Chủ vườn sầu riêng 180 cây của bà Vipavadee Teplasamee ở tỉnh Chanthaburi đang trúng đậm khi lứa quả bắt đầu chín rộ vào tháng 5 này. Nhà vườn 46 tuổi không giấu nổi sự phấn khích khi nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Theo dân trồng loại trái cây vẫn được ví là “vàng xanh” ở Thái Lan, nhu cầu tiêu dùng sầu riêng của đất nước 1,4 tỷ dân vẫn tăng ngay cả trong những ngày đại dịch coronavirus. Điều này thể hiện qua việc đội quân thương lái Trung Quốc đã đi lùng sục nguồn hàng để gom suốt từ tháng Ba đến nay, trước cả khi Thái Lan đóng cửa các sân bay quốc tế.
"Thương lái Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới rộng khắp và biết khi nào chúng tôi sẽ có hàng để thu hoạch. Dự báo năm nay sẽ thắng lớn", bà Vipavadee ngồi trên chiếc bán tải Mazda mới mua khoe nhờ sầu riêng mà có lại còn trả hết được khoản nợ 600.000 bạt (18.500 USD).
Hiện giá bán buôn sầu riêng tại vườn dao động từ 105 đến 115 bạt/kg (3,25 đến 3,56 USD), còn giá bán lẻ tại thị trường trong nước vào đầu mùa thu hoạch hồi tháng 3 là 150 bạt/kg (4,64 USD). Trong khi đó, so với năm ngoái, giá bán buôn chỉ đạt từ 80 đến 90 bạt/kg. Nguyên nhân giá tăng trong năm nay là do hạn hán nghiêm trọng từ năm ngoái khiến năng suất và sản lượng đều giảm mạnh.
Giống như mọi năm, những thương lái người Trung Quốc đều đến Thái Lan từ rất sớm để đặt hàng các loại trái cây trong vụ này và hiện đang là “thời điểm vàng” đối với nhà vườn Thái Lan bởi dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã vãn, cho phép các mặt hàng trái cây thuận lợi thông thương.
Chuyên gia Somnuck Jongmeewasin, Đại học Silapakorn cho hay: Rất khó nắm bắt chính xác được diện tích các vườn sầu riêng mới mọc lên bởi nông dân đang chuyển đổi rất mạnh từ cao su sang sầu riêng. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu do ông Somnuck đứng đầu thì diện tích cao su ở tỉnh Chanthaburi đã bị giảm xuống còn 89.782 ha so với 177.736 ha vào năm 2012 và được thế chỗ bằng sầu riêng hiện đã lên tới 30.400 ha.
"Nguyên nhân là do giá cao su đã giảm mạnh trong 5 năm qua khiến nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng sinh lợi cao hơn. Hiện gần một nửa diện tích nông nghiệp của tỉnh Chanthaburi là đang trồng sầu riêng", ông Somnuck nói.
Theo Cục Kinh tế Nông nghiệp, sự gia tăng đột biến diện tích sầu riêng được bắt nguồn từ nhu cầu tăng nhanh ở Trung Quốc và giá loại trái cây này luôn giữ ở mức cao nên sầu riêng cũng đã được trồng thêm nhiều ở các địa phương khác tại Thái Lan.
Ước tính tổng diện tích đã tăng từ 96.000 ha vào năm 2012 lên 152.000 ha vào năm 2019 trên quy mô toàn quốc. Giá sầu riêng bán tại vườn giống dài ngày hay còn gọi là "gối vàng" đã tăng lên 100 bạt cho mỗi kg vào năm 2019, so với khoảng 35 bạt/kg cách nay 7 năm.
Punpreecha Bhuthong, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan, cho biết: "Nông dân Thái Lan rất nhanh nhạy nắm bắt quy luật thị trường để chuyển đổi sản xuất sang những loại có giá trị cao hơn, đặc biệt là với các nông hộ nhỏ và vừa. Điều này thường xảy ra phổ biến đối với các loại cây trồng ngắn hạn như sắn, ngô và mía".
Nhiều năm qua, Bộ Thương mại nước này cũng liên tục tổ chức nhiều chiến dịch thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang những thị trường trọng điểm như Trung Quốc để tăng kim ngạch xuất khẩu. Riêng sầu riêng đã chiếm gần 6,5% giá trị xuất khẩu mặt hàng trái cây của Thái Lan trong năm 2019. Trong năm 2018, Thái Lan đã sản xuất 600.000 tấn sầu riêng, chủ yếu để xuất khẩu và 70% thị phần là Trung Quốc.
Còn nhớ hồi giữa năm 2018, nông dân trồng sầu riêng Thái Lan đã nhận được một cú hích lớn của tỷ phú Jack Ma, đồng sáng lập và chủ tịch điều hành tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba Group khi đặt mua hàng tấn trái cây để bán trên nền tảng công nghệ của mình. Kết quả là chỉ trong vòng 60 giây đã có tới 80.000 quả sầu riêng "gối vàng" của Thái Lan, trọng lượng trên 200 tấn đã được vét sạch để rao bán trên hệ thống bán lẻ Tmall của Jack Ma.
Các quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác cũng được hưởng lợi lây từ nhu cầu tăng nóng của thị trường sầu riêng ở Trung Quốc, khi loại "vua của các loại trái cây" liên tục cung không đủ cầu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, chỉ tính trong nửa đầu năm ngoái, nước này đã nhập khẩu khoảng 358.000 tấn sầu riêng, trị giá 963 triệu USD, tăng gấp đôi khối lượng và giá trị của tất cả trái cây nhập khẩu trong cả năm 2018.