| Hotline: 0983.970.780

Nên nghiên cứu xây dựng lực lượng khuyến nông trực tuyến

Thứ Hai 06/11/2023 , 19:30 (GMT+7)

Theo chuyên gia, cần xây dựng lực lượng khuyến nông trực tuyến để giúp nông dân giải quyết các vấn đề hàng ngày trong sản xuất thông qua nền tảng đa phương tiện.

Cần đổi mới cách làm việc với nhà nông

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị có nhiều đóng góp trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) đến các đơn vị khuyến nông khu vực và người dân. Đặc biệt, đối với những công nghệ tiên tiến mà nông dân chưa thể tiếp thu trực tiếp, sẽ được chuyển giao thông qua lực lượng khuyến nông địa phương. Tuy nhiên, muốn lan tỏa đến người dân là một quá trình.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam tại tọa đàm với chủ đề 'Tổ chức khuyến nông – Chuyển giao trực tiếp kết quả nghiên cứu khoa học'. Ảnh: Hồ Thảo.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam tại tọa đàm với chủ đề "Tổ chức khuyến nông – Chuyển giao trực tiếp kết quả nghiên cứu khoa học". Ảnh: Hồ Thảo.

Tại tọa đàm về chủ đề “Tổ chức khuyến nông – Chuyển giao trực tiếp kết quả nghiên cứu khoa học" do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vừa qua, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, để lan tỏa những công nghệ sản xuất mới đến với nông dân đòi hỏi thời gian khá dài. Điều quan trọng là phải thay đổi cách nông dân tiếp cận kiến thức, tạo sự tò mò và thú vị đối với họ. Nông dân sẽ áp dụng khi họ thấy những trải nghiệm mang lại hiệu quả. Do đó, lực lượng khuyến nông địa phương cần phải tìm cách đổi mới trong cách làm việc với nhà nông.

Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng một đội ngũ khuyến nông với gần 150 viên chức tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các đơn vị khuyến nông ở cấp huyện. Thậm chí thời gần đây, tỉnh đã thành lập thêm 51 tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp xã. Thời gian qua, cán bộ khuyến nông địa phương đã hoàn thành tốt việc thực hiện chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN đến nông dân.

Theo ông Mai Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, Trung tâm được chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu tiến bộ kỹ thuật, KHCN tiên tiến từ các viện, trường, hệ thống khuyến nông trung ương và các tổ chức khác. Trung tâm đã chuyển giao các kết quả này đến nông dân thông qua nhiều hình thức.

Theo TS Đặng Kiều Nhân, lực lượng khuyến nông địa phương cần phải tìm cách đổi mới trong cách làm việc với nhà nông. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo TS Đặng Kiều Nhân, lực lượng khuyến nông địa phương cần phải tìm cách đổi mới trong cách làm việc với nhà nông. Ảnh: Hồ Thảo.

Trong đó, là tập trung vào việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao KHKT đến nông dân. Đặc biệt thời gian gần đây, Trung tâm đã quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ thông qua các phương tiện đa phương tiện như YouTube, các kênh truyền thông đại chúng như đài phát thanh và truyền hình, các công nghệ số khác của tỉnh.

Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN cho bà con nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số đề tài nghiên cứu từ các viện, trường có quy mô nhỏ khiến việc triển khai đại trà ở địa phương trở nên khó khăn vì không phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, các tài liệu về kết quả của nghiên cứu đề tài cần có bản chuyển thành ngôn ngữ của nông dân để họ đọc dễ hiểu và tiếp thu.

Cũng theo ông Tân, nguồn kinh phí phục vụ cho các đề tài nghiên cứu còn hạn hẹp, việc lựa chọn các đề tài nghiên cứu cần phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng nông dân. Ví dụ cần có đề tài nghiên cứu riêng từng đối tượng dựa trên điều kiện kinh tế và trình độ am hiểu về KHCN.

Hậu Giang là một trong những địa phương tiêu biểu ở ĐBSCL có hoạt động khuyến nông sôi nổi với nhiều đổi mới trong mô hình hoạt động. Ảnh: TL.

Hậu Giang là một trong những địa phương tiêu biểu ở ĐBSCL có hoạt động khuyến nông sôi nổi với nhiều đổi mới trong mô hình hoạt động. Ảnh: TL.

Ông Mai Xuân Tân nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thông qua sự hợp tác giữa tổ chức nông dân và doanh nghiệp. Ông cũng đề cập đến việc tuân thủ các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật để hỗ trợ các mô hình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bởi các quy định này đôi khi còn gây mất thời gian, khiến việc triển khai kết quả nghiên cứu trở nên chậm và khó khăn hơn.

Cần xây dựng lực lượng khuyến nông trực tuyến

Theo TS Đặng Kiều Nhân, trong tương lai, ngành nông nghiệp nước ta không chỉ cần thay đổi trong cách tiếp cận của nông dân mà còn cả ở các mô hình khuyến nông.

Ông Nhân đã đề xuất một mô hình mới mang tên "lực lượng khuyến nông trực tuyến". Lực lượng khuyến nông trực tuyến không chỉ đơn thuần là việc cung cấp thông tin và kiến thức cho nông dân từ xa, mà đây còn là hình thức tương tác đa phương tiện, có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng nông dân. 

Mục tiêu của khuyến nông trực tuyến là giúp nông dân giải quyết các vấn đề hàng ngày trong sản xuất nông nghiệp trong các điều kiện địa phương khác nhau. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Đồng thời cũng đánh dấu đóng góp của các viện, trường và các bên liên quan khác trong việc phát triển ngành nông nghiệp và tạo ra những cải tiến tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.