| Hotline: 0983.970.780

Mộc Châu sản xuất rau công nghệ cao như Đà Lạt

Thứ Năm 02/03/2023 , 10:44 (GMT+7)

Việc đầu tư cho Mộc Châu (Sơn La) trở thành sẽ vựa sản xuất rau theo hướng công nghệ cao như Đà Lạt là hướng đi đầy triển vọng.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ NN-PTNT giao, Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với FAO thực hiện Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” tại tỉnh Sơn La.

Ông Leone, chuyên gia kỹ thuật của FAO cho biết, Mộc Châu là địa phương có thời tiết, khi hậu mát mẻ giống Đà Lạt (Lâm Đồng), rất phù hợp cho gieo trồng rau quanh năm, nhất là với những cây rau có nguồn gốc ôn đới.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ sản xuất rau của các nhà nông ở Mộc Châu còn chưa bắt kịp Đà Lạt. Và cũng như Đà Lạt, việc sản xuất rau ngoài trời hay gặp thời tiết bất lợi như, mưa gió, sương mù và sâu bệnh hại, nên cần có chiến lược phát triển trồng rau trong nhà kính, nhà lưới mới đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.  

172010922-172010

Ông Leone (chuyên gia kỹ thuật của FAO) đang hướng dẫn chủ nhà vườn sử dụng các máy đo nhiệt độ và ẩm độ đất, nhiệt độ và ẩm độ không khí. Ảnh: Hải Tiến.

Cùng với đó, để thúc đẩy sản xuất thông minh, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân Mộc Châu nói riêng, nâng cao năng lực quốc gia sản xuất rau trong nhà kính nói chung, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã phối hợp với Bộ NN-PTNT Việt Nam xây dựng Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Viện Nghiên cứu Rau quả được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia thực hiện dự án. Nguồn kinh phí do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua FAO.

Dự án gồm 4 hợp phần chính là: Nâng cấp và tối ưu hóa 17 nhà kính, vườn ươm hiện có tại Mộc Châu (quy mô mỗi nhà kính từ 500m2 - 2.000m2); xây dựng mô hình sản xuất các loại rau có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao trong nhà lưới, nhà màng (ớt chuông, cà chua, dưa chuột…); hoàn thiện và nâng cao trình độ sản xuất cây giống cho các vườn ươm; bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch (sơ chế, đóng gói, bảo quản); quản lý vệ sinh an toàn sản phẩm; phân tích thị trường chuỗi giá trị và kết nối thị trường tiêu thụ rau, quả.

Đến nay, dự án đã hoàn thiện nâng cấp các nhà kính (nhà lưới, nhà màng) như mục tiêu kế hoạch. Viện Nghiên cứu Rau quả đào tạo kỹ thuật được 3 nhà vườn tại Mộc Châu gieo ươm và ghép thuần thục cây rau giống, đồng thời còn cung cấp 4 van cây cà chua ghép cho các nhà kính thuộc dự án, trồng được gần 2ha cà chua và ớt chuông bắt đầu cho thu hoạch.

Thời gian cho thu hoạch sẽ còn kéo dài tới cuối năm. Năng suất dự kiến đạt 110 - 130 tấn quả/ha đối với các vườn trồng ớt chuông, 180 - 200 tấn/ha với các vườn trồng cà chua.    

172013753-172013

Nhà vườn Lê Thị Hiền phấn khởi trồng được ớt quả to, mã đẹp, bán được giá cao. Ảnh: Hải Tiến.

Vào thăm nhà kính của dự án ở các xã Mường Sang, Đông Sang, Đông Luông, Phiên Luông, Chiềng Hắc và tiểu khu Tiền Tiến, mỗi nhà vườn đều có lắp đặt các máy đo nhiệt độ và độ ẩm đất, nhiệt độ và ẩm độ không khí, kết nối với điện thoại thông minh của chủ vườn.

Ngoài ra, còn có hệ thống tưới nước, bón phân tự động, bạt nông nghiệp phủ luống giữ ẩm đất, lưới cắt nắng và lưới ngăn côn trùng, đảm bảo được các điều kiện tối ưu giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi, cho năng suất, chất lượng cao.

Nhà vườn Trần Thị Hiền (trong dự án) ở bản 83, xã Phiên Luông trồng 900m2 ớt chuông, lứa đầu đã thu hái 200kg quả, bán qua thương lái được 7.000.000 đồng.

Chị Hiền đánh giá, ớt trồng trong nhà kính không bị sâu hại, ít nhiễm bệnh, quả to, mã đẹp hơn, nên được thương lái bao tiêu với giá cao gấp 1,5 lần cùng giống ớt này trồng ngoài nhà kính. Tổng sản lượng quả ước đạt 12 tấn (118 tấn/ha), cao gấp 3 - 4 lần các vườn ớt không có nhà kính bao che.

Để đạt năng suất quả nêu trên, chị Hiền phải thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật báo về điện thoại thông minh, rồi điều chỉnh chế độ chăm sóc sao cho độ ẩm đất trồng luôn ở ngưỡng 70 - 75%, nhiệt độ không khí trong vườn từ 22 - 28 độ C, ẩm độ không khí dao động khoảng 65 - 70%, nhiệt độ đất trồng từ 20 - 22 độ C.

Nếu nhiệt độ không khí trong vườn cao hơn 30 độ C, chị Hiền sẽ dùng lưới cắt nắng, ẩm độ không khí vượt ngưỡng tối ưu, phải tăng quạt thông gió và hút khí, ẩm độ đất quá thấp hay cây ớt sinh trưởng kém, phải tăng thời lượng dưỡng nước, bón phân...   

172016105-172016

Ông Nguyễn Văn Duyến khoe trồng giống cà chua sinh sản vô hạn, rất sai quả, cho thu hái liên tục tới hết năm. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Văn Duyến (hộ tham gia dự án) ở bản Ta Liết, xã Chiềng Hắc rất đồng tình với đánh giá của chị Hiền và phấn khởi cho hay, ông được dự án hỗ trợ nâng cấp 1.200m2 nhà kính trồng cà chua, mới thu hái bán được 600kg quả.

Do ít phải phun thuốc bảo vệ thực vật, mã quả đẹp hơn, chất lượng ngon hơn, nên được giá 12.000 đồng/kg, tính nhanh cũng được lãi già một nửa (hơn 50%), lợi nhuận cao gấp 1,7 lần so với cà chua trồng bên ngoài nhà kính.

Vì là giống sinh trưởng vô hạn, thời gian cho thu hoạch cà chua sẽ kéo dài 8 - 9 tháng. Dự kiến tới hết vụ, sản lượng quả sẽ đạt 21 tấn, tương đương năng suất đạt 180 tấn quả/ha.

Vui mừng trước thành quả thu được, ông Duyến tiếp tục làm thêm 1.000m2 nhà kính trồng cà chua. Ông Duyến nói chắc nịch, giá cà chua sẽ còn tăng, vì dưới đồng bằng đang chuyển sang mùa hè, không thể trồng cà chua, khi đó rau quả của Mộc Châu sẽ trở thành của hiếm

Ông Nguyễn Thái Thịnh (cán bộ điều phối kỹ thuật của dự án) cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự án phải chậm triển khai hơn 1 năm, nhưng kết quả bước đầu đạt được rất khích lệ, đã tạo được ảnh hưởng lan toả, được đối tác quốc tế đánh giá cao, sản phẩm cũng được nhiều chuỗi bao tiêu nông sản ở Hà Nội đặt vấn đều thu mua.

Sau cà chua và ớt chuông, dự án sẽ tiếp tục triển khai thuỷ canh dưa lưới, ớt chuông, cà chua... trên giá thể xơ dừa, không còn ảnh hưởng của các tác nhân hoá học.

“Sa Pa (Lào Cai) cũng có thể gieo trồng được các loại rau ôn đới, nhưng địa hình ở đây nhiều đồi dốc, mưa bão lớn, mùa đông có nhiều ngày rét hại (dưới 13 độ C), thậm chí xuống tới 0 độ C. Theo đó, việc đầu tư cho Mộc Châu (Sơn La) trở thành sẽ vựa sản xuất rau theo hướng công nghệ cao như Đà Lạt là rất đúng hướng. Tuy nhiên quỹ đất chuyên canh rau ở đây đang dần bị thu hẹp, rất cần địa phương xây dựng qui hoạch, chuyển đổi cơ những cây trồng hiệu quả kinh tế thấp ưu tiên cho chuyển sang trồng rau công nghệ cao”, ông Nguyễn Thái Thịnh nhìn nhận thêm.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.