| Hotline: 0983.970.780

Một thời quan hệ Việt - Mỹ: Kỷ niệm ở Tân Trào

Thứ Hai 06/07/2015 , 09:20 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng tôi xin giới thiệu ký ức của một số nhân chứng lịch sử đương thời.

Tròn 70 năm trước, trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát-xít, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ hợp tác khăng khít. Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng tôi xin giới thiệu ký ức của một số nhân chứng lịch sử đương thời.

Tháng 11/1944, Bác Hồ đã trèo đèo lội suối đi bộ từ Pác Bó đến Côn Minh - vượt qua rất nhiều trắc trở, với mục đích là tìm gặp Bộ Tư lệnh của tướng Sê-nô (Claire L. Chernault) đang đóng bản doanh ở Côn Minh (Trung Quốc), để bàn việc hợp tác Việt - Mỹ đánh Nhật ở Đông Dương. Vì phong trào Việt Minh tuy phát triển mạnh nhưng lực lượng vũ trang còn chưa đủ mạnh để làm nòng cốt, vũ khí còn quá thô sơ.

Cũng trong khi ấy, người Mỹ muốn xâm nhập Đông Dương để ngăn chặn sự tấn công của Nhật ở phía nam Trung Quốc và Đông Dương. Họ gặp phải nhiều khó khăn, nên cũng cần tìm một đối tác hợp lý để nhanh chóng vào sâu Đông Dương.

Một sự kiện tình cờ đã đến - một máy bay của Mỹ bị trúng đạn Nhật, phi công đã nhảy dù xuống vùng núi gần thị xã Cao Bằng - được Việt Minh cứu.

Bác Hồ đã lệnh phải bảo vệ an toàn và bí mật đưa về gặp Bác. Người phi công ấy là trung uý Sao (William Shaw).

Bác Hồ đã gặp Sao nói chuyện chân tình. Quà tặng cho Sao là một tấm lụa trắng thêu dòng chữ tiếng Anh “Chúc mừng khách đến”, một tấm vải đỏ có chữ ký của nhiều hội viên Mặt trận Việt Minh ủng hộ Đồng Minh chống phát xít.

Bác Hồ còn tặng Sao một bản dịch tiếng Anh toàn văn bản “Chương trình Việt Minh” rồi cho người đưa Sao về Côn Minh. Sao đã báo cáo tất cả những gì tai nghe mắt thấy, tất cả sự chăm sóc bảo vệ của Việt Minh cho tướng Sê-nô.

Sau đó không lâu, Bác Hồ với danh nghĩa là phái đoàn của Việt Minh sang đàm phán với Mỹ - Đồng Minh về hợp tác đánh Nhật, đã gặp được tướng Sê -nô. Qua sự phản ánh của trung uý Sao - qua tình báo riêng của Bộ Tư lệnh - và cũng qua sự tiếp xúc với Bác Hồ, người Mỹ rất vui mừng vì đã nhận được những thông tin hết sức quan trọng về quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương. Ngoài ra Việt Minh còn giúp đỡ cứu trợ những phi công Mỹ bị nạn và những gì mà Đồng Minh yêu cầu.

Về phía mình, Bác Hồ chỉ mong muốn Mỹ giúp đỡ vũ khí, điện đài và giúp đào tạo cán bộ, nhân viên sử dụng vũ khí, điện đài.

Tướng Sê-nô đã tin cậy đáp ứng mọi yêu cầu của Bác Hồ. Trong khi đó, chung quanh Sê-nô có nhiều những lời dèm pha của một số đảng phái phản động mượn danh nghĩa cách mạng Việt Nam như Việt Nam cách mạng đồng minh Vân Nam phân hội…

Sau khi hội đàm thắng lợi, hai bên đều mở tiệc chiêu đãi. Tuy ta còn nghèo nhưng Bác coi làm bữa tiệc là việc quốc gia đại sự. Khi trở về Việt Nam, theo Bác có hai người Mỹ cùng đi. Họ trở thành những người Mỹ đầu tiên có mặt ở Khu giải phóng Việt Nam. Họ có nhiệm vụ đón tiếp những người Mỹ khác sẽ lần lượt đến.

Tại Khu giải phóng, anh Võ Nguyên Giáp và anh Lê Giản là hai người lúc nào cũng ở cạnh Bác. Hai anh trực tiếp làm việc với đoàn Mỹ. Có lúc Bác đi vắng, mọi việc đều dặn đoàn Mỹ làm việc với hai anh.

Bác luôn chủ động thư từ, điện tín với những người Mỹ ở Côn Minh. Hiện tôi còn lưu giữ được 6 bức thư của Bác và của anh Văn gửi cho bạn Mỹ.

