| Hotline: 0983.970.780

Nafoods Group hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Thứ Sáu 24/11/2023 , 20:39 (GMT+7)

Với mục tiêu phát triển bền vững, Công ty CP Nafoods Tây Nguyên kiên trì triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp xanh và bền vững.

Với mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên (thuộc tập đoàn Nafoods Group) đã và đang kiên trì triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp xanh và bền vững, qua đó cung cấp các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng.

Phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên có địa chỉ tại thôn 5 (xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Công ty đi vào hoạt động từ năm 2015 với ngành nghề ban đầu là nghiên cứu, sản xuất cây giống chanh leo và liên kết với người dân trồng chanh dây sạch để xuất khẩu.

Đến nay, Công ty đã liên kết với 28 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia lai với 1.783 hộ dân, phát triển vùng nguyên liệu lên hơn 2.515 ha.

Hình ảnh chụp từ trên cao về Tổ hợp sản xuất khu công nghệ cao Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Thu Hải.

Hình ảnh chụp từ trên cao về Tổ hợp sản xuất khu công nghệ cao Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Thu Hải.

Ông Hồ Hải Quân, Giám đốc Công ty cho biết, thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Nafoods trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp số hóa, xanh và bền vững, chú trọng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, Công ty đã tập trung phát triển bền vững dựa trên 5 yếu tố gồm: Trách nhiệm với sản phẩm, trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, hỗ trợ cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương.

Đối với người lao động, Công ty đã và đang hoàn thiện và phát triển văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng, tạo cơ sở vững chắc, văn minh, đảm bảo mọi quyền lợi của người lao động trong công ty. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực tham gia ngày càng sâu rộng vào các chương trình hỗ trợ cộng đồng, phấn đấu xây dựng địa phương tại địa bàn nhà máy ngày càng giàu đẹp văn minh.

Đối với phát triển kinh tế địa phương, trong tất cả các hoạt động của mình, Nafoods luôn hướng tới mục tiêu kết nối sự phát triển của công ty với sự phát triển chung của cả nền kinh tế địa phương và quốc gia.

Đối với môi trường, Nafoods luôn ý thức rằng bất kỳ hoạt động trồng trọt và kinh doanh nào cũng có thể có tác động đến môi trường. Vì vậy, Công ty luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Vận hành quy trình sản xuất khép kín tại Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Thu Hải.

Vận hành quy trình sản xuất khép kín tại Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Thu Hải.

Riêng về trách nhiệm với sản phẩm, Công ty luôn đảm bảo an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu. Nafoods cam kết mỗi sản phẩm của mình đều là kết quả của một chu trình sản xuất khép kín, đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng.

Do đó, doanh nghiệp kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm và đạt chuẩn quốc tế về quy trình sản xuất.

Cụ thể, Công ty nghiên cứu, sản xuất các giống chanh dây đạt chất lượng; Quá trình liên kết với các hợp tác xã, nông hộ trong trồng, chăm sóc vườn cây, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về trồng chanh dây sạch cho người dân, trong đó, chú trọng hướng dẫn sử dụng các phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến môi trường. 

Ông Bùi Văn Toại-Tổ trưởng Tổ Hợp tác liên kết vùng trồng xã Ia Kênh (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho hay: "Hiện nay, tổ có 16 hộ liên kết trồng chanh dây cung cấp cho Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 45 ha. Hàng năm, Công ty đều tổ chức các buổi họp để tuyên truyền; tập huấn cho người dân trồng chanh dây theo hướng thân thiện với môi trường để tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng".

Cụ thể, từ quá trình làm đất, xuống giống và chăm sóc chanh dây sau này, người dân đều tuân thủ quy định về việc sử dụng phân hữu cơ, các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; không sử dụng thuốc và phân bón hoá học.

"Nhờ triển khai theo quy trình này, cây chanh dây ít bị sâu bệnh, kéo dài thời gian thu hoạch, năng suất ổn định và đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Toại khẳng định.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nhà máy chế biến, ông Hồ Hải Quân-Giám đốc Công ty cho biết thêm, năm 2017, Công ty được UBND tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư “Dự án Xây dựng nhà máy tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả tươi xuất khẩu”.

Đến cuối năm 2022, Công ty đi vào hoạt động thử nghiệm, chủ yếu thực hiện công đoạn tách hạt và chiết dịch chanh dây.

