| Hotline: 0983.970.780

Nam Định 'đổi thủy sản lấy công nghiệp': [Bài 1] Thu hồi trắng gần 100ha đầm bãi làm kênh thoát nước khu công nghiệp

Thứ Hai 27/03/2023 , 11:36 (GMT+7)

Gần 100ha đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản của huyện Nghĩa Hưng bị thu hồi trắng làm kênh thoát nước thải khu công nghiệp. Nhiều hộ dân lo lắng mất kế sinh nhai.

LTS: Ngày 19/12/2018, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Quy hoạch Phát triển kinh tế thủy sản và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2896. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, ngày 10/7/2020, tỉnh Nam Định ban hành QĐ số 1645 về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy hoạch nói trên. Người thay mặt UBND tỉnh ký ban hành cả hai Quyết định trên là ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Đằng sau hai Quyết định này là số phận của hàng trăm hộ dân nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng trực tiếp bởi họ đã đầu tư tiền bạc, công sức để khai phá, cải tạo vùng sình lầy, bãi triều hoang hoá... thành những đầm bãi trù phú, nhưng thời gian sử dụng chưa được bao lâu.

Sự thay đổi về Quy hoạch khiến mục đích sử dụng đất bị thay đổi theo. Tiếp đó, Nam Định ban hành các quyết định thu hồi, không đền bù giải phóng mặt bằng đối với hàng trăm ha đầm bãi đang nuôi trồng thủy sản ổn định, mang lại nguồn thu bền vững cho người dân.

Mục đích của việc thu hồi nhằm phục vụ các dự án công nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, bao gồm các nhà máy sản xuất thép; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; dệt nhuộm…, trong đó có cả dự án xây dựng kênh thoát nước thải khu công nghiệp dệt nhuộm – những lĩnh vực được cho là nhạy cảm về môi trường, nhất là môi trường biển.

Quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại  Quyết định số 450/QĐ-TTg về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các chuyên gia nhận định, Nam Định cần có sự cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng khi thực hiện chuyển đổi chủ trương phát triển kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp tại khu vực ven biển, nhất là sau những bài học như Formosa xảy ra cách đây chưa lâu!

Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh thực trạng đang xảy ra tại Nam Định từ đó thêm một tiếng nói để tỉnh Nam Định có cái nhìn tổng thể hơn trong việc thực hiện các chính sách, mục tiêu đề ra.

Ngày 30/6/2022, hàng chục hộ dân xã Nghĩa Lợi bất ngờ nhận được Thông báo của UBND xã về việc đơn phương thanh lý hợp đồng thuê đất nuôi ngao vạng, nuôi trồng thuỷ hải sản trên địa bàn.

nd1

Ông Vũ Đình Phú, xã Nghĩa Lợi (áo xanh), một trong số những hộ dân nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đầm bãi để làm Kênh thoát nước KCN rạng Đông.

Theo đó, UBND xã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất bãi triều do địa phương được tạm giao quản lý để làm đầm bãi nuôi ngao, vạng... Các hộ dân được yêu cầu thu dọn tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực đất thuê, hoàn trả mặt bằng cho địa phương mà không được hỗ trợ đền bù tài sản, công trình, vật nuôi trên đất.

Không riêng xã Nghĩa Lợi, nhiều xã ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng như Phúc Thắng, Nam Điền, Nghĩa Thắng…, hàng trăm hộ dân nuôi trồng thuỷ sản khác cùng chung cảnh ngộ.

Tại xã Nghĩa Lợi, tổng diện tích đất bị thu hồi gần 114,8ha, trong đó có hơn 90,8ha đất nuôi trồng thuỷ sản; 7.652m2 đất rừng phòng hộ; 429,8m2 đất nông nghiệp khác; 2.370,7m2 đất trồng cây hàng năm; 4.628,6m2 đất mặt nước chuyên dùng; 1.107,5m2 đất thuỷ lợi, 7.725m2 đất giao thông.

Tại xã Phúc Thắng, diện tích đầm bãi bị thu hồi là 165ha.

anh ghep

Quyết định số 2009 của UBND tỉnh Nam Định thu hồi hơn 114ha đất đầm bãi, đất rừng phòng hộ... để xây dựng Kênh thoát nước KCN.

