Qua cầu Thịnh Long vừa khánh thành đẹp đẽ như một con rồng khổng lồ bắc ngang sông Ninh Cơ, bắt đầu tới địa phận các xã ven biển của Nghĩa Hưng, trải từ Nghĩa Bình - Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (2 xã này đã sáp nhập thành xã Phúc Thắng), tới Nghĩa Lợi, thị trấn Rạng Đông và chót cùng là xã Nam Điền.
Tuyến đường 490c mới mở rộng thênh thang được kỳ vọng sẽ đánh thức kinh tế vùng đất ven biển, đấu nối với KCN Rạng Đông đang được hình thành, mà dấu hiệu nhận biết duy nhất chính là chiếc cổng KCN đã được xây dựng hoàn thiện.
Bên mặt phía Nam của tuyến đường mới, con đê biển chạy dài xây kiên cố, chân đê gia cố bằng những ụ bê-tông ba chạc ghim chặt vào bờ kè. Tiếp bờ kè đê là bãi bồi trải dài dễ tới gần 1km, rồi mới đến được mép nước biển Nghĩa Hưng.
Từ lâu, những hợp phần ấy kết nối với nhau khăng khít thành một thể thống nhất, vừa ngăn mặn xâm nhập vào bên trong đê để bảo vệ và thành hình những mùa màng trù phú, những làng quê bình yên. Bên ngoài đê là những đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản nức tiếng sản vật nuôi trồng như cá bớp, cá bống biển, ngao vàng… được bảo hộ thương hiệu mấy năm qua, trở thành niềm tự hào của Nghĩa Hưng.
Nhưng, trật tự ấy đang bị xáo trộn. Một Nghĩa Hưng hiện tại đang ngổn ngang, nhiều bộn bề.
Ngổn ngang đầm bãi
Ông Bùi Văn Hạ, một người dân địa phương mấy năm trước quyết định “thâu tóm” lại đầm bãi của một số hộ dân khác, manh nha ý tưởng làm ăn lớn, đầu tư theo hướng tích tụ, mở rộng hạn điền.
Bỏ ra gần nửa tỷ để mua lại quyền sử dụng khu đầm rộng gần chục ha của một chủ đầm khác (người này cũng thuê đất có thời hạn của xã), ông Hạ dốc vốn liếng gần ba tỷ đồng để cải tạo, gia cố đầm bãi.
Thế nhưng, thời điểm thực hiện giấc mộng “làm ăn lớn” của ông Hạ cũng là thời điểm tỉnh cấp cho một đơn vị có tên Công ty Sông Đà – Hà Nội được khai thác cát biển ngay thẳng khu đầm của ông.
Từ năm 2020 đến nay, kè biển khu sinh thái du lịch huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở, nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Nguyên nhân rất “chung chiêng” được đưa ra, đó là do… biến đổi khí hậu!
Đã có thời điểm, Nam Định yêu cầu đơn vị khai thác cát biển, công ty Sông Đà – Hà Nội dừng khai thác để xác định nguyên nhân; yêu cầu huyện Nghĩa Hưng - chủ đầu tư dự án kè khu sinh thái du lịch dài 2km với kinh phí 100 tỷ đồng - tìm phương án gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở…, nhưng địa phương vẫn chưa có hướng khắc phục.
Trong thời gian đó, kè khu sinh thái tiếp tục sạt lở, mỗi năm sạt lở thêm cả trăm mét chiều dài, và sạt lở sâu vào bên trong, kéo theo cả một vạt rừng sinh thái trồng phi lao hàng chục năm tuổi xuống biển, và kéo theo cả khu đầm bãi - “giấc mộng đại điền” của ông Bùi Văn Hạ.
Không nỡ nhìn tiền của đổ sông đổ bể, ông Hạ quyết tâm gia cố, cải tạo: ông mua những bao nhựa khổng lồ để bơm cát vào bên trong, xếp với nhau thành một tuyến bờ bao, chiều rộng 3m, chiều dài hàng trăm mét để bao bọc khu đầm.
“Số tiền tôi bỏ vào đây cũng gần ba tỷ, nuôi được một mùa thuỷ sản chưa kịp thu hoạch thì tiếp tục sạt lở. Cống bê-tông để nước ra vào đầm bị sạt, không còn nguồn nước vào, đầm khô cạn ngay sát biển. Đến nước này thì tôi không thể làm gì được nữa” – ông Hạ nói chực khóc.
Bỏ lại khu đầm hoang, ông thuê một người ra ăn ngủ, trông coi đầm bãi, vì bên dưới mực nước xâm xấp đến gối, vẫn còn một ít thuỷ sản ngao, vạng chờ đến tuổi thu hoạch, ông tính toán vớt vát lại được đồng nào hay đồng ấy…
Người đàn ông luống tuổi được ông Hạ thuê, hàng ngày ăn ngủ trong ngôi nhà cấp 4 ông Hạ dựng bên mép đầm, phân trần: “Tôi trông coi ở đây mấy tháng rồi nhưng chưa có đồng tiền công nào. Ông chủ đầm đang khốn khó, bĩ cực như thế, đòi tiền công cũng không nỡ”.
Xung quanh chỗ ông đứng, ngổn ngang những bê-tông, gạch đá… Nó trước đó là những bể nuôi tôm được xây dựng kiên cố, cách xa mép biển hàng trăm mét, nhưng cuối cùng cũng tan hoang.
