| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 15/08/2020 , 06:30 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:30 - 15/08/2020

Một chút sự đời

Sếp nằm viện, miền Nam gọi là bệnh, miền Bắc gọi là ốm. Tin sếp ốm do cánh văn phòng rỉ tai nhau, sau đó cán bộ Công đoàn chính thức thông báo.

Sao dạo này sếp hay ốm thế nhỉ, nói với nhau bằng mắt để ai hiểu sao thì hiểu nhưng rốt cùng ai cũng hiểu, trừ sếp và vợ sếp.

Vợ của sếp không cùng cơ quan đây, thực ra vợ sếp không liên quan gì cả nhưng sự đời, sự đời ở cái xứ này, nói vậy mà không phải vậy à nha.

Lên kế hoạch đi thăm. Những vị cánh tay mặt thì đã mau chân đi trước, đi riêng, đi lẻ, như thể tin sếp ốm là một tin vui, một cơ hội. Dù có ngại tính khí sếp như con dâu ngại mẹ chồng, như con ghẻ ngại mẹ kế, nhất định cánh văn phòng phải là những người xếp liền sau nhóm tay mặt ở cửa phòng bệnh của sếp. Đi khẽ, nói khẽ, lần lượt, nấn ná với phu nhân để mong được nhớ mặt.

Vâng, có mấy vị đi công tác dài ngày cũng có lời hỏi thăm sếp đây ạ. Vâng, em mới chuyển về cơ quan mình có ba tháng, chị chưa biết mặt đó thôi. Vâng, cháu chân ướt chân ráo, nhân chú ốm, đến hỏi thăm cho cô biết mặt đây ạ. Vâng và vâng và vâng.

Các phòng ban phải xếp lịch để tránh dồn cục khiến cánh bệnh viện khó chịu. Nhưng đi kiểu gì cũng giày dép rầm rập cầu thang như đi họp, khi sơ ý, tiếng chân họ còn rộn ràng như đi diễu hành ấy chứ.

Bây giờ đường sữa thăm bệnh xưa thật là xưa rồi nhưng trơ cái phong bì thì chối mắt lắm. Vì vậy mà sữa Ensure và nho và táo và cam ngoại nhập trong những cái túi đẹp xếp thành núi ở góc phòng. Sếp nằm thiêm thiếp không nói không rằng với ai, chỉ có sếp bà xởi lởi không biết mệt suốt ngày, ngày này chí ngày khác.

Cán bộ Công đoàn quán xuyến nhắc nhở trong cuộc họp Ai chưa thăm sếp thì tranh thủ đi nhé. Thế thôi, không nói dài.

Rồi sếp cũng dần hồi phục, khi phòng bệnh chỉ còn ông với bà thì sếp ngồi dậy vừa ăn uống tẩm bổ vừa lắng nghe vợ báo cáo chuyện phong bì và quà cáp thăm hỏi. Không ghi chép như mọi lần nhé, không sổ sách giấy trắng mực đen gì nhé. Thế thằng B, thằng C, thằng D vẫn ngoại tệ như lần trước chứ hả?

Người viết bài đành phải lùi lại nói chuyện hồi trước chút xíu (nhưng vẫn e rằng độc giả và bè bạn lại kêu hay đem chuyện xa xưa ra nói). Nhưng nói để nhớ cái thói phong bì và kéo nhau đi như thể bị điểm danh này có từ lúc nào?

Trước bản lề được gọi là Đổi mới ấy, tôi nghe rằng ở Bắc, cơ quan có người bệnh thì Công đoàn cử đại diện đi thăm bằng nải chuối. Chuối ở đây là chuối dà, vàng tươi như chuối laba Đà Lạt, thời hợp tác xã toàn quốc, chuối là của đất thổ cư, sản vật hiếm.

Sau đó thì bắt đầu có sữa hộp trên thị trường nên công thức là cân đường và hộp sữa. Hồi ấy tôi thực sự không biết trong những phong bao Văn phòng và Công đoàn trích quỹ đi thăm hỏi thủ trưởng ốm là bao nhiêu.

Hoàn toàn chưa lâm cảnh mọi người phải có bổn phận đi thăm rầm rập như điểm danh, như trình diện như sau này.

Bây giờ nhà nhà đều thủ sẵn phong bì cho mọi mối quan hệ. Chừng như xã hội phân ra một cách không chính thức hai kiểu quan niệm cho hành vi của mình với phong bì: số đông công sở như đơn cử ở trên, đồng loạt một cách miễn cưỡng và máy móc (riêng cho việc thăm hỏi người ốm), phía còn lại là dân chúng (gọi là dân tự do, dân thường hay dân đen gì cũng được).

Chung một chữ tiện nhưng một đằng tặc lưỡi cho xong và một đằng, có cảm xúc, có thiết tha ở bên trong. Điều tệ hại là thói quen không đi thăm thì như là không lễ nghĩa ấy luôn khiến cho các bệnh viện ở Việt Nam mình quá tải về mật độ người.

Người ta thản nhiên đến như đi dạo mà quên rằng, bệnh viện là nơi chẳng đặng đừng, là chỗ cần phải tránh xa khi không cần thiết.

Có thể con virus Corona sẽ xóa được thói quen đi thăm bệnh như đi hội ở xứ mình. Những sếp và những người cần nịnh sếp rồi sẽ xử lý việc thăm hỏi ra sao nếu như sếp đổ bệnh (phạm vi bài không trù các sếp vướng Corona), vâng, làm sao bày tỏ được tình thương mến thương với sếp đây?

À, người ma lanh đã có cách, sếp nào bây giờ chẳng có tài khoản cá nhân mà cánh văn phòng phải thuộc, hoặc là xin số tài khoản của sếp bà, thế là một cú bấm trực tuyến, xong ngay, quá tuyệt.

Thế nhưng, mọi hành xử có kèm phong bì đã khiến xã hội chúng ta khác biệt đến mức quái gở, dị thường. Chúng ta có nhận ra điều đó không? Thiết nghĩ là có nhưng cưới xin – phong bì, giỗ chạp tang tế - phong bì, cớ gì người bệnh người ốm lại kỵ phong bì? Một bài toán, phải, trong cái tổng thể tinh thần bung bét thì giải nạn phong bì là một bài toán tưởng dễ lắm sao, phải, một bài toán không thể nào giải được nữa rồi.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm