| Hotline: 0983.970.780

Lúa khỏe, năng suất tăng 30%, chi phí giảm 10% nhờ canh tác giảm phát thải

Thứ Tư 15/05/2024 , 16:29 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Mô hình canh tác lúa giảm phát thải tại Đắk Lắk trong vụ xuân 2024 giúp giảm 10 - 15% chi phí vật tư, tăng 30% năng suất, đồng thời giảm 50% lượng nước tưới.

Đắk Lắk có diện tích lúa nước đứng thứ 2 miền Trung - Tây Nguyên, lâu nay người dân canh tác theo phương thức truyền thống, chỉ chú trọng đến năng suất. Vụ đông xuân vừa qua, Đắk Lắk đã triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa giảm phát thải carbon, bước đầu mang lại hiệu quả.

Lúa khỏe, môi trường sạch 

Trong vụ đông xuân 2023 - 2024, Đắk Lắk đã thực hiện mô hình thí điểm về sản xuất lúa giảm phát thải carbon trên diện tích hơn 4ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Mô hình này được triển khai theo quy trình canh tác lúa xanh, giảm phát thải và tăng năng suất.

Đắk Lắk triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa giảm phát thải carbon trên diện tích hơn 4ha tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa giảm phát thải carbon trên diện tích hơn 4ha tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana. Ảnh: Quang Yên.

Đây là giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.

Là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình, ông Lê Như Hùng (ngụ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) cho biết, canh tác lúa áp dụng các giải pháp giảm phát thải carbon giúp tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất nhờ giảm được từ 10 - 15% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng năng suất vẫn bảo đảm ở mức cao. 

Theo ông Hùng, lợi ích của việc canh tác này là góp phần bảo vệ môi trường, tăng thêm thu nhập từ chứng chỉ carbon. Đặc biệt, trong bối cảnh tình trạng khô hạn đang có xu hướng gia tăng thì việc canh tác theo mô hình giảm được 40 - 50% lượng nước tưới là điều rất quan trọng, qua đó giúp bảo vệ nguồn nước, tránh nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vào mùa khô.

“Cách làm, quy trình sản xuất giảm phát thải carbon không khó, người dân hoàn toàn có thể tuân thủ. Tuy nhiên, nông dân cần được các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thêm về kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, nhà nước cần có cơ chế, giải pháp phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp giảm phát thải carbon để nhiều nông dân cùng tham gia nhằm chung tay thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính”, ông Hùng nói.

Theo ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, đến nay có thể khẳng định diện tích tham gia mô hình sản lượng đạt rất cao (hơn 11,7 tấn/ha, so với trung bình của huyện là khoảng 8,7 tấn/ha).

Không chỉ tiết kiệm được nước tưới, vật tư phân bón, thuốc BVTV, lúa trong mô hình phát triển rất khỏe, sạch sâu bệnh, năng suất đạt hơn 11 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với trung bình tại huyện Krông Ana. Ảnh: Quang Yên.

Không chỉ tiết kiệm được nước tưới, vật tư phân bón, thuốc BVTV, lúa trong mô hình phát triển rất khỏe, sạch sâu bệnh, năng suất đạt hơn 11 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với trung bình tại huyện Krông Ana. Ảnh: Quang Yên.

Điều này cho thấy trồng lúa giảm phát thải hoàn toàn không ảnh hưởng đến năng suất mà còn tăng đến 30% và giảm chi phí đầu vào 10%. Đặc biệt, trên cây lúa không có một đốm bệnh nào chứng tỏ cây lúa rất sạch và khỏe.

“Theo tính toán sơ bộ, dự kiến vụ này mô hình giảm phát thải được khoảng 3,5 tấn carbon/ha, đồng thời giảm lượng nước sử dụng được 50%. Đây là số liệu rất tốt, nhất là trong tình hình khan hiếm nước hiện nay.

Chúng tôi đang chờ báo cáo chính thức của Công ty Spiro Carbon (Mỹ) để đưa ra số liệu giảm phát thải từ mô hình này. Sau đó, Công ty sẽ công bố lượng carbon giảm phát thải và mua lại cho nông dân với đơn giá 20 USD/tấn carbon. Đồng thời trao chứng chỉ carbon đối với sản phẩm lúa gạo đầu tiên của Việt Nam cho nông dân Đắk Lắk. Đến nay có thể khẳng định mô hình đã thành công ngoài mong đợi”, ông Tiến cho hay.

