Từ “3 giảm đến 5 giảm”
Kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” đã được tập huấn, phổ biến cho nông dân trồng lúa ở ĐBSCL từ trước khi có Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT. Tuy nhiên, với dự án này, nông dân được đào tạo, tập huấn một cách bài bản hơn, chuyên sâu hơn và số lượng nông dân tham gia đã tăng lên rất lớn. Không chỉ làm theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, nông dân còn được tập huấn, áp dụng “1 phải, 5 giảm”, với diện tích ngày càng được mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Nguyện, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Phước Thành (xã Thường Phước 1, Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết, HTX được thành lập năm 2015, với 142 xã viên, diện tích canh tác 513 ha, dịch vụ chủ yếu là tưới tiêu. Năm 2016, HTX Phước Thành được lựa chọn tham gia VnSAT, vùng dự án được mở rộng với 630 hộ nông dân tham gia. Đến nay, đã được dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, như đường dây điện trung thế, trạm biến áp, cống máng bơm tưới, phục vụ sản xuất hiệu quả hơn.
Khi tham gia dự án VnSAT, nông dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. “Cái lợi dễ thấy nhất là nông dân đã học hỏi và làm theo quy trình canh tác lúa bền vững, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giúp giảm chi phí. Hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, giúp cho việc tưới tiêu, thoát úng kịp thời, chủ động gieo sạ sớm, giảm được thất thoát. Việc giảm vật tư đầu vào, nhất là phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, đã góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn”, ông Nguyện đánh giá.
Ông Phạm Hùng Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nhận xét: “Từ sản xuất theo tập quán truyền thống chuyển sang quy trình canh tác lúa bền vững VnSAT, nông dân đã thay đổi rõ rệt, nhất là về tư duy sản xuất. Họ đã chuyển căn cơ từ kinh tế hộ sang làm kinh tế nông nghiệp, có ghi chép sổ sách, tính toán chi phí đầu tư, lỗ lãi sau mỗi vụ sản xuất”.
Theo ông Cường, trước đây nông dân của huyện có tập quán gieo sạ rất dày, lên tới 20-30 kg lúa giống/công. Mà muốn thay đổi tập quán này cũng không phải dễ. Khi tham gia dự án và đã được tập huấn, nhưng đến vụ gieo sạ, nông dân vẫn lén ngâm thêm lúa giống để sạ dặm thêm vào. Vì nghĩ sạ thưa sẽ thất, không có ăn. Chỉ đến khi có mô hình trình diễn, đối chứng thấy hiệu quả họ mới tin và làm theo. Không chỉ giảm lượng giống mà nông dân còn có ý thức sử dụng giống chất lượng, đạt phẩm cấp, chuyển từ các giống lúa có phẩm chất gạo thấp sang lúa chất lượng cao, gạo thơm, phục vụ chế biến xuất khẩu.
Dự án còn đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp phát triển sản xuất thuận lợi hơn. Cụ thể như đầu tư giao thông nội đồng, tạo điều kiện vận chuyển vật tư nông nghiệp, vận chuyển nông sản về kho dễ dàng. Trước đây, khi chưa có đường, gieo sạ phải tính toán, “ruộng trong trông ruộng ngoài”, ở ngoài phải thu hoạch trước thì ở trong mới có chỗ cho máy vào thu hoạch và kéo lúa về.
Lợi ích kép với phân hữu cơ
Đi tìm hiểu về mô hình sản xuất lúa sạch, an toàn, chúng tôi được hướng dẫn đến Hợp tác xã Phước Tiền, khóm Trung I, thị trấn Phước Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Đến nơi, chúng tôi thấy ông Năm Mẫm (Huỳnh Văn Mẫm) cùng các thành viên hợp tác xã đang lúi húi mở bạt kiểm tra đống ủ lớn bên hông nhà, rơm rạ đã sắp hoai mục thành phân. Ông Năm Mẫm bảo, đây là “Mô hình trình diễn sản xuất phân hữu cơ truyền thông tận dụng sản phẩm phụ từ lúa, thuộc dự án VnSAT”, sắp sử dụng được rồi, rải ruộng lúa, trồng rau màu đều được.
Ông Năm Mẫm là Chủ nhiệm Hội quán Tâm Việt, thuộc Hợp tác xã Phước Tiền. Hội quán có 47 thành viên, diện tích canh tác 370 ha, trong đó có những thành viên đầu tư làm lúa an toàn. Ông Năm Mẫm tâm sự: “Trước khi Hội quán Tâm Việt ra đời, nông dân sản xuất lúa ở đây sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều, có khi tới 4, 5 đợt/vụ. Nhưng nhờ được học tập về IPM, kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”. Rồi tham gia dự án VnSAT, lại được tập huấn chuyên sâu, “1 phải, 5 giảm”… Bây giờ cả vụ lúa cần thiết lắm mới phun 2 đợt, đảm bảo tuyệt đối thời gian cách ly, cho thuốc phân hủy hết mới thu hoạch nên nông sản làm ra an toàn và nông dân cũng khỏe người hơn”.
