiếm 63% diện tích đã được đào tạo (gần 30.000 ha) và trên 85% kế hoạch (22.000 ha). Diện tích áp dụng sản xuất theo quy trình 1P5G có trên 9.600 ha, đạt trên 54% diện tích đã được đào tạo (trên 17.845 ha), hơn 80% kế hoạch (12.000 ha). Tỷ lệ tăng lợi nhuận nông dân thu được trên ha là trên 30% so với nông dân ngoài dự án, tăng hơn 27,9% so với trước dự án. Tuy có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn nhưng một vài tiểu dự án còn chậm tiến độ.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Ban Quản lý dự án VnSAT Trung ương phối hợp UBND TP Cần Thơ và các cơ quan chuyên trách tháo gỡ khó khăn về thủ tục tài chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện dự án. Đồng thời đề nghị thành phố cần tập trung cao độ để thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ giải ngân, nhất là thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ các tổ chức nông dân/HTX đầu tư phát triển hạ tầng.
Từ năm 2016 đến nay, Dự án VnSAT Cần Thơ triển khai thực hiện tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt, với tổng diện tích thực hiện 38.363 ha và 32.231 hộ dân tham gia. Dự án VnSAT CầnThơ nhằm đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân trong vùng dự án đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào SX, để giảm chi phí SX, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Dự án cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ chức nông dân (HTX, tổ hợp tác) và liên kết với DN, đồng thời đào tạo, giúp nâng cao năng lực hoạt động và hỗ trợ các HTX thực hiện các tiểu dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ SX kinh doanh như: cống điều tiết nước, trạm bơm điện, kho chứa lúa, lò sấy…