| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm ít dịch bệnh nhờ ý thức bảo vệ môi trường

Thứ Năm 10/06/2021 , 14:00 (GMT+7)

Những năm qua, nhờ ý thức bảo vệ môi trường vùng nước nuôi của những hộ nuôi tôm ở Bình Định được nâng cao nên đã hạn chế dịch bệnh.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến tháng 5/2021, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng gần 3.363ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt là 1.500ha, diện tích nuôi thủy sản nước lợ là gần 1.863ha.

Người nuôi tôm xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) bảo vệ mô trường vùng nước nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người nuôi tôm xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) bảo vệ mô trường vùng nước nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Riêng diện tích nuôi tôm nước lợ tập trung tại huyện Tuy Phước với hơn 958ha, huyện Phù Mỹ 439ha, huyện Phù Cát 246ha, TX Hoài Nhơn 132ha và TP Quy Nhơn 87,7 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là hơn 492ha; nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến là gần 1.371ha, chiếm 88% trong tổng diện tích mặt nước nuôi tôm nước lợ.

Hiện nay, người nuôi tôm ở Bình Định đang thu hoạch tôm nuôi vụ 1, giá tôm thương phẩm có xu hướng giảm, chỉ khoảng 80.000 - 85.000đ đồng/kg (tôm loại 100 con/kg). Trong khi những tháng cuối năm 2020 giá tôm thương phẩm ở Bình Định có giá đến 120.000đ/kg (tôm loại 100 con/kg). Tính đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ ở Bình Định chỉ có 0,61ha bị dịch bệnh, chiếm 0,1% diện tích thả nuôi; trong đó, có 0,23ha bị bệnh đốm trắng ở huyện Phù Mỹ và 0,38ha bị bệnh môi trường ở TX Hoài Nhơn.

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, trong 3 năm gần đây, ý thức bảo vệ môi trường vùng nước nuôi của những hộ nuôi tôm nước lợ ở Bình Định đã được nâng cao. Nhờ đó, dịch bệnh trên tôm đã được hạn chế rất nhiều.

“Đối với 492ha diện tích nuôi tôm theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, bà con đều bố trí ao lắng, ao nuôi và ao xả thải riêng biệt. Do đó, nước thải trong hoạt động nuôi tôm trước khi xả ra môi trường đã được xử lý an toàn. Riêng gần 1.371ha diện tích nuôi tôm theo phương thức quảng canh cải tiến tuy không bố trí ao lắng, ao xả thải, nhưng nhờ bà con tuân thủ mật độ nuôi theo khuyến cáo của ngành chức năng và nuôi tôm xen với cua, cá nên nước thải ít ảnh hưởng đến đến môi trường.

Môi trường vùng nước nuôi tại những vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở Bình Định đang ổn định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Môi trường vùng nước nuôi tại những vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở Bình Định đang ổn định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thêm vào đó, nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi tôm cộng đồng, các hộ nuôi tôm đều tuân thủ lịch thời vụ, mật độ thả nuôi, phương thức nuôi đã góp phần cải thiện môi trường vùng nước nuôi. Ví như khi xả thải là cả vùng xả đồng loạt, đưa nước vào ao nuôi cũng được thực hiện đồng loạt, nên tránh được chuyện người này xả thải người kia lấy nước vào ao nuôi khiến phát sinh dịch bệnh ”, ông Nhân chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nhân, chất lượng môi trường nước ở 1 số vùng nuôi tôm nước lợ còn bị ô nhiễm, một số hộ nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến chưa tuân thủ mật độ thả nuôi theo khuyến cáo của ngành chức năng và sử dụng con giống không đảm bảo nên hiệu quả cho không cao. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng vùng nuôi yếu kém đã ảnh hưởng lớn đến việc quản lý ao nuôi và chủ động trong phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

“Thực trạng trên đã khiến trong năm 2020 diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh ở Bình Định trong cả 2 vụ là 41,91ha; trong đó bệnh đốm trắng là 3,63ha, bệnh do môi trường là 38,28ha, chiếm 2% trong tổng diện tích thả nuôi tôm, tăng 1,1% so với năm 2019”, ông Nhân nói.

Trong khi đó, mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tại thôn Công Lương A, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn, Bình Định) đã cho thấy hiệu quả thiết thực, dịch bệnh được hạn chế, năng suất tăng.

Theo anh Ngô Thanh Thoại, chuyên viên Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, trên địa bàn thị xã có 120ha diện tích nuôi tôm, tập trung tại các xã, phường Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương và Tam Quan Nam. Riêng 13,5ha tại thôn Công Lương A (xã Hoài Mỹ) nuôi tôm theo hướng VietGAP, bà con ở đây đã dành ra 1,8ha để đào ao lắng, ao xả thải và nuôi theo quy trình của ngành chức năng hướng dẫn.

Những hộ nuôi tôm theo hướng VietGAP ở thôn Công Lương A, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn, Bình Định) đều bố trí ao lắng, ao nuôi và ao xả thải riêng biệt. Ảnh: Vũ Đình

Những hộ nuôi tôm theo hướng VietGAP ở thôn Công Lương A, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn, Bình Định) đều bố trí ao lắng, ao nuôi và ao xả thải riêng biệt. Ảnh: Vũ Đình

“Vùng nuôi tôm theo hướng VietGAP ở thôn Công Lương A nhờ tuân thủ quy trình nên môi trường vùng nước nuôi ổn định nên hạn chế được dịch bệnh, năng suất tôm cũng tăng từ 10 tấn/ha lên 12 tấn/ha. Những vùng nuôi khác thì UBND thị xã giao Phòng Kinh tế và Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở bà con bảo vệ môi trường vùng nước nuôi theo đúng quy định và yêu cầu các hộ nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường vùng nước nuôi.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đều xây dựng mô hình, tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nuôi tôm về cách bảo vệ môi trường vùng nước nuôi”, anh Ngô Thanh Thoại cho biết.

“Kết quả quan trắc môi trường năm 2020 cho thấy, đối với vùng nuôi nước lợ, các thông số như nhiệt độ, pH, độ kiềm, COD, NO3, NO2 nằm trong ngưỡng thích hợp; độ mặn có giá trị trung bình dao động lớn tại các vùng trong tỉnh. Riêng giá trị trung bình các thông số NH3, PO4 tiếp tục ở mức vượt ngưỡng cho phép.Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025 để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển