| Hotline: 0983.970.780

Mỗi ngày ra biển, có 2 triệu đồng

Thứ Năm 07/05/2020 , 13:09 (GMT+7)

Khởi sự đầu vụ cá Nam, ngư dân vùng biển bãi ngang ở Quảng Bình trúng mùa khai thác mực, cá nục, cá trích… Ngư dân kiếm được một, hai triệu mỗi ngày ra biển.

Vụ cá Nam ở Quảng Bình bắt đầu có tín hiệu được mùa biển, ngư dân phấn khởi ra khơi. Ảnh: T.Phùng

Vụ cá Nam ở Quảng Bình bắt đầu có tín hiệu được mùa biển, ngư dân phấn khởi ra khơi. Ảnh: T.Phùng

Biển bãi ngang với những đặc thù khó khăn bởi ngư trường hẹp, phương tiện đánh bắt không được hiện đại nên đời sống ngư dân bấp bênh. Nhưng vụ cá Nam năm nay lại có nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) cho hay: “Năm nay, vụ cá Nam đến sớm hơn. Bà con ngư dân đang có thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/ngày đi biển. Giá dầu hạ thấp càng thêm động lực cho ngư dân ra khơi”.

Ngư dân kiếm vài triệu mỗi ngày

Sáng tinh mơ, về xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, trên con đường sát biển, cảnh mua bán hải sản diễn ra khá tấp nập. Khi tàu cập bến, ngư dân hối hả đưa mực, cá vào bờ. Trên đường, hàng chục thương lái với phương tiện vận chuyển đã chờ sẵn. Thuận mua vừa bán, nhoáng cái đã hết. Thương lái này đi thì có thương lái khác đến để đợi thuyền tiếp theo cập bến.

Ông Nguyễn Văn Nghị cho hay, với đặc thù biển bãi ngang nên chỉ có đội tàu hơn 100 chiếc (loại có công suất dưới 30 CV) để khai thác gần bờ. Mỗi chuyến ra khơi thu về hàng yến cá, có khi cả tạ cá, mực các loại, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho ngư dân.

Tàu cá ngư dân Phạm Văn Tâm cập bến. Mấy ngư dân cùng bốc cá, mực xuống thuyền thúng rồi kéo vào bờ. Mọi việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Tiền được xác nhận và tới chiều thương lái sẽ mang đủ đến nhà.

Ông Tâm cho biết, mấy hôm nay sương nhiều, biển lặng nên các nghề khai thác gần bờ dễ dàng, được nhiều cá, mực. Tàu ông Tâm có 4 người, khoảng bốn giờ chiều hôm trước là nhổ neo rời bến. Đến vùng biển lộng (cách bờ khoảng 5 hải lý) là thả lưới và thả câu mực. Việc đánh bắt cho đến rạng sáng hôm sau là thu lưới về bến.

Nhiều loại cá có giá trị cao làm tăng thu nhập cho ngư dân. Ảnh: T. Phùng.

Nhiều loại cá có giá trị cao làm tăng thu nhập cho ngư dân. Ảnh: T. Phùng.

Chuyến biển lần này thuận lợi nên ai cũng vui mừng. Về bến, thương lái lấy hết sản phẩm. Sản phẩm được gần chục ký mực và hơn 1,2 tạ cá nục và một ít cá khác. Tính toán lại, tổng thu được hơn chục triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi người còn được gần 2 triệu đồng.

Ông Tâm cười: “Nếu biển cho được kéo dài như vậy thì người dân vùng bãi ngang chúng tôi đỡ biết mấy. Vì vậy nên ai cũng có động lực xuống tàu”.

Với đội tàu đánh bắt xa bờ, thì thu nhập cũng tăng lên nhiều. Ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) đã không còn cảnh đìu hiu, mà thay vào đó là không khí rộn ràng hẳn lên.

Ngư dân Lê Văn Nam có con tàu công suất gần 800 CV vừa về bến sông Roòn sau chuyến biển xa. Tàu ông Nam có 7 lao động chuyên nghề mành chụp với chuyến biển khá thành công. Thương lái đã tập trung mua hết sản phẩm chuyến biển, chủ tàu thu được gần 300 triệu đồng.

“Sau khi trừ các chi phí, 7 lao động trên tàu cá của tôi đều được chia hơn 15 triệu đồng”, ông Nam chia sẻ.

“Giá dầu giảm, đi biển kiểu chi cũng lãi…”

Cũng thuộc diện biển bãi ngang, xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) nằm ở vùng giáp ranh với biển Vĩnh Linh (Quảng Trị), đang vào vụ biển. Tình hình đánh bắt đã có triển vọng tốt lên.

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho hay, toàn xã có trên 2.000 lao động theo nghề biển với 600 tàu, thuyền các loại.

Để đánh bắt hải sản, bà con dùng nhiều ngư lưới cụ khác nhau và chọn mùa trăng, con nước phù hợp để ra khơi. Ngư dân Nguyễn Văn Tuân (xã Ngư Thủy) cho biết, mọi năm, thời điểm này, ngư dân ở đây đánh được rất nhiều cá nục, trích và mực. Năm nay, theo con nước nên đầu vụ chưa thấy được mùa biển cho lắm.

“Tuy nhiên do giá dầu giảm mạnh nên dù chưa được mùa thì chi phí dầu thấp nên đi biển kiểu gì cũng có lãi. Người nhiều được 1-1,5 triệu đồng. Người ít thì cũng được 700-800 ngàn đồng”, anh Tuấn bộc bạch.

Ông Nguyễn Hữu Hiến cũng khẳng định dù lượng hải sản đánh bắt chưa được mạnh nhưng chính quyền luôn động viên bà con cố gắng bám biển để tạo sinh kế.

“Xã khuyến khích bà con nên tìm thêm các loại hình đánh bắt mới để đa dạng hàng hóa từ biển, tạo việc làm quanh năm”, ông Hiến cho hay.

Giá dầu hạ, tàu cá xa bờ ở Quảng Bình cập cảng cá Sông Gianh với sản lượng cao, có lãi lớn. Ảnh: T.Phùng.

Giá dầu hạ, tàu cá xa bờ ở Quảng Bình cập cảng cá Sông Gianh với sản lượng cao, có lãi lớn. Ảnh: T.Phùng.

Dù khai thác hải sản bằng nghề gì thì ngư dân vùng biển bãi ngang vẫn có cách tính khá giống nhau.

Ông Lê Văn Hậu (xã Nhân Trạch) có chiếc tàu cá công suất 40 CV, chuyên đánh bắt gần bờ. Mỗi chuyến ra khơi tàu “ăn” hết 60 lít dầu. Nếu như trước đây, mỗi đêm đánh bắt, riêng tiền dầu đã tốn hơn 1 triệu đồng. Nhưng bây giờ chi phí này chỉ hết khoảng 600 ngàn đồng.

Vì vậy, theo ông Hậu, mặc dù biển bãi ngang năm nay chưa phải là trúng đậm so với mọi năm nhưng nhờ cá, mực tươi ngon, bán được giá và chi phí giảm nên mỗi đêm bám biển các lao động trên tàu cũng kiếm được trên 1 triệu đồng/người.

Tại cảng Gianh, ngư dân Phan Văn Thế (ở xã Thanh Trạch - Bố Trạch), chủ một tàu cá có công suất 900 CV với 15 lao động làm nghề lưới vây đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới ở vùng biển Hoàng Sa. Ông Thế cho biết, trước đây, chi phí cho chuyến biển xa hết khoảng 120 triệu dồng, trong đó chi phí cho tiền dầu hết khoảng 80 triệu đồng.

“Bây giờ tiền dầu giảm nhiều, chỉ còn 11 ngàn đồng. Dầu giảm, một số chi phí liên quan đến hoạt động khai thác của tàu, như nước đá, vận tải, nhu yếu phẩm… cũng giảm theo. Nhờ vậy, mỗi chuyến biển của ngư dân giảm được 40% chi phí, tức là vào khoảng 50 triệu đồng”, ông Thế tính toán rõ ràng.

Cũng theo ông Thế, thời gian qua, chống dịch Covid-19 kéo dài nên giá cả các loại hải sản đều xuống vì không xuất khẩu được. Hệ thống nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa nên sức tiêu thụ hải sản giảm mạnh. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm, ngư dân đỡ phần nào chi phí, nên ra khơi rất tự tin.

“Những tàu xa bờ cập cảng trong tuần qua có nhiều loại cá giá trị cao, như cá thu, cá ngứa, cá bớp, cá ngừ…, ngư dân rất phấn khởi, hăng hái vươn khơi, bám biển”, ông Thế nói thêm.

Tàu cá đánh bắt xa bờ tại cảng cá Sông Gianh cũng hối hả nhập đá, thực phẩm để vươn khơi. Ảnh: T.Phùng.

Tàu cá đánh bắt xa bờ tại cảng cá Sông Gianh cũng hối hả nhập đá, thực phẩm để vươn khơi. Ảnh: T.Phùng.

Đồng hành với ngư dân, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Quảng Bình chủ động triển khai thực hiện một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Quảng Bình cho hay: “Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu. Chi cục cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn và tuyên truyền ngư dân ký cam kết trong việc không khai thác hải sản bất hợp pháp, tuân thủ mọi quy định của IUU”.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, hoạt động đánh bắt cá được tiến hành quanh năm, nhưng sản lượng vụ cá Nam chiếm đến 70% tổng sản lượng đánh bắt cả năm. Bước vào vụ cá Nam năm 2020, mục tiêu đặt ra của ngành khai thác hải sản trên biển đạt trên 40.000 tấn.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.