| Hotline: 0983.970.780

‘Lá chắn thép’ của Nga tại Syria - nỗ lực rất lớn mới có thể xuyên thủng

Thứ Ba 17/04/2018 , 13:05 (GMT+7)

Hệ thống phòng thủ theo lớp mà Nga bố phòng tại Syria mang đến cho quốc gia Trung Đông này một “lá chắn thép”, phải cần đến một nỗ lực rất lớn mới có thể xuyên thủng.

Liên quân Mỹ - Anh - Pháp ngày 14/4 phóng 105 tên lửa vào các mục tiêu bị nghi là nơi sản xuất và lưu trữ vũ khí hóa học ở Syria nhằm đáp trả cáo buộc Damascus tấn công hóa học tại Douma, Đông Ghouta, hôm 7/4, khiến khoảng 70 người thiệt mạng. Mỹ tuyên bố các tên lửa của liên quân đều bắn trúng mục tiêu song Nga khẳng định Syria đã chặn đứng 71 tên lửa từ phương Tây với hệ thống phòng không thời Liên Xô. Thông tin này hiện vẫn gây tranh cãi, song có một thực tế là những hệ thống phòng thủ mà Nga bố trí tại Syria thật sự “không phải chuyện đùa”, theo Business Insider.

Cả hai tổ hợp tên lửa Pantsir và S-400 đều đã được Nga chuyển tới Syria từ nhiều năm trước. Các hệ thống của Nga, cùng hoạt động song song, có thể tiêu diệt cả những mục tiêu bay tầm thấp lẫn tầm cao, tạo ra thách thức lớn đối với Mỹ khi không kích Syria.

Nga bắt đầu đưa Pantsir, định danh do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quy ước là SA-22 Greyhound, vào hoạt động từ năm 2012. Mục tiêu chính của chúng là bảo vệ điểm, tức chúng có nhiệm vụ chống lại các mục tiêu bay tầm thấp tại một khu vực xác định.

Pantsir được trang bị hai súng máy tự động 2A38M 30 mm với tốc độ bắn 5.000 vòng/phút cùng 12 tên lửa AA đặt trên 12 ống phóng. Các vũ khí của Pantsir có tầm hoạt động hiệu quả từ 10 km đến 20 km.

Trái với Pantsir, hệ thống tên lửa S-400 Nga được giao trọng trách đối phó với những mục tiêu tầm xa. Tổ hợp này có thể được trang bị 4 loại tên lửa khác nhau, loại xa nhất có tầm bắn lên tới 400 km và loại phổ biến nhất có tầm bắn 250 km.

Sự kết hợp giữa Pantsir và S-400 mang đến một hệ thống phòng thủ “theo lớp”, ở đó S-400 sẽ cung cấp lá chắn bảo vệ từ xa, chống lại các oanh tạc cơ, chiến đấu cơ và tên lửa đạn đạo, trong khi Pantsir tạo ra lá chắn bảo vệ tầm trung, chống lại các tên lửa hành trình, máy bay tấn công tầm thấp hay thiết bị bay không người lái.

Hồi cuối tháng 1, Nga thông báo hệ thống tên Pantsir-S1 sẽ được trang bị một loại tên lửa mới giúp nó chống lại những mục tiêu bay tầm thấp nhỏ hơn. Được gọi với cái tên “gvozd” (theo tiếng Nga nghĩa là “móng vuốt”), tên lửa này giúp chống lại những mục tiêu nhỏ như thiết bị bay không người lái. Pantsir được cho là sẽ mang 4 tên lửa gvozd trên một ống phóng.

Nguyên nhân Nga tập trung đối phó với các mục tiêu nhỏ bắt nguồn từ việc những năm gần đây, các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường có xu hướng sử dụng thiết bị bay không người lái rẻ tiền để thả bom hay tấn công cảm tử, gây khó khăn trong việc phòng thủ. Năm ngoái, với chiến thuật tương tự, IS đã tấn công nhằm vào một căn cứ không quân Nga ở Syria, gây thiệt hại cho 7 chiến đấu cơ.
 

Chiến thuật

Sự kết hợp giữa Pantsir và S-400 “chắc chắn sẽ khiến hệ thống phòng thủ Nga trở nên mạnh mẽ hơn”, ông Jeffrey Edmonds, chuyên gia về quân sự và chính sách đối ngoại Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ, nhận xét. “Một hệ thống phòng thủ nhiều lớp luôn hiệu quả hơn một hệ thống phòng thủ đơn lớp”.

Để so sánh với Nga, Mỹ không có hệ thống phòng thủ điểm. Hệ thống phòng không Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào tổ hợp tên lửa Patriot, tổ hợp phòng không Avenger và tên lửa vác vai FIM-92.

Các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, Iraq, Libya, Yugoslavia hay bất kỳ địa điểm nào khác cho thấy Mỹ luôn thích sử dụng cái gọi là chiến tranh mô hình mới,dùng hỏa lực trên không tiêu diệt lượng lớn mục tiêu và giành thắng lợi trong cuộc chiến mà không phải xâm lấn vào lãnh thổ quốc gia khác.

“Hệ thống phòng thủ theo lớp của Nga được thiết kế để chống lại mối đe dọa đó”, ông Edmonds nhấn mạnh. Kết quả là các tổ hợp phòng không Nga hiện nay được đánh giá là hiện đại hơn tất cả những hệ thống tấn công mà Mỹ và đồng minh có. Tuy nhiên, theo Edmonds, điều này không hẳn đồng nghĩa Mỹ và đồng minh chịu khuất phục.

“Liệu chúng ta có cần những hệ thống tương tự như người Nga không ư? Không hẳn, bởi mối đe dọa họ mang đến cho ta khác với mối đe dọa ta mang đến cho họ”, Edmonds nói. Ông chỉ ra rằng các chiến đấu cơ chiếm một vai trò chủ động và tích cực hơn trong chiến lược của Mỹ và NATO hơn là Nga.

“Cách chúng ta chiến đấu là máy bay của ta luôn ở trên tuyến đầu. Chúng dọn dẹp chiến trường cho những đơn vị phía sau”, Edmonds nhấn mạnh. “Nó trái ngược với người Nga. Chiến đấu cơ thường ở phía sau, không mạo hiểm tiến về phía trước”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.