| Hotline: 0983.970.780

Muôn hình vạn trạng hệ thống thủy lợi Nghệ An

Thứ Sáu 02/12/2022 , 21:44 (GMT+7)

Nhu cầu cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước hiện nay tại Nghệ An rất lớn. Biết vậy nhưng lực bất tòng tâm, thiếu kinh phí trầm trọng.

Quá ít hồ chứa được cắm mốc chỉ giới

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ chứa nhưng mới chỉ 17 công trình được cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ. Những hồ này do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tây Bắc Nghệ An quản lý, nằm trên địa bàn 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong.

Hiện mới có các hồ ở Quế Phong được các ban ngành chức năng của huyện này xác nhận mốc chỉ giới, được lập biên bản đưa vào hồ sơ lưu trữ. Trong khi đó, tại Quỳ Hợp và Quỳ Châu vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Từ thực tế trên, thấy rằng nhu cầu cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước hiện nay tại Nghệ An rất lớn. Biết vậy nhưng lực bất tòng tâm, thiếu kinh phí trầm trọng thành thử các đơn vị quản lý khai thác cơ bản chỉ biết... bó gối ngồi chờ.

Hàng loạt hồ chứa tại Nghệ An chưa được cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ. Ảnh: Việt Khánh.

Hàng loạt hồ chứa tại Nghệ An chưa được cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ. Ảnh: Việt Khánh.

Đơn cử như tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc, năm 2020 đơn vị này xây dựng phương án và trình thẩm định phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước trình Sở NN-PTNT thẩm định. Ngoài ra còn phân bổ thêm hạng mục kinh phí cắm mốc trong các khoản chi thường xuyên, thế nhưng do nguồn thủy lợi phí cấp bù chỉ đủ chi các khoản theo kế hoạch được duyệt, thành thử khoản chi này không có kinh phí để thực hiện.

Diễn biến năm 2022 cũng rất gay go, qua nắm bắt chỉ có 2 công ty trình xin phê duyệt phương án cắm mốc đập, hồ chứa nước cho 2 hồ chứa (Hồ Lãi Lò – Cty TNHH Thuỷ lợi Thanh Chương; hồ Thanh Thuỷ - Cty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam).

Từ đòi hỏi thực tế, thời gian tới Sở NN-PTNT cần quyết liệt trong công tác thông tin, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cắm mốc bảo vệ đập, hồ chứa theo đúng tinh thần của Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ tranh chấp, lấn chiếm đất đai vốn tồn tại dai dẳng suốt bấy lâu.

Chú trọng hệ thống tưới Đô Lương

Đập dâng Đô Lương là công trình trọng điểm của hệ thống tưới Đô Lương, được xây dựng từ năm 1934 đến 1937 trên sông Lam, thuộc địa phận 2 xã Tràng Sơn và Đặng Sơn. Công trình tiếp tục được phía Jica xây dựng và nâng cấp từ năm 2019, hiện tại nhiều hạng mục đã hoàn thành.

Đập có nhiệm vụ nâng mực nước sông Lam lên +10.50m để tự chảy vào kênh chính ở phía tả ngạn qua cống lấy nước, ngăn lũ Tràng Sơn ở K0+000 và cống Mụ Bà ở K1+843 của hệ thống kênh chính. Không chỉ có thế, đập còn cấp nước tưới cho hơn 28.000 ha đất nông nghiệp của 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

Sau khi được Jica thi công và nâng cấp, đập dâng Đô Lương sẽ cấp nước tưới cho hơn 28.000 ha đất nông nghiệp của 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Khánh.

Sau khi được Jica thi công và nâng cấp, đập dâng Đô Lương sẽ cấp nước tưới cho hơn 28.000 ha đất nông nghiệp của 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Khánh.

Kế đó là hệ thống kênh tưới Đô Lương, công trình này chính thức được khởi công xây dựng từ tháng 7/2019, thuộc Dự án Khôi phục, nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ-BNN-XD ngày 14/8/2012).

Kênh chính có chiều dài 55,99km, qua kiểm tra phát hiện một số vị trí bị sạt trượt, thực trạng trên chủ yếu xảy ra trong mùa mưa bão.

Theo đó, ngày 17/5/2022 tại vị trí K48+400 đến K48+460 ghi nhận sự cố sạt trượt mái ngoài bờ hữu kênh chính. Đoạn sạt trượt dài 60m, rộng từ 10-20cm, cung trượt sụt lún thấp hơn mặt kênh 20cm.

Đây là hệ thống công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đây là hệ thống công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 28/4/2022, tại vị trí K17+121 đến K17+311 xuất hiện vị trí sạt, nứt sụt lún mặt đường bê tông mái bờ kênh có tính chất nghiêm trọng hơn. Vết nứt dài 12m, rộng 5-7cm, mặt đất dưới nền bê tông lún sâu xuống 30cm, mặt bê tông lún nghiêng 25cm so với mặt đường cũ.

Nguyên nhân được xác định là do nền đất yếu, phía mái ngoài bờ kênh là ao sâu có độ chênh cao hơn 8m, phía trong kênh đang mở nước tưới, đoạn kênh đang thi công có máy đầm làm việc.

Nhằm khắc phục kịp thời sự cố và đảm bảo an toàn công trình, không gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành cấp nước cho toàn hệ thống, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp ngay 2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai, đồng thời giao Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan kịp thời tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.