| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện cho sản phẩm sạch, ít rủi ro

Thứ Năm 28/11/2019 , 10:11 (GMT+7)

Tận dụng diện tích mặt nước lớn của lòng hồ thủy điện, nhiều hộ dân ở tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè để thả nuôi các loại cá thương phẩm.

Những năm qua, mô hình này mang lại nguồn thu nhập ổn định. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, người nuôi thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) bắt đầu tích nước vào năm 2010 thì 2 năm sau đó, gia đình ông Trần Văn Mạo (trú thôn Mộ Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) quyết định đầu tư lồng bè để nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ.

Trải qua 4 tháng nuôi thì 6 lồng bè cá diêu hồng của ông đã cho xuất bán lứa cá đầu tiên. Thời điểm đó, gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng.

Nhận thấy được hiệu quả mà mô hình mang lại, huyện Bắc Trà My cũng đã có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bằng việc cho người dân vay vốn không lãi suất để mở rộng sản xuất.

Nắm bắt cơ hội này, ông Mạo quyết định vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư lồng nuôi. Đến nay, gia đình ông có tất cả 40 lồng nuôi, bình quân mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 1,5 tấn cá các loại, doanh thu đạt từ 1,7 – 2 tỷ đồng.

“Bây giờ, sau khi trừ tất cả chi phí thì hàng năm gia đình tôi có lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng từ cá lồng bè. Tôi nhận thấy nuôi cá trên lòng hồ thủy điện có nhiều ưu thế như nguồn nước tự nhiên không bị ô nhiễm, môi trường thông thoáng giúp cá phát triển nhanh hơn bình thường.

Bên cạnh đó, ở đây cũng cách ly với môi trường bên ngoài nên hạn chế được dịch bệnh. Từ lúc bắt đầu nuôi đến nay, nhiều năm rồi mà cá chưa xảy ra bất cứ dịch bệnh nào nên rủi ro thấp”, ông Mạo cho biết.

Cá nuôi trên lòng hồ sống trong môi trường sạch nên phát triển nhanh, ít dịch bệnh.

Theo UBND huyện Bắc Trà My, nhà nước đã có những chính sách khuyến khích người dân phát triển sản xuất như hỗ trợ cho các hộ nuôi khung lồng và con giống.

Từ 1 hộ dân đăng ký tham gia nuôi cá lồng bè trên lòng hồ vào năm 2012 thì đến nay đã có 16 hộ nuôi với khoảng 210 lồng. Đối với những hộ nuôi 10 lồng thì mỗi năm thu lãi khoảng 100 – 150 triệu, giải quyết công ăn việc làm cho trên 30 lao động trực tiếp và lao động thời vụ ở địa phương.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Với tiềm năng diện tích mặt nước 2.200ha, huyện đã xây dựng một phương án nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng một hợp tác xã nuôi cá lồng bè nhằm ổn đầu ra cho sản phẩm cũng như giúp người dân có thể hưởng được các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và Trung ương”.

Không chỉ ở huyện Bắc Trà My mà ở các địa phương khác ở Quảng Nam cũng đã có thêm một số mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện mang lại hiệu quả.

Ngoài nuôi cá, nhiều hộ dân còn hướng đến nuôi các loại thương phẩm khác như ếch.

Được biết, toàn tỉnh có khoảng 23 hộ nuôi theo mô hình này với 240 lồng chủ yếu là các loại cá diêu hồng, cá trê, cá lăng, cá chình… Ước tính, mỗi năm sản lượng thu hoạch khoảng từ 450 – 550 tấn cá thương phẩm. Theo quy hoạch, đến năm 2030, số lượng lồng cá nuôi trong các lòng hồ thủy điện đạt 2.800 lồng, sản lượng đạt 3.600 tấn.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhằm khai thác toàn diện giá trị của lòng hồ thủy điện, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn về vấn đề này trong đó có tập trung khai thác thủy sản và khai thác phát triển du lịch. Tỉnh cũng có quy hoạch và ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển thủy sản nước ngọt.

“Tỉnh sẽ giao cho các ngành liên quan phối hợp các địa phương tiến hành quy hoạch, mở rộng quy mô nuôi cá. Cùng với đó là cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hình thành và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai dự án trong lòng hồ thủy điện, nhằm tạo ra những vùng nuôi quy mô lớn, góp phần cải thiện đời sống cho người dân”, ông Thanh nói.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam - Trung Quốc

Đây là một trong những kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về triển khai các Bản ghi nhớ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất