Theo đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và những người đồng cấp kêu gọi Trung Quốc hợp tác với Hồng Kông để tạo ra một hướng đi tôn vinh những cam kết theo Tuyên bố chung Trung-Anh.
“Quyết định của Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông xung đột trực tiếp với các nghĩa vụ quốc tế của nước này theo những nguyên tắc ràng buộc về mặt pháp lý trong Tuyên bố chung Trung-Anh từng được đăng ký với Liên Hợp Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và François-Philippe Champagne, Bộ trưởng Ngoại giao Canada cùng ký tên chung trong tuyên bố.
"Luật an ninh quốc gia sẽ làm suy yếu hệ thống một quốc gia, hai chế độ", bốn bộ trưởng ngoại giao cho biết hôm 28/5.
“Luật an ninh quốc gia mới đưa ra viễn cảnh truy tố về các tội ác chính trị ở Hồng Kông và làm suy yếu các cam kết hiện có để bảo vệ quyền của người dân Hồng Kông”, họ nói.
Được ban hành vài giờ sau khi Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu gần như tuyệt đối tán thành luật, chỉ có 1 phiếu chống và 6 phiếu trắng, tuyên bố của bốn nước yêu cầu Bắc Kinh hợp tác với người Hồng Kông.
“Ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông đang bị đe dọa bởi sự áp đặt mới, chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với (chính quyền Hồng Kông) và người dân Hồng Kông để tìm điểm chung nhằm chấp nhận lẫn nhau – tuân theo các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong Tuyên bố chung Trung-Anh đăng ký với Liên Hợp Quốc”, tuyên bố viết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/5 rằng Hoa Kỳ tiếp tục trao đổi với các đồng minh khác trong nỗ lực thu hút thêm nhiều quốc gia lên tiếng chống lại lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Hồng Kông, mặc dù bà không trích dẫn cụ thể.
Đáp lại lời khẳng định của Bắc Kinh rằng "luật mới nhắm vào một loại hành vi rất hẹp gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia và không ảnh hưởng đến mức độ tự trị cao của Hồng Kông", bà Ortegus nói rõ ràng Mỹ không đồng ý.
Mỹ đe dọa các lệnh trừng phạt, thuế quan, thu giữ tài sản và xử lý visa. Vương quốc Anh đề xuất thay đổi nhập cư, thông báo vào hôm 28/5 rằng người Hồng Kông có hộ chiếu quốc gia Anh (ở nước ngoài) sẽ được cung cấp một con đường để trở thành công dân Anh nếu Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia tại đặc khu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những cách có thể hỗ trợ người dân Hồng Kông và ủng hộ các cuộc biểu tình”, bà Ortegus nói. “Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục phá vỡ lời hứa với thế giới, để công khai bất chấp luật pháp, Hoa Kỳ sẽ đứng lên và nói với họ rằng không”.
Tuyên bố hôm 28/5 được đưa ra một ngày sau khi ông Pompeo nói Hoa Kỳ thu hồi "vị thế đặc biệt" của Hồng Kông, mở đường cho hành động tiếp theo, bao gồm thuế quan, trừng phạt và xử lý visa.
Bắc Kinh nói rằng tuyên bố chung, đạt được giữa Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương vào năm 1984, không còn hiệu lực kể từ khi Hồng Kông bàn giao chủ quyền vào năm 1997.
EU thảo luận các vấn đề về Hồng Kông
Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng họ đã đối thoại với Mỹ, Anh, Úc và Nhật Bản để thảo luận các vấn đề về Hồng Kông. Tất cả 27 bộ trưởng ngoại giao EU sẽ thảo luận về tình hình vào hôm nay (29/5) theo lịch trình gặp gỡ. Họ cũng sẽ thảo luận về quan hệ EU-Trung trong tương lai.
New Zealand, quốc gia khác của liên minh an ninh Five Eyes, không tham gia tuyên bố này.
Các nhà phân tích hy vọng số nước EU nếu có ký vào tuyên bố chung cũng ở mức tối thiểu.
“Thách thức hiện tại là việc đưa ra các bước giải quyết”, Michael Davis, một học giả nghiên cứu tại Đại học Columbia và cựu giáo sư luật của Đại học Hồng Kông, nói.