Đối với 1 sào (360 m2), mô hình đã sử dụng 200g chế phẩm vi sinh AT - YTB so với phương pháp truyền thống của các hộ dân tại địa phương là không sử dụng chế phẩm vi sinh AT - YTB. Các hộ tham gia mô hình khi sử dụng chế phẩm vi sinh AT - YTB mang lại kết quả như sau:
Toàn bộ diện tích được sử dụng chế phẩm vi sinh AT - YTB làm rơm rạ nhanh hoai mục, bùn nhuyễn, giúp cây lúa có bộ rễ phát triển mạnh, rễ dài và ăn sâu hơn, giúp lúa đẻ nhánh khỏe - tập trung, trỗ tập trung - thoát nhanh, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao, số bông/m2 cao hơn so với ruộng không sử dụng chế phẩm vi sinh, năng suất tăng 300 kg/ha. Cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa đối chứng là 1.640.000 đ/ha.
Qua tham quan thực địa và thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao tính ưu việt của việc sử dụng chế phẩm vi sinh AT - YTB xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đặc biệt khi rắc chế phẩm vi sinh AT-YTB còn xua đuổi được ốc bươu vàng và tránh được hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ sau cấy.
Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức ứng dụng thành công chế phẩm vi sinh AT-YTB để xử lý rơm rạ sau thu hoạch ở vụ mùa tại xã Mỹ Thành sẽ là tiền đề để nhân rộng ra nhiều HTXNN khác trên địa bàn huyện Mỹ Đức, mô hình không những để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn trả lại lượng mùn lớn cho đồng ruộng, giúp cải tạo và làm xốp đất.