| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi lao đao và giá lợn hơi xuống thấp

Thứ Hai 13/03/2023 , 10:31 (GMT+7)

Hiện, giá lợn hơi chỉ từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn và thu lỗ.

DSC_4365

Giá lợn thương phẩm xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Tuyên Quang lao đao. Ảnh: Đào Thanh.

Theo các hộ chăn nuôi lợn ở Tuyên Quang, thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, giá lợn hơi thương phẩm được thương lái thu mua từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, đến nay giá chỉ còn 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ ở Tuyên Quang chịu áp lực thua lỗ nặng nề. Nguyên nhân bởi bà con hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, từ việc mua con giống tới thức ăn chăn nuôi… Do đó, khi các mặt hàng nêu trên tăng cao trong khi lợn đến giai đoạn được xuất chuồng phải bán với giá thấp khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Trung bình, mỗi con lợn từ khi vào chuồng đến xuất bán người chăn nuôi lỗ khoảng 1 triệu đồng.

Gia đình Anh Nguyễn Văn Cường, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương thường xuyên duy trì khoảng 1.000 con lợn. Gần 1 tháng nay, giá lợn thương phẩm được thương lái thu mua từ 45.000 đến 46.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi như gia đình anh thua lỗ.

Anh Cường tính toán, do chủ động được nguồn con giống tại khu trang trại nên đã giảm được 1 phần chi phí đầu tư. Tuy nhiên, một con lợn từ khi mới đẻ đến khi trở thành lợn xuất giống chi phí đầu tư chăm sóc mất khoảng 1 triệu đồng. Tiếp đến, lợn từ giai đoạn giống đến giai đoạn được xuất bán thương phẩm chi phí đầu tư cám thức ăn, thuốc thu y, công chăm sóc mất khoảng 4 triệu đồng/con. Vì vậy, nếu giá như hiện nay, trung bình 1 con lợn 1 tạ, trừ chi phí, gia đình anh sẽ lỗ từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Dù biết bán lợn thương phẩm sẽ bị lỗ, nhưng mỗi tháng gia đình anh Cường vẫn phải xuất khoảng khoảng 200 con lợn để có tiền duy trì quay vòng đầu tư.

Gia đình anh Hà Văn Dũng, thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương vừa xuất bán 10 con lợn thương phẩm, trọng lượng hơn 1 tấn thịt hơi. Anh Dũng cho biết, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư giống, thức ăn chăn nuôi, đợt xuất bán này anh lỗ khoảng 2 triệu đồng.

Do gia đình anh Dũng chủ động được nguồn thức ăn là ngô, lúa, rau xanh có sẵn và hạn chế thức ăn cám công nghiệp nên chi phí đầu tư đỡ được phần nào nên lỗ ít hơn gia đình khác. Còn với những hộ chăn nuôi chủ yếu bằng cám công nghiệp có hộ lỗ cả triệu đồng/con. Giá lợn thương phẩm xuống thấp nên anh Dũng và nhiều hộ dân không dám tái đàn vì sợ càng nuôi càng lỗ.

DSC_0452

Ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân chủ động nắm bắt thị trường và không quá vội vã tái đàn trong giai đoạn này. Ảnh: Đào Thanh.

Với những hộ chăn nuôi quy mô trang trại chủ động được nguồn con giống, chủ động sản xuất cám thức ăn chăn nuôi, được chứng nhận đảm bảo an toàn dịch bệnh thì giá thu mua lợn thương phẩm đạt từ 48.000 đến 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lợi nhuận từ chăn nuôi mang lại gần như bằng không. Và tình trạng giá lợn thương phẩm tiếp tục xuống thấp thì những trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở Tuyên Quang cũng đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX Thực phẩm sạch Sáng Nhung, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương chia sẻ, trong trang trại của gia đình anh thường xuyên duy trì hơn 2.000 đầu lợn thương phẩm. Với giá lợn hơi như hiện tại, trang trại sẽ hòa vốn, nhờ nhiều năm nay đơn vị chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, con giống và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Theo anh Sáng, việc giá lợn hơi xuống thấp trong khi giá khô đậu tương đạt mức 17.000 đồng/kg, tăng 50% so với những năm trước cộng giá ngô hạt 8.700 đồng/kg, tăng 25%… nên chi phí đầu tư trong chăn nuôi bị đẩy lên rất cao. Kết hợp thêm áp lực của việc cạnh tranh với thịt lợn nhập khẩu giá rẻ và xuất khẩu lợn sang Trung Quốc gặp khó nên đẩy người chăn nuôi trong nước đối diện quá nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có trên 550.000 con lợn. Trước tình trạng lợn xuống giá quá thấp ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển kinh tế của người nông dân, ngành NN-PTNT và chính quyền địa phương khuyến cáo người chăn nuôi chủ động nắm bắt, dự báo thị trường và hạn chế tăng đàn trong thời điểm hiện tại. Bà con cũng cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa này nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.