| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 03/04/2021 , 08:20 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 08:20 - 03/04/2021

Món cháo cá

Những ngày của gió diều, gió chong chóng, gió trên bến nước và gió cho khô áo quần khi đứa bé cao hứng cắm từ trên cành cây xuống.

Gió và gió, trước khi những cơn mưa đầu mùa mang sấm sét đến. Gió thảnh thơi mang theo mùi chuột đồng bị cánh đàn ông con trai dí bắt cho bằng được rồi thui chúng bằng rơm rạ, ngay trên mặt ruộng khô nẻ.

Má phát hiện mâm cơm giác chạng vạng thiếu một đứa. Chính là cái đứa con gái hay nhảy mương, hay chạy u oa với cây sậy có cái chong chóng bằng lá dừa nước trong tay, cũng là đứa ưa lao xuống bãi sình từ trên cầu bến. Nó cũng là đứa hay cảm nắng cảm gió, chắc chắn đang nằm trùm mền ở trong buồng.

Quả nhiên là nó, cái chân còn dính đất thò ra bên ngoài mép mền, trên chiếc gường đêm đêm con và má. Chưa cần giở mền đã cảm thấy một sức nóng, trái tim người mẹ là nhiệt kế thần kỳ của má, trước những ốm đau kiểu này của bầy con. Nhưng má vẫn lật mền ra, áp tay vào trán con. Người nóng hầm hập mà cần mền, đích thị là sốt cảm.

Má để con tiếp tục nằm đó, chỉ nói lẫy “Chạy nhảy nữa đi, mồ hôi ròng ròng rồi đi tắm, có ngày!”. Má đi ngâm một nắm gạo. Má đi xem cái hũ hay rọng cá còn một con cá lóc nào không? Phải cá lóc mới được, vì thứ cá ấy hiền. Sao thịt nó hiền hơn cá rô, hoặc cá trê, không biết.

Chỉ biết là từ thời bà ngoại của má hoặc xa hơn nữa, ông tằng cố tỷ đã khẳng định con cá lóc hiền. Nhìn cách nó nuôi con, khi bầy ròng ròng nổi thành đám cá rung rinh đỏ tía trên mặt mương liếp hay bưng trấp, cá mẹ ẩn mình rất giỏi cạnh đó để báo động đám con khi chúng gặp nguy.

Không khi nào cá mẹ đi vắng hoặc rời xa khi cá còn là lũ ròng ròng. Má bắt con cá lóc trong hũ ra, làm sạch và đậy điệm kỹ rồi mới quay lên với đứa con trùm mền.

Tiếng đồng xu lanh canh trong chén dầu dừa thông báo một trận đánh gió mà một bầy con của má đều thuộc lòng.

Bàn tay chai sạn cứng như tay đàn ông, mạnh mẽ như đàn ông, tốc mền, ra lệnh con nằm sấp xuống, vén áo nó lên và những đường cạo từ chiếc đồng xu khiến tấm lưng nhỏ xíu chằng chịt vệt đỏ bầm như bị tra tấn.

Đau hả, nhột hả, chạy nhảy, tắm sông hả, bao nhiêu lần rồi con có tởn đâu? Đứa con vặn vẹo nhăn mặt cười ré, cười mà nhăn mặt. Vì nhột quá và cũng vì đau quá.

Nhưng bỗng dưng cả người đầm đìa mồ hôi, nghe toàn thân ấm sực dễ chịu khi cái khăn rằn trên tay má miết đi miết lại kiểu chào sân của diễn viên sau một tiết mục quen thuộc.

“Tự lau mồ hôi nghen, má đi nấu cháo đây”. Dịu dàng khi biết con chỉ cảm nắng cảm gió mà thôi. Nắm gạo được má đem đi giã trong cối nhỏ, dập dập cho vô nồi cùng nước và cả con cá.

Cá chín trước khi gạo nhừ, vừa kịp để má rỉa cá lấy hết xương, lấy kỹ không còn một cái xương nào, má thuộc lòng thứ xương của cá này từ khi nuôi ngoại bệnh, từ khi làm dâu nuôi mẹ chồng bệnh và khi một bầy con đông đúc lần lượt ra đời lần lượt lớn lên. Không nhớ bao nhiêu lần chúng sốt, bao nhiêu nồi cháo cảm và bao nhiêu lần dỗ dành con khi chúng lắc đầu trước tô cháo nóng.

Với con trai má hay rằng “Không gì bằng cơm với cá, không gì bằng má với con”, nhưng những đứa con trai luôn gào lên “Con ăn cơm, con ghét cháo!”.

Với mấy đứa con gái má dỗ như đang ru “Lớn lên đừng lấy chồng xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”, nhưng đám con này cũng bất trị: “Con muốn ăn cơm với cá kho quẹt, cháo nóng quá, cháy họng”.

Đến lúc này thì má không quát nạt gì cả, kiên nhẫn “Bị cảm ăn cơm tối, khó tiêu, lâu hết cảm lắm con”. “Ráng nghen, cháo nóng toát mồ hôi, mau hết bịnh, nghen”.

Đứa con được đỡ xuống gối, được má dùng cái khăn đẫm mùi má ấy tiếp tục lau thứ mồ hôi ở đâu ra mà cứ nườm nượp nước. Người bâng lâng, ấm sực bên cái mền đã được dỡ tung ra. Thần kỳ.

Từng miếng cá thơm đẫm mùi hành tiêu không gợn một tí xương trong tô cháo như thể con đang lên hai, lên ba hồi nào. Trên tất cả là gì, không định nghĩa hết được cái mùi cháo ấy.

Nhất định phải là buổi tối tháng tư oi nồng, gió sập sận ngoài căn buồng kín, rồi bước chân nhanh nhanh lụi đụi không lẫn vào đâu của má sau khi mùi cháo xộc lên trước. Nhất định đó là sản phẩm thương hiệu Má, không ai khác. Hoặc là của các bà má, của mọi bà má, không biết nữa.

Mỗi năm đôi lần, đứa con nào của má cũng thoát hiểm như vậy. Chúng mang ký ức ấy tản đi, không ít lần đã làm cho con mình y như cách má làm: đánh gió, lau mồ hôi và nồi cháo cảm.

Nhưng cá lóc đồng không sẵn, chúng cũng không kiên nhẫn ngâm gạo để giã nhỏ. Cháo thịt hoặc cháo suông, với hành với tía tô, dị bản rất xa rồi, nhưng biết làm sao?