Xác định rõ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, Công ty luôn cố gắng tìm các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là quản lý chặt chẽ chất thải và xử lý khí thải.

Nước thải của Công ty được xử lý bằng bể biogas để hạn chế mùi hôi ảnh hưởng môi trường. Ảnh: Cường Nguyễn

Nước thải của Công ty được xử lý bằng bể biogas để hạn chế mùi hôi ảnh hưởng môi trường. Ảnh: Cường Nguyễn

“Các chất thải phát sinh trong quá trình chế biến chủ yếu là nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại (chủ yếu là các giẻ lau, dầu nhớt bảo trì thiết bị). Công ty đã đầu tư gần 8 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A với công suất 200m3/ngày đêm được xử lý theo quy trình công nghệ tách cát, xử lý bằng bể biogas, thiếu khí Anoxic, hiếu khí, lắng sinh học, khử trùng và tái sử dụng cho vườn cây.

Định kỳ hàng quý, Công ty thuê đơn vị chức năng đến lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường và kết quả các thông số quan trắc chất lượng nước thải đều đạt theo ngưỡng cho phép theo quy định.

Bên cạnh đó, Công ty cũng hợp đồng với Công ty Cổ phần Công trình đô thị Gia Lai thu gom rác thải sinh hoạt định kỳ 3 lần/tuần và hợp đồng với Công ty TNHH Tài nguyên và Môi trường Hậu Sanh (Bình Định) thu gom và xử lý rác thải nguy hại.

Hiện nay, Công ty cũng đang triển khai kế hoạch hỗ trợ địa phương xây dựng kênh thoát nước dân sinh trên trục đường Phạm Văn Hai, xã An Phú với tổng dự toán 2,5 tỷ đồng”, ông Quân cho hay.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Hùng Cường.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Hùng Cường.

Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên cũng chú trọng xây dựng phương án xử lý sự cố môi trường để kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra.

Đáng chú ý là đầu tháng 8/2023, sau khi xảy ra sự cố rò rỉ hệ thống thu gom nước sinh hoạt dẫn đến chảy tràn ra tuyến mương thoát nước của thôn 5 (xã An Phú) gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của một số hộ trong thôn, Công ty đã nhanh chóng tìm nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Sau khi xảy ra sự cố, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã kiểm tra và lập biên bản làm việc. Theo biên bản, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên có Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh vào ngày 4/3/2019; có biên bản họp hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường vào tháng 6/2023.

Công ty có xây dựng công trình xử lý nước thải phục vụ giai đoạn vận hành, hợp đồng xử lý chất thải nguy hại, giấy phép khai thác nước dưới đất.

Tại thời điểm làm việc, hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động bình thường và đang trong quá trình nâng cấp công suất lên 500m3/ngày đêm, có giấy tờ pháp lý về an toàn thực phẩm.

Nhà chứa rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Mạnh Cường.

Nhà chứa rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên. Ảnh: Mạnh Cường.

“Sau buổi làm việc, đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thường xuyên vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; tiếp tục chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, có các phương án xử lý sự cố môi trường theo quy định", Giám đốc Quân cho biết.

Đến nay, doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng rò rỉ mương nước. Đồng thời, Nafoods cũng đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và tới đây sẽ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp cũng sẽ dừng việc tập kết hạt chanh để hạn chế mùi hôi phát sinh gây ảnh hưởng môi trường và bổ sung hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Ông Phạm Tơ, Bí thư Chi bộ, thôn trưởng thôn 5 (xã An Phú) cho hay, đến thời điểm này, Công ty đã thực hiện xong việc khắc phục sự cố rò rỉ hệ thống thoát nước. Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện tốt việc xử lý các chất thải để tránh xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Công ty cổ phần Nafoods Group được thành lập vào năm 1995; là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu giống, trồng, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây, rau củ quả đông lạnh, trái cây sấy, các loại hạt và hoa quả tươi.

Tầm nhìn là tập đoàn tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp số hoá, xanh và bền vững, sứ mệnh cung cấp cho thế giới các sản phẩm nông nghiệp tự nhiên, an toàn và đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, đặc biệt là cho người nông dân.

Hiện nay, Nafoods Group là doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chanh leo lớn nhất Châu Á, có mặt tại hơn 70 thị trường xuất khẩu với phân khúc thị trường linh hoạt.

Trong 2 năm 2017 và 2018, Nafoods Group được vinh danh là 1 trong TOP 100 doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.