Vùng trồng dứa hàng hóa ở Nghệ An tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu với diện tích 1.350ha đang bước vào mùa thu hoạch đại trà. Vụ dứa năm nay, bà con nông dân ở các xã trồng nhiều dứa ở huyện Quỳnh Lưu rất phấn khởi vì dứa được mùa, được giá hơn so với nhiều năm trước đây.
Thương lái tranh nhau mua
Xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu) là vùng trồng dứa trọng điểm của tỉnh Nghệ An với diện tích khoảng 850ha, trong đó có 640ha đang cho thu hoạch. Trên các cánh đồng dứa mênh mông ở xã Tân Thắng những ngày này, rất đông bà con nông dân đang hối hả thu hoạch dứa để bán cho khách hang. Trên nhiều con đường lớn đi vào làng và ra ngoài đồng, xe ô tô tải nối đuôi nhau chờ lấy hàng. Bà con nông dân thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó.
Ông Nguyễn Xuân Minh, một hộ dân trồng dứa ở xã Tân Thắng cho biết, năm nay dứa được mùa, được giá. Với mức giá đang bán cho thương lái hiện nay từ 7000 - 8000 đồng/kg (tuỳ loại quả to, nhỏ), tính ra bình quân 1ha dứa có thể cho thu nhập từ 280 - 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Cấp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thắng cho biết, năm nay dứa được mùa, quả to, đẹp, giá bán gấp 1,5 lần so với thời điểm này năm ngoái. Bình quân mỗi ha dứa có thể cho năng suất khoảng 40 tấn, sản lượng dứa toàn xã ước đạt 26.000 tấn. Với giá bán như hiện nay cho các thương lái đang đến thu mua tại chỗ, toàn xã sẽ cho tổng thu nhập từ 180 - 200 tỉ đồng.
Bà Phạm Thị Bình ở thôn 2, xã Quỳnh Thắng vừa giao và bốc lên xe ô tô cho khách hang gần 1 tấn dứa quả cho biết, hai năm nay giá dứa duy trì ở mức cao. Dứa chính vụ đang thu hoạch hiện nay thương lái đến tận nhà đặt tiền cọc trước với giá từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, cao hơn đầu năm 2023 khoảng 2.500 đồng/kg. Dứa thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thậm chí có thương lái đến vẫn không mua được dứa vì không đặt trước tiền cọc.
Gia đình bà Bình có 2ha dứa, thương lái đến đặt trước tiền cọc từ khi dứa mới bắt đầu chín bói. Vì vậy vụ thu hoạch dứa năm nay vừa bán được giá cao, vừa không lo ế hàng, khó bán hoặc phải chờ thương lái đến mua với giá bèo bọt như nhiều vụ trước đây.
Bà Phạm Thị Liên, thương lái ở thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Tôi chuyên thu mua dứa ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng đem đi bán ở các chợ đầu mối và có khi nhập cho nhà máy chế biến hoa quả ở Tam Điệp (Ninh Bình).
Vụ thu hoạch dứa năm nay nguồn cung có phần hạn chế do diện tích trồng không nhiều như trước, mặt khác nhu cầu tiêu thụ dứa trên thị trường cao hơn mọi năm. Vì vậy, chúng tôi phải mua dứa với giá cao hơn mọi năm gần 3.000 đồng/kg loại dứa quả to, đẹp và phải bỏ tiền ra đặt cọc cách đây gần 1 tháng để giữ hàng. Năm nay dứa đắt, bán chạy nên không những bà con nông dân vui mà chúng tôi cũng vui.
Vùng dứa có nhiều đổi thay
Với mục đích hướng tới hiệu quả sản xuất, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và thâm canh cây dứa rất được chính quyền các địa phương và bà con nông dân trong vùng trồng dứa hưởng ứng. Đồng thời, nhờ được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện về tận địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ chọn giống, trồng, bón phân, tưới nước, xử lý dứa ra hoa, đậu quả… nên toàn vùng dứa Quỳnh Lưu đã có nhiều đổi thay theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả như hiện nay.
Thứ nhất: Từ chỗ trồng nhiều giống dứa khác nhau, như giống dứa cỏ bản địa, giống Queen, giống Cayen… Qua thực tế sản xuất, giống dứa Cayen cho năng suất cao nhất (380 - 420 tạ/ha), quả to, mẫu mã đẹp, ăn thơm ngon, có vị ngọt thanh, được khách hàng ưa chuộng, nhất là các nhà máy chế biến nước hoa quả. Các giống khác năng suất chỉ bằng 70 - 80% giống dứa Cayen và còn có nhược điểm là khi quả chín để không được lâu, nếu để càng lâu chất lượng càng giảm.
Vì vậy, vùng trồng dứa hàng hoá ở Quỳnh Lưu hiện nay 90 - 95% diện tích đã trồng bằng giống dứa Cayen, vừa cho năng suất cao, vừa có chất lượng tốt và rất dễ dàng tiêu thụ với giá cao hơn các giống khác.
Thứ hai: Trước đây, cây dứa ở Quỳnh Lưu thường được tập trung trồng cùng một thời vụ, thu hoạch cùng một lần, gây khó khăn cả về lao động khi trồng, khi thu hoạch và cả tiêu thụ. Từ đó, bà con nông dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới bằng cách vừa trồng rải vụ, vừa kết hợp xử lý đất đèn và chất Ethrel để tạo ra dung dịch Etylen kích thích dứa ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Cách làm này giúp cây dứa cho thu hoạch rải vụ, có quả bán quanh năm, bán được giá, tiêu thụ dễ dàng, không sợ tư thương ép giá.
Thứ ba: Trong số 1.350ha ở vùng dứa hàng hoá huyện Quỳnh Lưu, bước đầu đã hình thành được một số cánh đồng canh tác theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đạt chuẩn VietGAP. Tất cả các biện pháp sản xuất thâm canh đều có quy trình thực hiện rõ ràng, đúng quy định, có ghi chép để theo dõi và khi cần có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thứ tư: Đã có nhiều đồi dứa, cánh đồng dứa được đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại như tưới phun, tưới nước tự động kết hợp với chăm sóc, bón phân... nên đã có nhiều vùng dứa rất tốt, rất đẹp, sai quả, quả to…
Bước đầu các xã, HTX, tổ đội sản xuất trong vùng trồng dứa hàng hoá ở Quỳnh Lưu đã có sự hợp tác, liên kết rất chặt chẽ trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy chế biến dứa, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, các xã, HTX, người sản xuất đã sử dụng khá thành thạo điện thoại thông minh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm dứa quả của địa phương trên các phương tiện thông tin, trên các trang mạng, trên sàn giao dịch thương mại điện tử… nên đã góp phần tiêu thụ nhanh sản phẩm dứa Quỳnh Lưu hiện nay.