| Hotline: 0983.970.780

Một phụ nữ khởi nghiệp thành công từ nuôi cá

Chủ Nhật 01/03/2020 , 09:14 (GMT+7)

Chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) là một trong những phụ nữ thành đạt nuôi cá rô đầu vuông và cá trê vàng lai thành công.

Chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt đang cho cá ăn. Ảnh: Thành Hiệp.

Chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt đang cho cá ăn. Ảnh: Thành Hiệp.

Trước khi khởi nghiệp chị đã có ý thức chọn những mô hình kinh tế hiệu quả và phát triển theo hướng bền vững.

Sau khi tốt nghiệp Khoa học tự nhiên, Đại học Cần Thơ năm 2011, chị có thời gian công tác tại Hội Nghề cá nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nuôi cá nước ngọt. Đầu tiên chị đã chọn con cá rô đầu vuông làm vật nuôi chủ lực vì theo chị đây là giống cá dễ nuôi, mau lớn, thị trường tiêu thụ mạnh. Sau 7 tháng thả nuôi cá có thể đạt trọng lượng 5con/kg.

Để đạt hiệu quả như mong muốn, trước khi thả cá, chị đã cải tạo ao nuôi, vét bùn, tiêu diệt các loài cá tạp và cua, bảo đảm môi trường nước không bị ô nhiễm. Kế đến, chị chọn những bầy cá khỏe mạnh, đồng đều để thả nuôi. Nhờ vậy mà bầy cá lớn nhanh, khỏe mạnh, năng suất cao.

Hiện nay chị vừa sản xuất con giống vừa nuôi cá thương phẩm. Đối với con giống chị chọn những con bố mẹ ở giai đoạn thành thục từ 150 – 200gr/con thả  vào thau nuôi riêng cho cá đẻ và ấp trứng. Sau khi cá nở độ 25 giờ chị bắt đầu cho cá ăn và tùy theo độ tuổi mà thay đổi thức ăn cho phù hợp. Chị vừa bán cá con, vừa bán trứng với giá 4 triệu đồng/kg trứng.

Ngoài bán trứng cá và con giống chị còn nuôi cá thương phẩm được 3 hầm, mỗi năm xuất bán 2 đợt, tổng cộng 45 tấn với giá dao động từ 30.000 đ – 40.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc giá tụt xuống còn phân nửa vì hàng nhiều dội chợ. Năm 2019, sau khi trừ hết chi phí chị còn lời trên 200 triệu đồng.

Thu hoạch cá trê vàng lai. Ảnh: Thành Hiệp.

Thu hoạch cá trê vàng lai. Ảnh: Thành Hiệp.

Song song với con cá rô đầu vuông, chị còn nuôi cá trê vàng lai cũng rất thành công. Nhờ có sự hỗ trợ về kỹ thuật của chồng chị là anh Lê Hoàng Anh, kỹ sư thủy sản đang làm cho một công ty ở TP. Cần Thơ nên mô hình nuôi cá trê thương phẩm đối với chị rất thuận lợi. Cũng theo chị, con cá trê vàng lai dễ nuôi, ít bệnh tật, lớn nhanh, thịt ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn nên người tiêu dùng thích lựa chọn. 

Chị cho biết bí quyết của nghề nuôi cá rô cũng như cá trê vàng lai là môi trường nước phải sạch. Muốn vậy người nuôi phải thường xuyên thay nước. Kế đến là con giống phải đồng cỡ, không bị dị tật, bơi lội nhanh, màu sắc tươi sáng. Sau cùng là thức ăn phải đạt chất lượng cao, tốt nhất là thức ăn công nghiệp.

Thu hoạch cá rô đầu vuông. Ảnh: Thành Hiệp.

Thu hoạch cá rô đầu vuông. Ảnh: Thành Hiệp.

Hiện chị đang thả nuôi trên diện tích mặt nước 1.300m2, cho ăn toàn thức ăn công nghiệp. Sau 4 - 5 tháng, trọng lượng có thể đạt 6 con/kg. Giá cá trê vàng lai hiện nay ở mức dao động từ 30.000 – 40.000đ/kg. Năm 2019 chị thu hoạch 2 lứa, tổng cộng 20 tấn cá, bán với giá 40.000đ/kg, doanh thu 800 triệu đồng. Nhưng đối với con cá trê vàng lai, chi phí rất cao (tiền thuê mặt nước, tiền vét ao, tiền công lao động, thức ăn) chiếm 65% nên chỉ còn lời khoảng 250 triệu đồng.

Thành công của chị trước hết là nhờ tinh thần cần cù lao động, sáng tạo và chịu khó học tập, rút kinh nghiệm từ các mô hình ăn nên làm ra.

Ngoài ra, chị còn tuân thủ các quy trình nuôi theo hướng an tòan vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không dùng thuốc tăng trọng và thuốc kháng sinh ngoài danh mục cho phép. Hơn ai hết, cả hai vợ chồng chị đều là những người có kiến thức về nuôi trồng thủy sản nên đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đầu ra ổn định.     

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.