| Hotline: 0983.970.780

Mục tiêu Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc

Thứ Tư 01/04/2020 , 20:28 (GMT+7)

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4 của Thủ tướng chính là một bước để "luật hóa" Chỉ thị ban hành trước đó.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. Ảnh: ĐVC.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. Ảnh: ĐVC.

Lý giải về Chỉ thị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, luật sư Đặng Văn Cường giải thích, theo quy định tại điều 4, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có tính chất bắt buộc với toàn dân (chỉ bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ trong phạm vi quản lý) và không thể áp dụng trực tiếp chế tài khi có hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên, văn bản này có tính chất khuyến cáo, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện chủ trương, chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh.

Hôm nay (1/4), Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt, Điều 2 của Quyết định 447 quy định thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trước đó, trong đó có Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg...  Đây là cơ sở pháp lý để “luật hóa” hai Chỉ thị này, là căn cứ để xử lý với các trường hợp vi phạm pháp luật.

Kể từ thời điểm Quyết định 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực pháp luật, mọi hành vi vi phạm quy định này và các văn bản mà Quyết định này dẫn chiếu đều là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4/2020 theo nguyên tắc nhà nào ở nhà đó, thôn nào ở thôn đó, huyện nào ở huyện đó, tỉnh nào ở tỉnh đó.

Chỉ những người đi làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu chưa bị hạn chế kinh doanh thì mới được ra ngoài đi làm, người dân chỉ được ra ngoài khi mua lương thực thực phẩm, thăm khám, cấp cứu người bệnh... Văn bản này không phải là văn bản công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Đây chỉ là văn bản có tính chất tình huống, cần kíp, khẩn thiết để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác theo điều 52 Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm và ban hành theo Điều 30, Luật Tổ chức Chính phủ.

Thủ tướng Chính ban hành Chỉ thị 16 và Quyết địng số 447 thực hiện cách lý xã hội 15 ngày. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng Chính ban hành Chỉ thị 16 và Quyết địng số 447 thực hiện cách lý xã hội 15 ngày. Ảnh: Tùng Đinh.

Cụ thể điều 52, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

  • a) Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
  • b) Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;
  • c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

Thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch tại điều này và khoản 2, Điều 30, Luật tổ chức Chính phủ thuộc về Thủ tướng Chính phủ nên việc Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg để hạn chế việc tập trung đông người, tạm dừng các cơ sở kinh doanh đảm bảo cho việc phòng chống dịch là rất cần thiết và đúng thẩm quyền.

Đây là một biện pháp chống dịch cần thiết, kịp thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chặn đứng tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Văn bản này là tiến tới một bước tiếp theo trong phòng chống dịch bệnh, là cơ sở để chuẩn bị cho các biện pháp mạnh mẽ hơn nếu tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Nếu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để quy định các lệnh cấm hoặc khi Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh thì việc phong tỏa, các lệnh cấm sẽ chính thức được ban bố, các quy định pháp luật sẽ được áp dụng cứng rắn và triệt để hơn và các giải pháp tuyên truyền, vận động hiện nay...

Sau Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà dịch bệnh được kiểm soát, không còn các ổ dịch trong xã hội, đây là một thành công rất lớn, là kết quả thực hiện quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ dần dần phục hồi trở lại...

Còn trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, nguy cơ lây lan trong cộng đồng khó kiểm soát hơn, nhiều ổ dịch xuất hiện, nhiều người nhiễm bệnh thì có thể sẽ chuyển trạng thái cao hơn, quyết liệt hơn nữa. Khi đó có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, sẽ có những quyết định phong toả, cách ly và các lệnh cấm cụ thể theo từng cấp, theo thẩm quyền pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 42 của Luật Phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm thì thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước, cụ thể việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế, xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp;

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp được luật quy định tại Điều 42 là:

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Như vậy chỉ có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước mới có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp hoặc phong tỏa đất nước là Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp hoặc phong tỏa đất nước là Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, tình hình dịch bệnh ở nước ta hiện nay chưa đến mức nghiêm trọng đến mức phải áp dụng quy định pháp luật này để ban bố tình trạng khẩn cấp. Nếu toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ nêu trên chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn những ổ dịch đang có nguy cơ lây lan trong cộng đồng mà không phải bản bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, không cần phải ban hành các quyết định để quy định các lệnh cấm.

Về nguyên tắc ở mỗi cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh sẽ có những thủ tục hành chính pháp lý khác nhau và sẽ kéo theo những tác động, hệ lụy cho xã hội khác nhau.

Khi ban hành tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đang ở mức độ cao nhất, những chi phí, nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh cũng ở mức độ cao nhất, các quyền cơ bản của công dân như quyền đi lại, cư trú, hội họp, kinh doanh, thậm chí quyền sở hữu tài sản cũng sẽ bị hạn chế tối đa, khi đó chính quyền hoàn toàn có thể ban hành các lệnh cấm, thậm chí có thể là lệnh trưng thu, trưng dụng, huy động mọi nguồn lực của cả xã hội vào để chống dịch...

Tình huống này không ai mong muốn, tuy nhiên nếu dịch bệnh khó kiểm soát, ở mức độ nguy hiểm thì vẫn phải áp dụng.

Nếu trong vòng 15 ngày tới đây, nhà nào ở yên nhà đó, hạn chế việc tiếp xúc xã hội giữa con người với con người thì tất cả những người mang mầm bệnh, có nguy cơ mắc bệnh sẽ phát bệnh trong thời gian cách ly tại chỗ, chúng ta sẽ cách ly kịp thời và tiến hành cứu chữa cho họ, số người còn lại là những người an toàn và cuộc sống có thể sẽ dần bình an trở lại, tình trạng dịch bệnh cơ bản sẽ được kiểm soát. Các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ dần dần được hồi hồi phục. Sẽ giảm bớt được những thiệt hại rất lớn cho xã hội.

Nếu như 15 ngày tới mà một vài người, một số người nào đó có ý thức kém, không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng, không tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh thì có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng sẽ gia tăng, khi đó công sức của hàng triệu người trong những ngày qua sẽ đổ xuống sông xuống biển, thiệt hại cho lên kinh tế sẽ rất lớn...

Những người vi phạm làm lây lan bệnh dịch ra cộng đồng, gây mất an toàn công cộng sẽ phải chịu những chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ các chế tài hình sự về các tội danh đã có hướng dẫn, thống nhất áp dụng pháp luật trong văn bản số 45 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ngày 30/3/2020.

Bởi vậy trong lúc này, theo luật sư Đặng Văn Cường, tất cả mọi người cần phải nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người nào cố tình vi phạm, gây mất an toàn công cộng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh thì sẽ bị xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ việc áp dụng chế tài hình sự.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.