Tiếp tục mở rộng

Đắk Lắk hiện có diện tích lúa nước trên 40.000ha, đây là tiềm năng rất lớn để khai thác giá trị mới trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn còn hạn chế trong việc hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn…

Mặt khác, yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, không còn đơn thuần là tạo ra sản phẩm ngon, chất lượng mà đi kèm đó là trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người cũng như "sức khỏe" cây trồng. Điều này buộc các tác nhân tham gia trong ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy, quy trình canh tác… để phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu.

Mô hình sản xuất lúa giảm phát thải carbon đã khẳng định hiệu quả, đặt nền móng để lan tỏa ra các địa phương khác tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Mô hình sản xuất lúa giảm phát thải carbon đã khẳng định hiệu quả, đặt nền móng để lan tỏa ra các địa phương khác tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, nông nghiệp phát thải thấp theo lộ trình đến năm 2028 mới hình thành thị trường carbon. Trong khi thời điểm này, các địa phương đang tổ chức triển khai thực hiện và những nhà mua chứng chỉ carbon chủ yếu đang dừng lại ở cam kết thu mua.

Theo ông Trần Minh Tiến, cái khó nhất trong sản xuất giảm phát thải là làm sao để bà con nông dân tiếp nhận được sự thay đổi, đó là sự tính toán lại dinh dưỡng cho cây lúa (vì bà con ở khu vực này sử dụng phân bón quá nhiều cho cây lúa). Ngoài ra, người dân cũng cần thay đổi quy trình sản xuất sang ướt - khô xen kẽ đúng kỹ thuật, bởi quy trình này bà con đã từng làm nhưng làm chưa đúng. Đồng thời, để thực hiện quy trình này đòi hỏi vùng trồng lúa phải có hệ thống thủy lợi đảm bảo, đây là thách thức không nhỏ đối với các địa phương của Đắk Lắk.

“Đắk Lắk có diện tích lúa lớn, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Sau khi có kết quả từ Công ty Spiro Carbon, doanh nghiệp sẽ họp tổng kết với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk để đề xuất tiếp tục triển khai, mở rộng mô hình sản xuất lúa giảm phát thải”, ông Tiến nói.

Hiện nay, nông nghiệp phát thải thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ NN-PTNT, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Đắk Lắk cũng đang nỗ lực thúc đẩy ngành nông nghiệp xanh, bền vững và phát thải thấp để biến “dòng tiền” vô hình trở thành hữu hình thông qua giá trị mới của nông sản.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk (bìa phải) cho biết, địa phương đang xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa giảm phát thải carbon. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk (bìa phải) cho biết, địa phương đang xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa giảm phát thải carbon. Ảnh: Quang Yên.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, sản xuất nông nghiệp giảm phát thải là chương trình chiến lược của Chính phủ. Đến thời điểm này, Đắk Lắk tổ chức triển khai thực hiện không chỉ riêng trên cây lúa mà còn phát triển thêm trên nhiều cây trồng khác.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, bước đầu mô hình sản xuất lúa giảm phát thải carbon đã mang lại hiệu quả. Nông dân tham gia mô hình đã cơ bản nắm được quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất đến lúc thu hoạch.

Người dân tham gia mô hình không chịu nhiều áp lực khi thực hiện canh tác theo quy trình mới. Quy trình được thực hiện theo hình thức ướt - khô xen kẽ, giảm được vật tư đầu vào từ 10 - 15%, đặc biệt giảm nước tưới đến 50%.

"Mô hình không chỉ bán được tín chỉ carbon mà năng suất lại cao hơn, trong đó việc đảm bảo môi trường là quan trọng nhất. Thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện trong vụ đông xuân là chính, vụ hè thu sẽ phụ vì liên quan đến nguồn nước. Sắp tới Sở sẽ họp tổng kết mô hình và nhân rộng trong thời gian tới”, ông Hiển thông tin.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.