| Hotline: 0983.970.780

Thông tin tiếp về đường dây giả mạo mã số đóng gói sầu riêng

Thứ Năm 09/01/2025 , 09:02 (GMT+7)

Doanh nghiệp có dấu hiệu dùng hợp đồng giả, song cả hải quan lẫn cơ quan kiểm dịch thực vật đều ngó lơ, có dấu hiệu bao che.

Làm ngơ!

Ngày 19/12/2024, nhóm PV báo Nông nghiệp Việt Nam đã cung cấp nhiều văn bản, chứng cứ cho thấy dấu hiệu Công ty An An 82 xuất khẩu sầu riêng với mã số giả. Công ty Vina T&T, đơn vị bị làm giả mã số đóng gói VN-BTPH-036 (mã 036), cũng đã có văn bản gửi cơ quan hải quan về việc này.

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu cứu của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bằng chứng về xuất khẩu sầu riêng với mã giả mạo, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai vẫn tuyên bố: “Việc Công ty TNHH MTV An An 82 nếu bị phát hiện giả mạo mã số thì việc kiểm tra, xử phạt và biện pháp khắc phục không thuộc thẩm quyền của Cơ quan hải quan. Do Cơ quan hải quan không quản lý về mã số xuất khẩu, do đó không phải thực hiện đối chiếu việc mã số xuất khẩu với bất kỳ cơ quan nào”.

Trung Quốc gửi công văn chất vấn về việc làm giả mã số đóng gói sầu riêng qua các cửa khẩu tại Lào Cai sang nước này. Cửa khẩu Kim Thành là một trong những điểm chính về xuất khẩu nông sản Ảnh: Tú Thành.

Trung Quốc gửi công văn chất vấn về việc làm giả mã số đóng gói sầu riêng qua các cửa khẩu tại Lào Cai sang nước này. Cửa khẩu Kim Thành là một trong những điểm chính về xuất khẩu nông sản Ảnh: Tú Thành.

Văn bản này được Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đề ngày 31/12/2024, nghĩa là sau hơn 10 ngày tiếp nhận thông tin kêu cứu của doanh nghiệp bị làm giả hợp đồng, giả mã số, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai không có bất cứ động thái nào bảo vệ doanh nghiệp đang kinh doanh đúng pháp luật.

Nhiệm vụ của ngành hải quan được ghi rõ trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai: Áp dụng biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Phòng, chống ma túy và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động được giao theo quy định của pháp luật; Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Tổ chức thực hiện chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về hải quan; Áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và các phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan

Ông Lưu Văn Vân, Phó Chánh Văn phòng Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, nói với nhóm PV rằng bản thân ông từng “kinh qua nhiều cửa khẩu”. Nếu đúng, thì ông Vân hẳn biết rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hải quan. Vì sao khi nhận được thông tin về việc Công ty An An 82 làm ăn gian dối, ông Vân tìm mọi cách gây khó dễ với báo chí, từ chối cung cấp thông tin: Công ty An An 82 đã xuất khẩu bao nhiêu tấn sầu riêng qua Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Cục Thuế tỉnh Lào Cai, Công ty An An 82 đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế ngày 12/8/2024.

Từ đó đến ngày 20/12/2024, Công ty An An 82 xuất hoa quả, nông sản sang Trung Quốc, giá trị hàng hóa dịch vụ bán ra là hơn 41,02 tỷ đồng; giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào là khoảng 40,93 tỷ đồng.

“Trong trường hợp có gian lận về con dấu, Cục Thuế tỉnh Lào Cai đề nghị doanh nghiệp bị thiệt hại có đơn gửi cơ quan công an để vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm. Công ty TNHH MTV An An 82 mới thành lập từ tháng 8, cơ quan thuế từng mời lên hợp tác làm việc song doanh nghiệp không đến, cũng không hồi âm”, bà Dương Thị Thu Hằng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lào Cai cho biết.

Không thể có câu trả lời từ Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, nhóm PV đã liên hệ làm việc với Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, đơn vị này cũng từ chối cung cấp thông tin.

Thật khó hiểu khi từ Tổng cục Hải quan tới Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, đều tìm cách bao che cho Công ty An An 82. Hai cơ quan này cũng không cho thấy bất cứ động thái nào thể hiện nhiệm vụ của ngành hải quan trước gian lận thương mại, trong khi phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhiều lần cảnh báo về các sai phạm trong xuất khẩu sầu riêng.

Một trong những đơn vị nắm rõ về mã số đóng gói đối với nông sản sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, là Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII. Lãnh đạo Chi cục này, ông Trần Văn Hoàng, từ chối tiếp nhận câu hỏi của nhóm PV với lý do bận!

Ngành nông nghiệp của tỉnh Lào Cai cũng tỏ ra thờ ơ với vấn nạn làm giả mã số, lý do: “Việc này bên ngành kiểm dịch quản lý”, bất chấp việc nhóm PV đã cung cấp đầy đủ thông tin về hành vi giả mạo.

Cần quản lý nghiêm ngặt, không thể bao che

Ngày 30/12/2024, Công văn của cơ quan kiểm dịch trực thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề cập tới con số quan trọng: Xét đến quan hệ thương mại trái cây giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nhằm giảm thiểu nhất tác động, ngoài các doanh nghiệp bị tạm dừng nhập khẩu, từ ngày 03/01/2025, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu sầu riêng với 5 nhà máy đóng gói và 5 vườn cây ăn trái. 

Điều này cho thấy ít nhất có 5 mã số đóng gói của Việt Nam không đáp ứng được chất lượng, hoặc gặp vấn đề về gian lận thương mại.

Câu chuyện không hề đơn giản, bởi công văn của Hải quan Trung Quốc đề cập khá nhiều tới mã số đóng gói, một số đơn vị kiểm định không được Trung Quốc công nhận do "không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật theo Nghị định thư hai nước về xuất khẩu sầu riêng".

Danh sách một số mã vùng trồng, mã đóng gói bị tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Danh sách một số mã vùng trồng, mã đóng gói bị tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trung Quốc yêu cầu các quy trình, thông số kiểm định chất lượng phải được lưu mẫu, có quy trình chi tiết để nước này có thể "đối chiếu, kiểm tra". Nghĩa là, cho dù một quả sầu riêng bị làm giả mã số hoặc có vấn đề, Trung Quốc vẫn có cách truy vết đến cùng xem sai ở khâu nào. Từ đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trung Quốc không phải thị trường dễ tính. Với một mã số đóng gói sầu riêng bị làm giả, các vấn đề về chất lượng, kỹ thuật, v.v, mà Trung Quốc đã nêu ra, hoàn toàn có thể lặp lại. Không chỉ mình Công ty Vina T&T bị thiệt hại, mà cả ngành hàng sầu riêng phải gánh nỗi oan khuất. Trách nhiệm chính thuộc về hải quan, kiểm dịch và chính quyền các địa phương. 

Trong khi đó, Công ty An An 82 bị tố ngang nhiên dùng hợp đồng giả, con dấu giả, sử dụng mã số của doanh nghiệp khác để xuất khẩu, song lại được "bảo kê" đến cùng. 

Liệu ngoài Công ty Vina T&T, là những doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản để có mã số vùng trồng, mã số đóng gói khác, có trở thành nạn nhân tiếp theo bởi cách làm việc khuất tất của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai?

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bài viết, phóng sự truyền hình để cảnh báo về việc này. Hành động cố ý gây khó dễ của ông Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Lào Cai như đề cập trên và văn bản trả lời kiểu chối bỏ trách nhiệm của Cục, có thể tạm thời “che chắn” được cho sai phạm.

Tuy nhiên, cánh tay quyền lực của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cũng không thể can thiệp được sang bên kia biên giới. Cơ quan Hải quan Trung Quốc có nhiều phương tiện, con người đủ để kiểm tra hành vi gian lận mã số đóng gói hay mã số vùng trồng. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng từng đưa cảnh báo với phía Việt Nam.

Hồi tháng 9/2024, ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, được báo chí dẫn lời: “Việc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn để ổn định và phát triển”.

Chắc chắn “đối tác” mà ông Thọ nói tới, không phải là bao che cho sai phạm như cách mà Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đang thực hiện. Có lẽ nào Công ty An An 82 là “đối tác” với Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, còn doanh nghiệp làm ăn chân chính như Công ty Vina T&T, lại là “đối tượng”!

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.