Phước Tiền là hợp tác xã được chọn tham gia dự án VnSAT Đồng Tháp, với vùng đê bao lên đến 2.600 ha, trong đó có 1.800 ha chuyên sản xuất lúa. Nông dân ở đây đang theo đuổi mô hình làm lúa sạch, lúa an toàn từ việc giảm tối đa lượng phân bón, thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Không những thế, nguồn phụ phẩm như rơm rạ cũng được thu gom, tận dụng để ủ phân hữu cơ, phục vụ sản xuất. Đây là việc làm mang lại lợi ích kép, vừa trả lại dinh dưỡng cho đất, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Cánh đồng lúa an toàn
Tại huyện An Phú, An Giang, những năm qua nông dân đã duy trì canh tác cánh đồng lúa theo hướng hữu cơ, an toàn hơn 4.000 ha, trong đó riêng xã Vĩnh Lộc chiếm 2.000 ha. Nông dân Vĩnh Lộc bắt đầu chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang lúa an toàn từ đầu những năm 2000 và chuyển đổi mạnh mẽ khi tham gia dự án VnSAT.
Phó trưởng trạm Trồng trọt - BVTV huyện An Phú Nguyễn Văn Tường cho biết, toàn huyện có 12 xã và 2 thị trấn, trong đó có 6 xã tham gia dự án VnSAT: Đa Phước, Phước Hưng, Quốc Thái, Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu. Đến nay, dự án đã đạt các chỉ tiêu về đào tạo, diện tích canh tác theo mục tiêu đề ra. Riêng về các tiểu dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, được triển khai từ năm năm 2018, như đường giao thông nội đồng (xã Đa Phước).
Theo ông Tường, tùy vụ, diện tích xuống giống lúa của huyện từ 5.000 ha (vụ thu đông), 13.000 ha (hè thu) đến 14.000 ha (đông xuân). Ngoài ra, còn có 2.000 ha trồng rau màu, bắp… Khi tham gia dự án VnSAT, nông dân được đào tạo bài bản nên họ áp dụng, thực hiện rất hiệu quả. Cụ thể là mạnh dạn áp dụng kỹ thuật giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón vô cơ, tăng cường thêm hữu cơ…
“Về thuốc bảo vệ thực vật, nông dân đã bỏ hẳn không phun thuốc trừ sâu, thường chỉ phun 1 lần thuốc bệnh/vụ. Đặc biệt là nông dân thường thăm đồng, quan sát mật số côn trùng gây hại, khi nào đạt mật số khuyến cáo mới phun chứ không phun định kỳ như trước đây. Nhờ vậy, mà giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống đồng ruộng, môi trường sinh thái được bảo vệ tốt hơn”, ông Tường chia sẻ.
Nông dân Nguyễn Văn Bương, ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc, có hơn 5 ha (53 công) đất canh tác lúa. Ông Bương cho biết, trước đây gia đình thường gieo sạ từ 20 kg lúa giống/công trở lên. Nhưng khi được chứng kiến các mô hình sạ thưa, sạ hàng, lúa phát triển tốt, vẫn trúng mùa nên học hỏi làm theo.
Ông Bương tâm sự: “Bây giờ, tôi chỉ sử dụng 12-13 kg lúa giống/công, còn bón phân thì nặng đầu nhẹ đuôi (nặng 2 đợt đầu), đã bỏ hẳn thuốc sâu, phòng trừ rầy, bệnh 1-2 đợt/vụ, tùy tình hình thực tế. Vụ hè thu vừa rồi, tôi tốn chi phí đầu tư phân, thuốc rất thấp, hết 42 triệu/53 công (chưa tới 800 ngàn/công), trong khi mức bình quân 1,3 - 1,5 triệu/công. Tuy năng suất không cao nhưng nhờ giá thành thấp nên lợi nhuận vẫn đảm bảo, thậm chí còn tăng hơn so với sản xuất truyền thống”.
Dự án VnSAT tỉnh An Giang được thực hiện tại 5 huyện: Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn, có 45 xã nằm trong vùng dự án, với tổng số 26.018 hộ tham gia, trên diện tích 38.602 ha. Theo kết quả đánh giá nội bộ vụ Đông Xuân 2020, mức độ áp dụng qui trình canh tác bền vững, diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững thông qua giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là 20.877 ha. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững và công nghệ sau thu hoạch để giảm lượng nước sử dụng và tổn thất sau thu hoạch là 17.884 ha. Vụ Đông Xuân 2020 diện tích áp dụng canh tác bền vững tham gia hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp là 6.037 ha, với 33 tổ chức nông dân tham gia. Đ.T.CHÁNH