Đất vùng này so với các huyện phụ cận là hơn hẳn. Bưởi Phúc Trạch trên đất này không thua gì trồng ở Hương Khê. |
Vinh dự và tự hào biết bao khi quê hương đã có nhiều đổi thay, được Đảng và Nhà nước ghi nhận về những thành tựu to lớn trong hành trình tiến lên phía trước.
Khuất phục đồi hoang cho hoa thơm, quả ngọt
Một tháng trước, có dịp về quê, tôi gặp ông Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy Can Lộc để tìm hiểu về việc sáp nhập xã theo chủ trương cấp trên. Ngỡ rằng, câu chuyện chỉ dừng lại ở nghị quyết, kiểm tra, rà soát về công tác cán bộ. Nhưng không, vị Bí thư Huyện ủy, từng làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy luôn tự hào mình là người sinh ra từ làng nên thấu hiểu nông nghiệp, nông thôn.
Có lẽ thế, hơn một giờ làm việc, cuộc trò chuyện của chúng tôi chủ yếu xoay quanh câu hỏi, làm thế nào để Can Lộc phát triển bền vững, đời sống nhân dân khấm khá lên; không còn tình trạng lạm thu, hoạnh họe dân như một số nơi từng diễn ra cách đây nhiều năm?
Ông Dũng khái quát, Can Lộc có 3 vùng kinh tế, mỗi vùng có một thế mạnh. Vấn đề là địa phương đã nhận diện rất rõ, bây giờ là hành động để bứt phá.
Vùng Trà Sơn sẽ tập trung phát triển chủ lực cây ăn quả có múi. Đất vùng này so với các huyện phụ cận là hơn hẳn. Bưởi Phúc Trạch trồng trên đất này không thua gì trồng ở Hương Khê.
Cùng với cây ăn trái, vùng bán sơn địa này cũng thuận lợi cho chăn nuôi tập trung phát triển mà hướng đi là để các trang trại liên kết với các tập đoàn lớn như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P và TCty Khoáng sản - Thương mại Hà Tĩnh cùng làm ăn với nhau. Cách làm này, người dân được làm chủ, được tiếp cận nguồn vốn dồi dào và các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như không phải lo lắng nhiều đầu ra cho sản phẩm.
Về lâu dài đây là hướng đi phù hợp để từng hộ kinh tế khá lên, rồi kéo theo cả thôn, cả xã cùng phát triển. Mới đây, Hiệp hội Cam Thượng Lộc - tên thương hiệu vùng cam Trà Sơn đã được thành lập. Đây chính là tín hiệu tích cực để vùng Trà Sơn tỏa sáng trong phát triển kinh tế.
Có nhiều điểm nhấn kinh tế vùng này, nhưng tôi muốn nhắc đến cách làm của trang trại ông Đường Công Ngụ và ông Nguyễn Công Bính ở xã Thường Nga. Cả hai ông là những đảng viên tiên phong khuất phục đồi hoang để tạo nên những vườn cây trĩu quả, những ao cá, chuồng gà mang lại giá trị kinh tế cao.
Can Lộc hôm nay đường lớn đã mở. |
Thứ mà tôi và nhiều người biết đến ông Ngụ, ông Bính chính là truyền cảm hứng cho con cháu, anh em trong gia đình noi theo.
Nguyễn Công Hải, bạn tôi, được người bố là Nguyễn Công Bính truyền cho nhiệt huyết làm giàu bằng chính nghị lực và sự cần cù sáng tạo. “Khuất phục đồi hoang” là từ mà tôi vẫn hay nói với bạn mình khi nhắc đến người bố tự hào của bạn. Giờ mô hình kinh tế của gia đình bạn là điểm nhấn cho các thanh niên trong làng tấm tắc, khát khao. Tôi nói với bạn, làm thế nào để từ đây có thêm nhiều mô hình kinh tế khác được sinh ra từ chính sự giúp sức của bạn. Hải dõng dạc nói, luôn sẵn sàng và đồng hành với các bạn trẻ quê nhà. Tôi tin sự đồng hành này sẽ biến những cánh đồng có năng suất thấp, chất lượng kém trong sản xuất lúa ở quê tôi trở nên trù phú. |
Giờ ở tuổi hưu, ông Ngụ vẫn miệt mài với trang trại để tạo nên hoa thơm, quả ngọt, trước là phục vụ chính mình, sau có thêm nguồn thu nhập. Đây cũng là điểm hẹn lý tưởng cho cả gia đình ông những ngày cuối tuần đoàn viên.
Khát khao thương hiệu gạo Can Lộc
Trở lại câu chuyện với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Như Dũng, ông tiếp tục đề cập đến vùng kinh tế thứ hai là vũng giữa (vùng trũng) gồm các xã đồng bằng độc canh cây lúa.
Theo ông Dũng, phương án của huyện là sẽ đẩy mạnh việc tích tụ đất đai, kêu gọi doanh nghiệp lớn vào đầu tư như cách làm của Tập đoàn TH liên kết với huyện Yên Thành (Nghệ An) để sản xuất thương hiệu gạo ngon. Bởi thực tế, năng suất lúa của Can Lộc đến nay đạt kịch trần. Việc địa phương hướng đến là tìm một thương hiệu gạo.
Nhiều lần tôi bảo với các công ty giống cây trồng rằng, vụ nào cũng thấy các anh khảo nghiệm, bán giống mà chẳng đưa ra được một sản phẩm làm nên thương hiệu gạo ngon Can Lộc?
