| Hotline: 0983.970.780

Mỹ mãn vụ xuân xứ Nghệ

Thứ Ba 21/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

Đối diện với nhiều bất thuận nhưng nông dân Nghệ An vẫn hưởng trọn niềm vui trong vụ xuân 2024.

Nghệ An thắng lớn vụ xuân 2024. Ảnh: VK.

Nghệ An thắng lớn vụ xuân 2024. Ảnh: VK.

Được mùa, được giá, nông dân sướng rơn

Vụ xuân 2024 tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu "phủ sóng" diện tích sản xuất gần 110.000ha, phấn đấu đạt trên 700.000 tấn lương thực. Trong đó cây lúa vẫn giữ vai trò chủ lực với 90.500ha, năng suất 68 tạ/ha, quy đổi tổng sản lượng khoảng 615.250 tấn.

Những chỉ tiêu nêu trên không dễ hoàn thành, nhất là trong bối cảnh thời tiết không ủng hộ. Lường trước được những khó khăn, thách thức đặt ra, ngành nông nghiệp Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch bài bản, yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng các địa phương và bà con nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt. Trong đó phải lưu tâm đặc biệt đến thời gian sinh trưởng của giống để bố trí lịch gieo cấy phù hợp. Những bộ giống có thời gian sinh trưởng dài ngày ưu tiên bố trí gieo đầu khung thời vụ, ngược lại giống ngắn ngày sẽ chủ động gieo cuối thời vụ nhằm đảm bảo lúa trỗ tập trung trong giai đoạn từ ngày 20/4 - 30/4.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng nông dân trên địa bàn Nghệ An đã được hưởng trọn vẹn niềm vui. Ảnh: VK.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng nông dân trên địa bàn Nghệ An đã được hưởng trọn vẹn niềm vui. Ảnh: VK.

Việc tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ, cơ cấu giống, cùng các giải pháp điều tiết nước, giải pháp kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời... đã giúp ngành nông nghiệp Nghệ An "hóa giải" được khó khăn do hạn hán, sâu bệnh…, góp phần quyết định thắng lợi toàn diện vụ xuân 2024. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa việc thu hoạch lúa vụ xuân tại Nghệ An mới kết thúc nhưng niềm vui chung đã lan tỏa từ miền ngược xuống miền xuôi.

Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: “Dù chưa có thống kê chính thức nhưng nhìn vào diễn biến thực tế có thể khẳng định xụ xuân năm nay của Nghệ An thắng lợi lớn, các chỉ số ấn tượng hơn những năm trước. Thành quả ngọt ngào có được cho thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của ngành nông nghiệp, trên hết là sự nỗ lực của bà con nông dân trên địa bàn trong một vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn”.

Những hạt thóc vàng óng ả là thành quả tương xứng cho những nỗ lực của nông dân xứ Nghệ. Ảnh: Việt Khánh.

Những hạt thóc vàng óng ả là thành quả tương xứng cho những nỗ lực của nông dân xứ Nghệ. Ảnh: Việt Khánh.

Thành quả vụ xuân 2024 mà Nghệ An đạt được là tổng hòa của nhiều yếu tố, trước tiên phải nhắc đến khía cạnh “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đầu vụ xuân năm nay ở Nghệ An đối mặt với nắng nóng, hạn hán khốc liệt, mực nước các hồ đập xuống thấp, nền nhiệt độ duy trì ở mức cao. Trong vụ mưa không nhiều nhưng rất may là rải đều từ đầu đến cuối vụ, lượng nước đổ về các hồ chứa ở ngưỡng đủ dùng khi các địa phương, đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi biết cách điều tiết hiệu quả. Nhờ đó đã cung cấp đủ lượng nước tưới cần thiết, đảm bảo cho lúa và các cây trồng khác sinh trưởng, phát triển tốt.

“Cơ quan chuyên môn thường xuyên ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở đẩy mạnh bám sát đồng ruộng, kết hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh gây hại để kịp thời ứng phó, phòng trừ. Ghi nhận trên địa bàn có lúc xuất hiện giông lốc, thời tiết bất thường, đan xen một số sâu bệnh gây hại nhưng tỉ lệ, mức độ không đáng kể.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả khả quan, riêng lĩnh vực trồng trọt duy trì bước tiến ổn định, qua đó tiếp thêm động lực để bà con chuyên tâm sản xuất, chủ động đầu tư, áp dụng quy trình chuẩn nhằm tạo đột phá trong sản xuất. Lúa xuân năm nay được mùa, được cả giá, bà con nông dân trên toàn tỉnh đều rất hồ hởi, phấn khởi”, bà Võ Thị Nhung nhấn mạnh.

Những ngày này, không khí rộn ràng trải khắp các xứ đồng của huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành…, những địa bàn trọng điểm về phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Nghệ An. Tiếng máy gặt, tiếng người cười nói rổn rảng vì vụ mùa bội thu.

Ông Nguyễn Xuân Sơn (xóm Trung Tâm, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) hồ hởi vì lúa vụ xuân được mùa, được giá. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Nguyễn Xuân Sơn (xóm Trung Tâm, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) hồ hởi vì lúa vụ xuân được mùa, được giá. Ảnh: Việt Khánh.

Nâng niu từng hạt lúa xuân vàng óng ả, nặng trĩu bông, lão nông Nguyễn Xuân Sơn, trú tại xóm Trung Tâm (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) không dấu nổi niềm vui: “Nhà nông chúng tôi lam lũ quanh năm, không quản ngại sớm hôm, mưa nắng cũng chỉ mong thu về được thành quả tương xứng. Vụ này mưa thuận gió hòa, sâu bệnh trong tầm kiểm soát, đây là điều kiện tuyệt vời cho cây lúa duy trì đà sinh trưởng, phát triển ổn định, cuối vụ cho bông chắc, hạt nặng. Năm nay lúa lại được giá, hợp tác xã thu mua lúa luôn tại ruộng với giá cao nên bà con phấn khởi lắm”.

Ông Hồ Sỹ Quảng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thọ Thành chia sẻ thêm: “Vụ này chúng tôi dự kiến thu mua trên 700 tấn lúa, bình quân mỗi ngày chứa đầy 2 đến 3 xe trọng tải lớn (40 tấn/xe), trung bình cần khoảng 10 người thay nhau bốc hàng. Hiện HTX đang thu mua lúa tươi cho bà con với giá cao, dao động ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg. Mọi việc diễn tiến thuận lợi nên hiệu quả kinh tế thu về rất khá, trung bình 1 sào (500m2) cho tổng thu hơn 3 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1,8 triệu đồng, cao hơn khoảng 30% so với bình quân các năm”.

Cú hích từ bộ giống năng suất, chất lượng cao

Quan điểm của Nghệ An trong vụ xuân 2024 rất rõ ràng, thống nhất chỉ đưa vào cơ cấu các giống lúa đã được công nhận lưu hành và đã làm mô hình đạt kết quả tốt, nhất là bộ giống năng suất cao, cho chất lượng gạo khá trở lên. Đây là hướng đi phù hợp, mở đường cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở xứ Nghệ.

Áp dụng cơ giới hóa và bộ giống chất lượng cao đã góp phần vào thắng lợi của ngành nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: VK.

Áp dụng cơ giới hóa và bộ giống chất lượng cao đã góp phần vào thắng lợi của ngành nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: VK.

Thay vì ôm đồm như trước, chủ trương chung của Nghệ An là chọn lọc kỹ lưỡng, khuyến cáo mỗi địa phương chỉ nên chọn 3 - 5 giống lúa lai, 3 - 5 giống lúa thuần chủ lực. Trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 1 hoặc 2 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương, đồng thời phải khẩn trương cấy xong trong 2 - 3 ngày nhằm thực hiện tốt các yêu cầu về chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại.

Vụ xuân 2024, Nghệ An xác định bộ giống lúa thuần chủ lực gồm VNR 20, TBR 225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168, HD11, LTH31... Về lúa lai, đứng đầu là Thái xuyên 111, Phú ưu 978, VT 404, Long hương 8117, VT868...

Ngoài ra, tùy điều kiện đặc thù của từng địa phương, từng tiểu vùng sinh thái, UBND các huyện, thành, thị có thể lựa chọn đưa vào cơ cấu các giống lúa khác phù hợp hơn, dù vậy phải có tính chọn lọc, tránh tình trạng "làm cho có".

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, bà Võ Thị Nhung khẳng định, lúc này Nghệ An đang sở hữu bộ giống lúa khá hoàn hảo, từ lúa thuần cho đến lúa lai đều đảm bảo các tiêu chí đặt ra. Lợi thế này kết hợp với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 từ Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh đã thổi một làn gió mới cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, tất cả các huyện/thị đều chủ động tham gia. Tận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, các địa phương đã mạnh dạn đưa vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đến nay nhiều mô hình đã thành công mỹ mãn.

Những bộ giống ưu việt của ThaiBinh Seed tiếp tục chứng tỏ vai trò quan trọng trên đất đồng Nghệ An. Ảnh: VK.

Những bộ giống ưu việt của ThaiBinh Seed tiếp tục chứng tỏ vai trò quan trọng trên đất đồng Nghệ An. Ảnh: VK.

Trong thành công của ngành nông nghiệp Nghệ An có sự đồng hành xuyên suốt của các doanh nghiệp giống hàng đầu, ThaiBinh Seed nằm trong số đó. Ước tính, những bộ giống ưu việt của Tập đoàn này chiếm đến 30 – 40% tổng diện tích lúa vụ đông xuân 2023 – 2024 tại Nghệ An.

Qua theo dõi và đối chứng, các chuyên gia đầu ngành và số đông nông dân khẳng định Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168… là những dòng lúa lai chất lượng vượt trội, nếu tuân thủ đúng quy trình hoàn toàn có thể vượt ngưỡng năng suất hơn 8 tấn/ha. Với bộ giống lúa thuần chất lượng cao như TBR225, TBR87, TBR97… năng suất đủ sức đạt trên 7,5 tấn/ha.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.