Đầu tiên, các lực lượng Mỹ đã phóng tổng cộng 66 tên lửa hành trình Tomahawk vào ba mục tiêu ở Syria vào rạng sáng ngày 14/4 theo giờ địa phương. Số tên lửa được khai hỏa ước tính có giá trị lên tới 92,4 triệu USD.
Với giá thành 1,4 triệu USD, một quả tên lửa Tomahawk Raytheon có tầm bắn đạt từ 1.300 km tới 2.500 km và có thể lắp đặt trên hơn 140 chiến hạm cùng tàu ngầm của hải quân Mỹ. Điều khiến Tomahawk trở nên nguy hiểm nằm ở khả năng mang theo các đầu đạn truyền thống có khối lượng lên tới 450 kg và có thể tái lập trình khi đang bay.
CNBC dẫn lời chuyên gia về tên lửa Thomas Karako, giám đốc Dự án Tên lửa Phòng thủ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định Tomahawk chính là thứ vũ khí mà “các tổng thống Mỹ lựa chọn đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng”. Nó đã được triển khai hơn 2.300 lần kể từ khi gia nhập kho vũ khí hải quân Mỹ những năm 1980.
Tomahawk có chiều dài bằng nửa một bốt điện thoại tiêu chuẩn, tốc độ hành trình ngang ngửa máy bay thương mại và có thể mang theo đầu đạn nặng gần 500 kg đi qua quãng đường bằng từ thành phố New York tới thành phố Kansas, Mỹ.
Bên cạnh tên lửa Tomahawk đã quá quen thuộc, trong lần không kích Syria này, Mỹ còn trình làng một mẫu tên lửa tàng hình không đối đất mới của công ty quốc phòng Lockheed Martin mang tên JASSM-ER.
JASSM-ER có tầm bắn trên 800 km và giá thành khoảng 1,4 triệu USD mỗi quả, theo số liệu từ Tổng cục Kế toán Mỹ. Như vậy, với 19 tên lửa JASSM-ER được khai hỏa nhằm vào Syria, Mỹ đã tiêu tốn 26,6 triệu USD.
Thêm vào đó, không quân Mỹ cũng điều động hai máy bay B-1B Lancer, oanh tạc cơ chiến lược hiện đại nhất thế giới. Chi phí hoạt động của chúng xấp xỉ 70.000 USD mỗi giờ. Chưa rõ hai chiếc B-1B Lancer đã bay trong bao lâu và xuất phát từ đâu.
Mặt khác, để hộ tống các máy bay ném bom tới mục tiêu, Mỹ còn phải huy động thêm các máy bay tiếp nhiên liệu trên không, phi cơ trinh sát cùng chiến đấu cơ bảo vệ. Chưa tính chi phí huy động đội ngũ phi cơ hỗ trợ hùng hậu kể trên, tổng số tên lửa Tomahawk và JASSM-ER mà Mỹ phóng đã có giá thành lên đến 119 triệu USD.
So sánh với cuộc không kích Syria mà Mỹ thực hiện hồi tháng 4 năm ngoái để phản ứng với cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhoun, cuộc tấn công ngày 14/4 có quy mô lớn gấp đôi, với tổng cộng 105 tên lửa được phóng. Năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ khai hỏa tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk từ hai tàu khu trục USS Porter và USS Ross ở phía đông Địa Trung Hải vào Syria.
Phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc ngày 14/4, trung tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, miêu tả cuộc không kích nhắm vào ba mục tiêu ở Syria rất “chính xác, áp đảo và hiệu quả”. “Chúng tôi tự tin rằng mọi tên lửa của chúng tôi đều đã trúng mục tiêu. Kết thúc nhiệm vụ, tất cả máy bay của chúng tôi đều trở về căn cứ an toàn”, ông McKenzie nói.
Theo các báo cáo, với cuộc không kích mới nhất nhằm vào Syria, liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã huy động một lượng lớn trang thiết bị không quân và hải quân tới khu vực. Chiến dịch phối kết hợp không tên được thực hiện bởi hàng loạt chiến đấu cơ, chiến hạm và tàu ngầm hiện đại. Dưới đây là chi tiết từng khí tài mà Mỹ, Anh và Pháp đã triển khai cũng như hỏa lực của chúng.
Tàu ngầm lớp Virginia USS John Warner Mỹ phóng 6 tên lửa hành trình Tomahawk từ Địa Trung Hải; Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Monterey phóng 30 quả tên lửa Tomahawk từ Biển Đỏ; Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Laboon phóng 7 quả Tomahawk khác cũng từ Biển Đỏ; Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Higgins khai hỏa 23 tên lửa Tomahawk từ phía bắc Vịnh Ba Tư; Tàu khu trục nhỏ Languedoc của Pháp phóng ba tên lửa tầm xa phiên bản cho hải quân SCALP từ phía đông Địa Trung Hải; Hai oanh tạc cơ B-1B Lancer được hộ tống bởi 19 chiến đấu cơ Mỹ phóng 19 tên lửa JASSM; Chiến đấu cơ Typhoon và Tornado Anh phóng 8 tên lửa hành trình Storm Shadow với tầm bắn hơn 480 km; Cuối cùng, tiêm kích Rafael và Mirage Pháp phóng 9 tên lửa SCALP.