Hiện vùng này, tới đây sẽ có 6 xã được sáp nhập thành 2 xã (giảm 4 xã) sẽ là điều kiện tốt cho việc quy hoạch lại, nhằm đẩy mạnh hơn nữa tích tụ đất đai để doanh nghiệp vào đầu tư.
Vùng thứ ba là ven Hồng Lĩnh gồm các xã Thiên Lộc, Thanh Lộc, Tùng Lộc, Vượng Lộc… Đây là vùng có tiểu khí hậu rất tốt, ít có sương muối, nguồn nước ngọt phong phú phù hợp với các loại rau màu. Tận dụng tốt tiểu khí hậu nên nhân dân đã tập trung sản xuất cung ứng giống cây rau màu, như su hào, hành tăm, hành lá, cà chua rất tốt, bán đắt nên thu nhập của bà con vùng này khá.
Chia sẻ với huyện nhà, tôi nói, du lịch của Can Lộc cũng đang có chiều hướng phát triển, nếu địa phương biết cách đầu tư khai thác kết hợp được các loại hình du lịch trong điều kiện Can Lộc nằm ở một vị trí đắc địa.
Nhiều lần thấy khách đi từ Quảng Trị ra dừng chân vào viếng mộ 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc đã tối muộn, muốn tìm chỗ trú chân, có khi đoàn phải di chuyển ra TP Vinh. Thế là họ đã bỏ qua chùa Hương Tích, một thắng cảnh đẹp chỉ cách Đồng Lộc không xa.
Nhân dịp tổng kết 10 năm xây dựng NTM, Can Lộc vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Đảng và Nhà nước trao tặng. |
Thấy tôi băn khoăn, ông Dũng chia sẻ, huyện cũng nhìn ra cái này và đang có hướng sẽ phối hợp với các công ty du lịch đầu tư xây dựng điểm dừng chân ở Can Lộc, sao cho khi họ đặt chân đến đây đều lưu trú, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch của quê hương Can Lộc và của Hà Tĩnh.
Can Lộc nằm trọn phía tây và nam dãy Hồng Lĩnh, một biểu tượng của vùng xứ Nghệ. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông đặt tên huyện là Thiên Lộc, nghĩa là "lộc giời". 2019 này được coi là năm thành lập huyện. Ðến năm 1862 (Tự Ðức thứ 15), húy chữ "Thiên" để tỏ lòng kính trời, nhà Nguyễn mới đổi ra Can Lộc. Can Lộc là "cầu lộc", chỉ huyện có nhiều người làm quan, ước được làm quan để ăn lộc nước. |
Làm thế nào mà từng đoàn khách du lịch sau khi vào viếng mộ 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc là tối họ có chỗ nghỉ, đêm có thể đi dạo, ngồi xe đạp điện khám phá Đồng Lộc để sáng mai tiếp tục cuộc hành trình đến với chùa Hương Tích và các vệ tinh khu di tích, thắng cảnh ở Tùng Ảnh (Đức Thọ), Tiên Điền (Nghi Xuân), Thiên Tượng (Hồng Lĩnh)…
Vấn đề lúc này là cùng với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện nhà sẽ cùng nhau đoàn kết, thống nhất ý chí hành động, tạo môi trường đầu tư tốt nhất để có nhiều nhà đầu tư đến với Can Lộc.
Câu chuyện giữa chúng tôi chững lại khi nhắc đến những vấn đề còn đặt ra ở Thường Nga, vị Bí thư Huyện ủy trầm ngâm một lúc rồi nói: Khi tôi về nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy thì câu chuyện “Gánh nặng quê nghèo” đã có hồi kết.
Tiếc thay, đã 4 năm trôi qua, các xã được đề cập trong loạt phóng sự điều tra đoạt Giải báo chí Quốc gia này chỉ riêng mỗi Thường Nga đang chững lại; trong khi Kim Lộc, Nhân Lộc, Vĩnh Lộc, Thanh Lộc… thì bứt phá mạnh mẽ.
21 xã, thị trấn trong huyện, Thường Nga là nỗi trăn trở thường trực nhất của ông và các đồng chí lãnh đạo huyện.
Điều mà Bí thư Huyện ủy mong mỏi nhất là cả cán bộ và nhân dân Thường Nga phải thực tâm, chân thành ngồi lại với nhau để hướng đến ngày mai. Khép lại chuyện cũ để tập trung sức lực cho đầu tư phát triển bằng chị bằng em.
Tôi mong muốn Thường Nga sẽ có thay đổi về chất để cùng các địa phương khác làm nên một Can Lộc hiên ngang, tỏa sáng.
Vì sao Can Lộc có nhiều người đỗ đạt như vậy? Tôi hỏi TS Nguyễn Sĩ Đại, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu (một người con của xã Phú Lộc) về truyền thống quê hương, ông bảo, điều mà người Can Lộc đi đâu cũng tự hào ấy là ý chí và nghị lực. Vì sao thời Lê, Can Lộc có nhiều người đỗ đạt như vậy? Một nguyên nhân trực tiếp, quan trọng là vùng này có Thám hoa Phan Kính, sau đó là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh chăm lo dạy học theo cách phụ giáo tử đăng khoa và mở trường tại quê. Ở Trường Lộc có Phúc Giang thư viện, Trường Lưu học hiệu, có cơ sở in riêng, nay Mộc bản Trường Lưu dùng để in giáo khoa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới. |