Tuyến đường ven biển từ chân cầu Thịnh Long tới xã Nghĩa Lợi dài gần chục km. Nhiều năm qua, người dân các xã ven biển đã bỏ công sức cải tạo, đắp bờ, dựng kè ngăn mặn…, biến những vùng sình lầy hoang vu trở thành những vùng nuôi trồng thuỷ sản trù phú, biến Nghĩa Hưng thành vùng trọng điểm nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh.

Thế nhưng, những khu đầm bãi đang ở tuổi sung sức, đang là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân cũng thuộc diện thu hồi cùng thời điểm này.

Thu hồi hàng trăm ha đầm bãi làm kênh thoát nước thải rộng 50m

Tại Quyết định số 2009 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng ký ngày 1/11/2022 cho biết: mục đích của việc thu hồi (hơn 100ha) đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản tại xã Nghĩa Lợi nhằm thực hiện dự án xây dựng Kênh thoát nước khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông.

nd2

Hơn 90ha đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản bị thu hồi không đền bù.

Điều đáng nói, Khu công nghiệp Rạng Đông nằm song song với tuyến đê biển kéo dài hàng km từ thị trấn Rạng Đông tới xã Nam Điền. Kênh thoát nước được thiết kế là đường vuông góc nối từ KCN tới điểm xả ngoài biển.

Theo thiết kế, Kênh thoát nước KCN có chiều rộng 50 mét, chiều dài khoảng 2,5km nối từ KCN đi qua thân đê, đi qua đầm nuôi ngao, tôm của một hộ dân xã Nghĩa Lợi, sau đó đến biển.

Việc thu hồi đầm bãi đang nuôi trồng thuỷ sản ổn định tại xã Nghĩa Lợi, những đầm bãi này cũng phân bố dọc biển, để phục vụ cho một dự án hợp phần - kênh thoát nước thải sử dụng diện tích 50m chiều rộng là điều khó hiểu.

Quyết định thu hồi đất tại xã Nghĩa Lợi UBND tỉnh Nam Định cũng chỉ thể hiện duy nhất một mục đích: GPMB thực hiện dự án đầu tư xây dựng Kênh thoát nước KCN dệt may Rạng Đông.

nd10

Vị trí xây dựng Kênh thoát nước KCN Rạng Đông (cắm cọc) đi qua đầm nuôi thuỷ sản của hộ dân và hơn 7.000m2 rừng phòng hộ phải chuyển đổi.

Theo tính toán của người dân, với thiết kế chiều rộng 50m, dài 2.500m, tuyến Kênh thoát nước thải này chỉ chiếm 125.000m2, tương đương 12,5ha.

Như vậy, tổng diện tích đất thu hồi gần 114,8ha (trong đó có hơn 90,8ha đất nuôi trồng thuỷ sản; 7.652m2 đất rừng phòng hộ) theo QĐ số 2009 sẽ dư thừa hơn 100ha, trong khi người dân đang “khát” tư liệu sản xuất.

Ông Trần Văn Tuý, chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi chia sẻ: “Tôi cũng bảo với các anh làm dự án (chủ dự án KCN Rạng Đông – Aurora) là sao không sử dụng hệ thống kênh đào chạy xung quanh KCN, nước thải sau khi đã xử lý đảm bảo an toàn sẽ thoát theo hệ thống kênh, đỡ tốn kém lại không phải thu hồi đầm bãi”.

Hệ thống kênh mà ông Tuý nói chính là tuyến kênh đào tưới tiêu “ôm” bốn xung quanh nông trường Rạng Đông trước kia, sau đó, khi tỉnh có chủ trương phê duyệt dự án Khu công nghiệp Rạng Đông – Aurora, đất nông trường được thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Người dân ngỡ ngàng

Có một người khó hiểu nhất trước QĐ thu hồi đất đầm bãi của tỉnh Nam Định, đó là ông Vũ Đình Phú (thôn 5, xã Nghĩa Lợi) - người đang sử dụng hơn 10ha đầm bãi nuôi tôm, vạng… Kênh thoát nước này nằm trên diện tích đầm bãi của gia đình ông thuê sử dụng.

anh nen

Diện tích xây dựng Kênh thoát nước chiếm một phần rất nhỏ trong tổng diện tích đất thu hồi.

