| Hotline: 0983.970.780

Nakamura - bác sĩ 'đào kênh'

Thứ Sáu 13/12/2019 , 09:12 (GMT+7)

Tetsu Nakamura dành hơn ba thập kỷ cho hoạt động nhân đạo tại Afghanistan. Ông tự lên kế hoạch đào 25km kênh, giúp biến 16.000ha đất khô cằn ở quốc gia này thành những cánh đồng màu mỡ.

1135716440
Tetsu Nakamura giúp biến 16.000ha đất khô cằn ở Afghanistan thành các cánh đồng màu mỡ. Ảnh: Mainichi.

Tetsu Nakamura sinh năm 1946 tại tỉnh Fukuoka trên đảo cực nam Kyushu của Nhật Bản. Ông được gia đình nuôi dạy khá nghiêm khắc. Những câu trong sách vở như “điều bạn không muốn làm với bản thân thì đừng làm với người khác” hoặc “thấy điều đúng đắn mà không hành động thì chính là biểu hiện của hèn nhát” giúp định hình tính cách của ông.

Nakamura muốn trở thành nhà côn trùng học và nghĩ đến việc theo ngành nông nghiệp tại đại học nhưng bị cha phản đối. Ông quyết định chọn làm bác sĩ, nghề ông dễ chấp nhận hơn và có thể giúp đỡ người khác. Ông làm việc cho nhiều bệnh viện trước khi tốt nghiệp trường y thuộc Đại học Kyushu. Tuy nhiên, thay vì cống hiến cho ngành y trong nước, Nakamura chọn tới Pakistan để đối phó bệnh phong rồi sang Afghanistan hỗ trợ điều trị các bệnh nhân ở đây.

Ông Nakamura trở thành người đứng đầu nhóm cứu trợ Nhật Bản có tên Peshawar-kai và giám đốc Cơ quan Y tế Hòa bình Nhật Bản. Bác sĩ này nhận được nhiều giải thưởng cho hoạt động nhân đạo của ông, trong đó có giải Ramon Magsaysay của Philippines - được mệnh danh là giải Nobel của châu Á - năm 2003.

“Tôi chỉ biết đến Kyushu và miền đông Afghanistan”, Nakamura trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review.

Khi còn trẻ, Nakamura không có quan niệm cụ thể nào về Afghanistan. Ông tới Pakistan năm 1984 với ý định trở về nhà sau 6 năm. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng khi đó khiến ông không thể rời đi. Lúc này, dòng người tị nạn từ Afghanistan đổ dồn về Pakistan. Bệnh lao và sốt rét hoành hành tại các trại tị nạn.

Nakamura nghĩ bổn phận của bác sĩ chính là có thể phục vụ mọi người trong những khu vực như vậy. Cuối cùng, ông mở rộng phạm vi hoạt động sang Afghanistan, mở phòng khám tại các làng không có bác sĩ.

Bước ngoặt xuất hiện năm 2000, khi Afghanistan cùng nhiều nơi ở Trung Á bị hạn hán nặng nề. Những người mẹ bế con đi bộ nhiều ngày đến phòng khám của Nakamura tìm sự giúp đỡ, nhiều đứa trẻ bị kiết lỵ và sốt thương hàn.

Trong điều kiện bình thường, ông có thể cứu sống nhiều trường hợp. Tuy nhiên, những đứa bé này còn bị suy dinh dưỡng và ông đã phải chứng kiến những ca tử vong nối tiếp nhau. Bác sĩ kết luận thuốc men cũng chỉ có tác dụng hạn chế.

“Chúng ta không thể cứu các sinh mạng nếu không có đủ nước và thực phẩm”, ông nói.

Thay vì tiếp tục chữa bệnh hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Nakamura bắt đầu đào đất. Dù không phải kỹ sư, ông vẫn tự thiết kế một kênh đào dài 25 km, vận động nông dân địa phương hỗ trợ xây dựng, tự học và điều khiển máy hạng nặng.

Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001 khiến tình hình tại đây thêm xấu đi, sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế nhanh chóng suy giảm. Nhiều tổ chức nhân đạo rời khỏi Afghanistan nhưng Nakamura vẫn ở lại.

“Bạn không thể bỏ lại những người đang gặp rắc rối nghiêm trọng lại phía sau, đúng không?”, ông nói. “Tôi nghĩ mình sẽ hối hận nếu không làm hết sức để cứu người. Tôi làm vậy để thỏa mãn chính tiêu chuẩn đạo đức của mình. Tôi là một người cổ hủ”.

“Những điều bà dạy tôi đều là các tiêu chuẩn xã hội của Nhật Bản cũ. Chúng hiện vẫn là một phần nhân cách của tôi”, ông chia sẻ. “Bà thường nói ‘đàn ông không nên khóc, ngay cả khi gặp khó khăn’ hay ‘hãy trân trọng mạng sống’, ‘bảo vệ người yếu thế’”.

Nakamura sẵn sàng làm mọi việc cần thiết. Châm ngôn sống của ông là “mang ánh sáng đến những nơi tối tăm”, giúp định hướng cho mọi nỗ lực trong công việc cứu trợ nhân đạo.

Kênh đào hoàn thành năm 2010, biến khoảng 16.000 hecta đất khô cằn thành những cánh đồng màu mỡ. Con số trên tương đương 3% tổng diện tích đất có thể trồng trọt ở Afghanistan và có gần 600.000 người sống tại khu vực.

Sự sống dần trở lại với những ngôi làng bị bỏ hoang, được người dân bản địa mô tả là “điều kỳ diệu”. Tháng 2/2018, Nakamura được Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khen thưởng. Ông Ghani hứa sẽ mở rộng hệ thống kênh đào dựa trên cách tiếp cận của bác sĩ Nhật Bản - chìa khóa cho sự tái thiết Afghanistan.

Nakamura từng nói sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi 70 tuổi. Nakamura thiệt mạng hôm 4/12, ở tuổi 73, khi đoàn xe của ông bị các tay súng tấn công ở Jalalabad, tỉnh miền đông Nangarhar. Thi thể ông đã được đưa về Nhật Bản hôm 8/12, tang lễ diễn ra sau đó ba ngày.

“Afghanistan vẫn chịu ảnh hưởng bởi hạn hán. Tôi không thể tạm biệt và nói với người dân ở đó rằng họ phải tự lực từ lúc này. Cuối cùng, tôi đã tìm ra một phương thức khả thi. Tôi nghĩ lan tỏa phương thức sẽ là công việc cuối cùng của mình”, Nakamura nói trước khi quay lại Afghanistan cuối tháng 9/2018.

Cảnh sát Afghanistan ngày 9/12 thông báo bắt 6 người đàn ông nghi liên quan đến vụ sát hại bác sĩ Nakamura. Vụ tấn công dường như được lên kế hoạch từ một hoặc hai năm trước, loại đạn sử dụng có nguồn gốc từ nước ngoài. Cảnh sát Afghanistan đang điều tra vụ việc.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.