Trước ngày 15/7/1945, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho chúng tôi chuẩn bị đón đoàn phi công nhảy dù xuống Tân Trào gồm 6 người do thiếu tá Tô-mát (Thomas) chỉ huy. Anh em chuẩn bị bãi nhảy dù trên một thửa ruộng tương đối phẳng, cách cây đa Tân Trào chừng 200 m. Xây dựng lán trại có đủ tiện nghi cần thiết (theo điều kiện ở trong rừng).

Vào lúc 16 giờ, ngày 16/7/1945, máy bay xuất hiện lượn quanh vùng trời trên thửa ruộng có căng mấy tấm vải trắng để làm đích cho phi công - những lần sau thường tổ chức nhảy dù vào ban đêm - thửa ruộng được đốt lửa làm hiệu. Công việc được tiến hành khẩn cấp và nhanh chóng. Tướng Sê-nô yêu cầu phải tránh sơ suất đáng tiếc xảy ra vì lúc này quân Nhật trên thực tế vẫn đang quản lý vùng trời Việt Nam.

Để chuẩn bị tiếp đoàn Mỹ, Bác Hồ bảo chúng tôi phải làm một bữa tiệc mừng bạn mới. Chúng tôi lại chụm đầu vào bàn bạc: Khó quá, ở giữa rừng này làm gì có thực phẩm, bát đĩa cũng không. Cũng chẳng ai biết nấu cơm Tây, lại còn tiệc Tây nữa. Biết nỗi lo của chúng tôi nên Bác bình tĩnh nói:

- Các chú, các cô bí rồi phải không? Vậy hãy cho người sang Định Hoá nhờ Chủ tịch Chanh mua giúp cho con bê đem về thui chín vàng, để cả con nằm trên chõng tre. Hai bên làm dãy ghế ngồi cũng bằng tre nứa. Sắp mỗi người một con dao (người Mỹ đã sẵn có dao và nĩa). Có đĩa muối, đĩa gừng, có rượu do đồng bào tự nấu, uống bằng bát to. Mọi người tự do thích ăn chỗ nào thì tự cắt lấy.

Chúng tôi nhìn nhau ngần ngừ. Bác như đã hiểu, giải thích luôn:

- Không có gì ngại, cả Tây và ta, không phải ai cũng được ăn một bữa tiệc dân dã trong rừng đâu. Cứ làm đi, để rồi xem họ có thích không? Còn thú vị lắm nữa kia!

Quả là sau, đoàn Mỹ rất hài lòng, mừng rỡ lắm. Chúng tôi lại thì thầm với nhau:

- Ông Ké nhà mình thì việc lớn cũng rành, việc nhỏ cũng thạo, mọi việc đều chu đáo!

Đoàn Mỹ sang Việt Nam chỉ mang theo lương khô. Bác lại bàn phải lo thực phẩm tươi sống cho họ. Mỹ bây giờ là Đồng Minh, là bạn của mình, nên phải chăm lo sức khoẻ cho họ, không để họ sống thiếu thốn, kham khổ như mình.

Bà Trần Thị Minh Châu (SN 1922), nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản - Bộ Thông tin & Truyền thông, nguyên Chánh Văn phòng Khu giải phóng Tân Trào năm 1945.

Ủy ban Khu giải phóng đóng ở Tân Trào, nhân dân huyện Sơn Dương vốn rất nghèo. Chúng tôi phải sang huyện Định Hoá bàn với Chủ tịch Chanh. Đồng chí Chanh nhận lời ngay và cử hai hội viên là Nguyễn Văn Sách và Ma Văn Bầu lo việc này.

Từ đấy, cứ cách hai ba ngày có một đoàn người vừa gánh vừa khiêng những đậu, thịt, rau, trứng, măng từ Định Hoá sang… Họ phải leo qua đèo De, luồn rừng trên 20 cây số mới đến được Tân Trào. Các bạn Mỹ thích ăn thịt thú rừng nên có khi được cả một con dê, hay có lần một con nai còn nguyên cặp lộc nhung mềm.

Trước khi Bác về Hà Nội, Bác lại dặn chúng tôi:

- Ta chẳng có tiền, cũng chẳng có vật gì kỷ niệm cho đồng bào. Có đống dù của Mỹ, các cô chịu khó tháo từng ô đem biếu đồng bào. Tính theo đầu người, mỗi người một mảnh. Đồng bào có thể cắt may áo, may chăn.

Nhận được món quà nhỏ từ những tấm vải dù nhân dân rất phấn khởi.

TRẦN THỊ MINH CHÂU

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất