| Hotline: 0983.970.780

Môi trường bị ô nhiễm, người nuôi tôm Quảng Nam thiệt hại nặng

Thứ Bảy 12/06/2021 , 11:30 (GMT+7)

Người dân ít chú trọng đến việc xử lý nước thải nuôi tôm là nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm cho môi trường nuôi cũng như môi trường xung quanh.

Vụ tôm đầu năm 2021, nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Nam chịu thiệt hại do tôm nuôi chết hàng loạt. Ảnh: L.K.

Vụ tôm đầu năm 2021, nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Nam chịu thiệt hại do tôm nuôi chết hàng loạt. Ảnh: L.K.

Quảng Nam nằm ở vùng ven biển miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Có không ít hộ gia đình ở các huyện ven biển vươn lên khấm khá từ nghề này. Tính đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm của toàn tỉnh khoảng 3.000ha.

Mỗi năm, sản lượng thủy sản từ nuôi trồng của tỉnh Quảng Nam đạt từ 22.000 - 25.000 tấn. Trong đó sản lượng tôm chiếm chủ yếu (từ 15.000-16.000 tấn). Giá trị hàng năm nuôi trồng thủy sản đạt từ 1.600 – 1.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc ồ ạt phát triển diện tích nuôi nhưng không chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường đã khiến cho nhiều ao nuôi tôm chết hàng loạt. Các chủ hộ thiệt hại từ vài trăm đến cả tỷ đồng tiền đầu tư.

Vụ tôm đầu năm 2021, nhiều hộ gia đình nuôi tôm ở huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ vô cùng lo lắng khi chứng kiến tôm nuôi của gia đình mình có hiện tượng chết hàng loạt. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến nay, diện tích ao hồ có tôm nuôi bị chết đã lên đến 83ha.

Đặc biệt, tại huyện Núi Thành có 30ha tôm bị các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp. Còn tại xã Tam Phú (TP Tam Kỳ) cũng có đến hàng chục ao nuôi có tôm chết chủ yếu bị bệnh hồng thân.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, xã An Phú, TP Tam Kỳ cho biết, vụ này, gia đình anh nuôi 6 ao tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 7.000m2. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trước, toàn bộ số tôm nuôi đều mắc bệnh hồng thân và chết sạch khiến gia đình thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Nhiều vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Nam đang bị ô nhiễm. Ảnh: L.K.

Nhiều vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Nam đang bị ô nhiễm. Ảnh: L.K.

“Tôi nuôi tôm cũng đã hơn 20 năm rồi. Những năm trước tôm ít khi bị bệnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, càng nhiều người đến khu vực này đào ao nuôi tôm khiến nguồn nước càng ngày càng bị ô nhiễm và bắt đầu xuất hiện các loại bệnh. Trong đó, vụ hè tôm chủ yếu bị bệnh hồng thân. Đến vụ đông thì các loại bệnh thường gặp là bệnh gan và đường ruột”, anh Hoàng nói.

Tôm bị bệnh, chết do ô nhiễm môi trường đang là thực trạng thường xuyên xảy ra nhiều năm qua ở tỉnh Quảng Nam. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh này cho biết, hàng năm, trên địa bàn có trên 100ha tôm bị chết liên quan đến vấn đề môi trường, làm thiệt hại của người dân từ 10 - 20 tỷ đồng.

Theo đó, ô nhiễm môi trường phát sinh từ: Chất dinh dưỡng cho tôm ăn (thức ăn dư thừa), phân tôm, vỏ tôm, tôm chết, chất hữu cơ hòa tan, vi sinh vật, ... từ các ao nuôi tôm. Khi các chất hữu cơ bị phân phân hủy sẽ làm ô nhiễm ao nuôi qua việc làm bùng phát tảo, gây thiếu oxy ao nuôi, biến động môi trường nước.

Hơn nữa, các quá trình phân hủy yếm khí từ xác tảo chết, thức ăn dư thừa, có thể dẫn đến sự tích tụ các khí độc như NH3, H2S, CH4... gây mùi khó chịu cho môi trường xung quanh.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong quá trình nuôi người dân vẫn ít chú trọng đến vấn đề xử lý nước thải nuôi tôm (đặc biệt là nuôi tôm vùng triều, dọc sông Trường Giang). Do vậy, tiềm ẩn nhiều vấn đề về ô nhiễm hữu cơ cho môi trường vùng nuôi và môi trường xung quanh.

“Nếu hệ thống ao nuôi không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải phù hợp được tích hợp vào thiết kế của hệ thống ao nuôi thâm canh, nước thải với hàm lượng hữu cơ, chất dinh dưỡng cao từ ao nuôi sẽ làm ô nhiễm nước trong hệ thống ao nuôi và nước mặt xung quanh khu vực nuôi. Từ đó sẽ làm tăng chi phí xử lý nước đầu vào và tăng nguy cơ mang mầm bệnh vào ao nuôi của chính chủ hộ nuôi và các cơ sở nuôi lân cận”, ông Trường nói.

Cần sớm có những biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi, hạn chế thiệt hại cho người dân. Ảnh: L.K.

Cần sớm có những biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi, hạn chế thiệt hại cho người dân. Ảnh: L.K.

Cũng theo ông Trường, mặc dù thực trạng ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn như thế nhưng đơn vị đang gặp phải một số khó khăn trong công tác quản lý, xử lý. Một trong số đó có thể kể đến là cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được Nhà nước đầu tư để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện chương trình quan trắc và cảnh bảo môi trường vùng nuôi hạn chế, vì vậy lượng mẫu kiểm tra còn ít, các chỉ tiêu kiểm tra chỉ dừng ở mức kiểm tra các thông số thông thường, chưa đánh giá được tổng thể các yếu tố trong môi trường nước.

Do đó, để khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi, tỉnh Quảng Nam cần sớm triển khai dự án nạo vét sông Trường Giang để khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm; Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền người dân về các giải pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn lịch mùa vụ và chỉ đạo sản xuất phù hợp ...

“Để giảm thiểu dịch bệnh, thời gian tới cần tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi các đối tượng nuôi chủ lực, các đối tượng có sản lượng và giá trị kinh tế cao, như: Tôm sú, tôm thẻ. Quan trắc để theo dõi về môi trường, diễn biến chất lượng và các tác động xấu của môi trường làm căn cứ quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh cho người nuôi trồng thủy sản do môi trường gây ra”, ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm