| Hotline: 0983.970.780

Một gia đình cần giúp đỡ vì lâm nạn ở Trung Quốc

Thứ Bảy 30/06/2018 , 07:05 (GMT+7)

Hai vợ chồng cùng liều lĩnh vượt biên trái phép sang xứ người làm thuê. Chưa tròn một năm thì chồng đột tử, vợ bị bắt. Mẹ già ở quê không còn sức lao động, hai con thơ là học sinh giỏi đang có nguy cơ phải bỏ học.

Anh Hồ Sỹ Thường (SN 1979) ở xóm 1 xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là con trai độc nhất của thương binh Hồ Sỹ Tựu (SN 1955) và cựu TNXP Hồ Thị Quý (SN 1954). Bố mẹ anh đều gia nhập đoàn quân Nam tiến từ năm 1972. Năm 1975, ông bà đều bị thương nặng được đưa ra Bắc và gặp nhau tại trại an dưỡng thương binh đoàn 48 Nghệ An rồi nên duyên vợ chồng và có với nhau 2 gái một trai. Năm 1988, khi cô con út vừa 4 tuổi, vết thương tái phát, ông Tựu qua đời bỏ lại mình bà Quý vò võ nuôi con.

09-39-28_b_chu_b_quy
Bà Quý và các cháu

Anh Thường kết duyên với chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1982) có với nhau 2 con là Hồ Thị Bích Hằng (SN 2004) hiện học lớp 8 trường THCS Quỳnh Lâm, liên tục là học sinh giỏi và Hồ Sỹ Nam Phát (SN 2010) học lớp 2 trường tiểu học Quỳnh Lâm. Hai vợ chồng ở chung với bà Quý trong một ngôi nhà rách nát. Năm 2006, anh Thường liều lĩnh đi chui sang Trung Quốc làm ăn. Năm 2007, anh về nước đưa vợ sang với ý định cố gắng làm lụng trả hết nợ nần thì về nuôi mẹ nuôi con.

Tối ngày 24/5/2017 anh điện về cho mẹ bảo: “Sáng mai con mượn thêm tiền gửi về, mẹ đong lúa để bà cháu ăn rồi cuối tháng 6 nhận lương con trả họ”. Vậy mà chỉ một tiếng sau, tin dữ từ Trung Quốc báo: Anh Thường đi làm về đang cùng vợ ăn cơm thì chân tay bải hoải, sùi bọt mép. Chị Phượng và em trai mình là Nguyễn Minh Tâm vội đưa đến bệnh viện nhưng anh Thường đã tử vong.

Họa vô đơn chí, khi công an Trung Quốc đến lập biên bản về cái chết của anh Thường thì phát hiện Phượng và Tâm cùng 4 người bạn khác đều là lao động vượt biên trái phép nên lập tức bắt giam.

Cũng may trước đó, thông qua mạng xã hội, gia đình nhận được một mẩu giấy tạm dịch: xác anh Thường hiện quàn tại Bệnh viện nhân dân Thạch Bài, thành phố Đông Quản (hoặc Quảng Đông). Nơi anh Thường làm việc là xưởng chế tạo nhựa Đạt Bân Thôn, hướng tây thị trấn Thạch Bài (hoặc Thạch Bàn) thành phố Đông Quản.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Quý vào một buổi chiều tà, trục đường chính dẫn vào xã Quỳnh Lâm đầy ổ trâu ổ voi thuộc dạng tồi tệ nhất trong các đường thôn vùng đồng bằng. Nhà bà Quý nằm trong một con hẻm ngoằn nghèo sâu hun hút. Bàn thờ anh Thường, bức ảnh vẫn bị úp mặt vào trong, các đồ tang phúng đều chưa bày vì chưa đưa được xác về.

Bà Quý mới trên 60 nhưng đã như một bà lão 80, bà không còn sức để khóc, hai đứa trẻ bơ vơ ngơ ngác, thất thần. Cảnh “lá vàng còn ở trên cây...” đang vận vào gia đình này. Hiện gia đình đã hoàn toàn mất liên lạc với bên kia và mất phương hướng. Xác anh Thường vẫn quàn bên nước bạn còn chị Phượng chưa rõ bị giam ở nơi nào.

Bàn thờ chưa được lập

Tiền nong cạn kiệt lúa không còn để ăn. Gia cảnh đã túng quẫn lại càng túng quẫn thêm. Mong rằng qua bài báo này, bạn đọc gần xa sẽ có những hành động kịp thời tìm cách giúp gia đình bà Quý, đặc biệt là ban liên lạc họ Hồ Việt Nam. Hiện chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An và Bộ Ngoại giao cung cấp mọi thông tin nhờ giúp đỡ nhưng chưa có hồi âm.

Gặp chúng tôi, bà Quý nói trong nức nghẹn: Nghe nói đưa xác con tôi về phải mất vài ba trăm triệu, gia đình chỉ mong làm được thủ tục rồi thiêu xác đưa tro về. Lo nhất là con dâu không biết bị giam ở đâu và bà cháu lấy gì để ăn để sống. Tình hình này, chắc 2 cháu phải bỏ trường bỏ lớp thôi.

Đó là nỗi lo chúng tôi xin gửi đến các nhà hảo tâm trong cả nước. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Hồ Thị Quý, số tài khoản: 105.868.522.958 Ngân hàng Vietinbank chi nhánh bắc Nghệ An (ĐT:  0165.3443.982); hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?