Những cây phi lao chết khô nằm ngả nghiêng bên những ngổn ngang đất đá. Một vệt rừng phòng hộ cũng bị sạt lở, để lại một khoảng trống hoác nhìn ra biển.
Người dân cho biết, trước đó, khu rừng phòng hộ là một dải nối dài, liên tục không ngắt quãng. Hạt kiểm lâm Nghĩa Hưng (Chi cục Kiểm lâm Nam Định) xác nhận, diện tích rừng phòng hộ do đơn vị này quản lý tại xã Nghĩa Lợi là 33,04ha; xã Phúc Thắng là 41,58ha. Thời điểm hiện tại, diện tích rừng giảm tại hai xã lần lượt là 5,69ha và 3,16ha. Con số diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm có lẽ vẫn chưa tiếp tục dừng lại.
Tan hoang bờ kè khu sinh thái
Công trình kè biển bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng hơn 100 tỷ đồng. Nhà thầu xây dựng (Công ty CP Xuân Trường Nam Định) hoàn thành, bàn giao cho huyện quản lý từ năm 2014.
Đầu năm 2019, ông Sái Hồng Thanh (khi đó là Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng) khẳng định: kể từ khi được bàn giao, kè không gặp vấn đề gì. Nhưng từ năm 2018 kè bắt đầu gặp sự cố, bị sóng đánh sập một số đoạn. Huyện đã một lần chi ra 2 tỷ đồng để khắc phục. Tuy nhiên vừa tu bổ xong lại bị sóng đánh sập tiếp.
Huyện báo cáo UBND tỉnh, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục, bởi nếu chưa rõ nguyên nhân mà khắc phục thì không hiệu quả, mặt khác huyện cũng không có tiền.
Cùng thời điểm kè bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông gặp sự cố, cách bờ kè không xa, cũng là lúc Công ty Cổ phần Sông Đà - Hà Nội bắt đầu triển khai các hoạt động khai thác cát biển bằng phương pháp lộ thiên.
Cụ thể, ngày 10/11/2017 doanh nghiệp này được Sở TN-MT tỉnh Nam Định cấp phép khai thác cát tại các mỏ cát lô số 1A (thời hạn đến tháng 3/2023), mỏ cát lô số 1B (thời hạn đến tháng 11/2022) khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, mục đích khai thác cát san lấp.
Trong các năm từ 2017 – 2019, đơn vị tiếp tục được cấp thêm 2 điểm mỏ mới (điểm 2A, 2B) nâng tổng trữ lượng khai thác là 6.102.180m3; phạm vi 180 ha mặt biển, thời gian khai thác 5 năm.
Năm 2019, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường sạt lở, yêu cầu các Sở, ngành liên quan xác định nguyên nhân; yêu cầu huyện Nghĩa Hưng phải khẩn trương xử lý tình trạng sạt sập kè.
Khi đó, mới chỉ có 2 điểm bị sập (đoạn thứ nhất tính từ đầu Đông công trình, chiều dài kè bị sập khoảng hơn 10m, diện tích bị sập khoảng 60m2. Đoạn thứ 2 cách đoạn thứ nhất khoảng hơn 100m về phía Tây, chiều dài kè bị sập khoảng 5-60m; diện tích bị sập khoảng 600m2..
Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định yêu cầu rà soát, kiểm tra hồ sơ, quá trình cấp phép khai thác cát cho Công ty cổ phần Sông Đà - Hà Nội, nếu phát hiện vị trí cấp phép không hợp lý phải khẩn trương điều chỉnh; trường hợp cần thiết yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thát cát để xác định nguyên nhân gây vỡ kè; yêu cầu Công ty cổ phần Sông Đà - Hà Nội báo cáo đầy đủ hồ sơ từ khi khai thác mỏ đến thời điểm có biến cố vỡ kè...
Một năm sau, tháng 9/2020, khu vực sạt lở tiếp tục mở rộng. Thay vì 2 điểm như ghi nhận trước đây, toàn bộ đầu phía Đông của công trình kè bị sập hoàn toàn, tổng chiều dài khoảng 1km. Không chỉ đánh sập đỉnh kè, thân kè, sóng biển tiến sâu, đánh sập toàn bộ phần đường chạy dọc kè, lật tung đường ống bê-tông thoát nước nằm phía bên kia đường, tiến sát vào rừng phòng hộ tạo nên cảnh tượng tan hoang.
Tháng 3/2023, khi PV Báo Nông nghiệp Việt Nam xuống ghi nhận thực tế, những điểm sạt lở này không còn phân chia thành các đoạn riêng biệt. Toàn bộ phần sạt lở đã “quy thành một mối”, kép một vệt dài hơn 2km thành một khối “tan hoang bền vững”, không phân định được đâu là đỉnh kè, thân kè, chân kè…
Cùng với đó, một dải rừng phi lao phòng hộ vài chục năm tuổi đã bị xô đổ, chết trơ gốc rễ…
Trong khi đó, việc khai thác cát của Công ty Cổ phần Sông Đà - Hà Nội vẫn hoạt động ngày đêm, duy trì liên tục từ khi được cấp phép đến nay. Trong các báo cáo của Nam Định, nguyên nhân vẫn cho rằng, kè, đầm bãi... bị sạt lở là do biến đổi khí hậu!