Văn bản số 213 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng vừa ký ngày 31/3.
Theo UBND tỉnh Nam Định, qua loạt bài phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thời gian vừa qua hoạt động khai thác cát khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến kẻ bảo vệ khu sinh thái Rạng Đông, rừng chắn sống, khu vực nuôi trồng thủy sản...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; UBND các huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy:
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, hạn chế ảnh hưởng do khai thác cát gây ra, UBND tỉnh các huyện ven biển theo dõi chặt chẽ hoạt động của các phương tiện có liên quan đến hoạt động khai thác cát; xác định ảnh hưởng của việc khai thác cát đến đê, kè, rừng phòng hộ, khu vực nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định nguyên nhân, thống kê thiệt hại.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra hoạt động khai thác cát, bơm lấp cát, khu vực đường ống bơm cát đi qua, xác định vi phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm các nội dung theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh tại văn bản số 153/UBND-VP3 ngày 10/3/2023 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoảng sản trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát của các đơn vị được cấp phép khai thác về vị trí, tọa độ, độ sâu, công suất được cấp phép, việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan; xác định nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khu vực gần bờ...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thực tế, theo dõi diễn biến sạt lở của kè sinh thái Rạng Đông (tốc độ, quy mô sạt lở); diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ thiệt hại; diện tích ao nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 15/4/2023.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát và việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các đơn vị khai thác cát khu vực vùng biển ven bờ; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình liên quan đến hoạt động khai thác cát làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội tại khu vực; đấu tranh phòng ngừa vi phạm; kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Vắng bóng tàu hút cát sau loạt bài phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ghi nhận của Pv Báo Nông nghiệp Việt Nam, mấy ngày qua, sau loạt bài của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tình trạng khai thác cát biển tại vùng ven biển Nghĩa Hưng đã giảm mật độ, tần suất và không công khai như những ngày trước đó.
Tại khu vực tập kết tàu hút cát gần cống Quần Vinh, đến chiều ngày 31/3, chỉ còn 2 con tàu neo đậu. Hoạt động hút cát cũng không được tiến hành.
Trước đó, tại khu vực này thường xuyên neo đậu một dàn tàu hút khoảng chục con tàu. Hoạt động hút cát, khai thác cát biển diễn ra cả ngày đêm, và diễn ra ở nhiều điểm khác nhau tại khu vực ven biển các xã Phúc Thắng, Nghĩa Lợi.
Người dân địa phương cho biết, khoảng 3 -4 ngày gần đây, không thấy hoạt động khai thác cát biển diễn ra. Các đoàn chức năng của Nam Định cũng xuống kiểm tra thực địa, kiểm tra hiện trường.
Trước đó, một thời gian dài từ năm 2017 đến nay, hoạt động khai thác cát biển diễn ra song song với việc kè sinh thái khu du lịch biển Nghĩa Hưng bị sạt lở nghiêm trọng, và có xu hướng gia tăng vào các năm tiếp sau.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã nhiều lần kiểm tra xác định nguyên nhân. Nguyên nhân chính được cho rằng do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, người dân khẳng định, tác nhân chính khiến bờ kè khu sinh thái sạt lở, đó là do tình trạng khai thác cát của 4 mỏ cát biển được cấp phép ven bờ.