Hiện tại, ranh giới của Kênh thoát nước đang được chính quyền “cắm mốc” bằng những chiếc cọc tre, chiếm trọn đường đi vào đầm mà cha con ông Phú mất nhiều năm cải tạo, đôn lấp… mới có được hiện trạng như ngày hôm nay.

“Khi đó, biển vào sát chỗ anh đang đứng. Đường vào đầm chưa có, để sang được khu bãi triều, tôi phải bơi qua con kênh (hiện vẫn đang tồn tại nằm giữa bãi sú, vẹt - Pv), chở từng thuyền cát ra đôn lấp. Sau đó, đi vay mượn để thuê tàu hút cát đắp bờ ” – ông Phú cho biết.

Giai đoạn trước năm 2000, như nhiều hộ dân khác tại xã Nghĩa Lợi, bố con ông Phú đổ không biết bao công sức, mồ hôi… để cải tạo khu bãi triều ngập mặn. Ông đắp một bờ bao bằng đất để ngăn nước triều xói lở, quay lại thành các ô đầm, mỗi ô rộng vài ha; xây dựng cửa cống để nước ra vào. Có bờ bao kiên cố, ổn định, ông tiếp tục quay đắp bốn xung quanh, ngăn ô, chia thửa… thành đầm.

Empty

Ông Phú mất ăn mất ngủ khi nhận được thông báo của chính quyền phải di dời, hoàn trả mặt bằng lại cho địa phương.

Trỏ tay chỉ khu bể nuôi tôm theo mô hình hiện đại, ông Phú cho biết, mấy năm nay, con tôm là “cứu cánh” của nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Nghĩa Lợi. Trước, khi chưa có kinh nghiệm, bà con phải mua tôm giống ở mãi Cà Mau chuyển về. Mày mò tìm tòi, học hỏi, bà con tự sản xuất được tôm giống…

Bể nuôi tôm giống là các ô có diện tích rộng vài trăm m2/ô, được chia thành các khu riêng rẽ: bể tôm giống, bể nuôi tôm thành phẩm… Tường quây, ngăn ô được xây bằng bê tông kiên cố, bên dưới lót bạt chống thấm. Để tăng ô xy cho con tôm, tạo dòng cho các bể nuôi, các hộ lắp đặt các quạt nước chạy bằng mô tơ điện…

nd8

Mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của..., cha con ông Phú mới tạo dựng được cơ ngơi nuôi trồng thuỷ sản như ngày hôm nay.

“Mỗi năm cố một tý. Lợi nhuận thu được từ nuôi trồng thuỷ sản năm trước lại gối sang năm sau, tái đầu tư xây dựng, cải tạo đầm bãi, nông dân lúc nào cũng ở tình cảnh hụt hơi. Có những đận, cha con tôi phải đi vay mượn bên ngoài, vất vả lắm” – lão nông luống tuổi mấy chục năm lăn lộn với cát, mặn… thật thà.

Cơ ngơi hiện có của cha con ông Phú là 3 khu đầm nuôi cá nước mặn, khoảng chục bể nuôi tôm, ô thì để lộ thiên, ô thì có mái che… tuỳ thuộc vào con vật nuôi bên trong.

“Nông dân tự làm, tự cải tạo mới có đầm bãi để nuôi thả thuỷ sản. Chúng tôi cũng không có chứng từ, hoá đơn… để đo đếm số tiền mình đã bỏ sông bỏ bể, còn sức người thì không tính theo ngày, nó tính bằng cả cuộc đời” – ông Phú không giấu sự ưu phiền khi nhận thông báo xã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đầm bãi.

Nhìn cơ ngơi ấy, người ngoài ngành cũng hiểu, nó phải là số tiền rất lớn hàng tỉ đồng mới tạo dựng được.

Tất cả những gì mà cả cuộc đời một lão nông như ông Phú phải tằn tiện, lao lực đều sắp nằm lại ở những khu đầm, những bể nuôi…, không mang theo được.

Không riêng hộ gia đình ông Phú, tất cả các hộ nuôi trồng thuỷ sản đều bị thu hồi trắng đầm bãi, đều không được đền bù, hỗ trợ một xu cắc!!!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.