| Hotline: 0983.970.780

Nam Định 'đổi thuỷ sản lấy công nghiệp' [Bài 2]: Thu trắng đầm bãi, không đền bù?

Thứ Ba 28/03/2023 , 11:05 (GMT+7)

Những khu đầm, bãi nuôi thả thuỷ sản ven biển Nghĩa Hưng là thành quả người dân cải tạo, xây dựng hàng chục năm mới có được. Vì sao tỉnh Nam Định thu hồi trắng?

b2

Các hộ dân bị thu hồi đầm bãi đã có đơn kiến nghị các cấp chính quyền tỉnh Nam Định về sự việc.

Đầu tháng 11/2022, lá đơn kiến nghị của chục hộ dân bị đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đầm bãi do ông Bùi Văn Hà làm đại diện được gửi tới các cấp chính quyền của tỉnh Nam Định.

Tại đơn kiến nghị, các hộ dân đề xuất ba nội dung:

Thứ nhất, đề nghị chính quyền xây dựng phương án đền bù, GPMB trong đó các hộ đầu tư mô hình nuôi trồng thuỷ sản như ao dèo nổi, hệ thống cống, toàn bộ khối lượng đất đắp gia cố bờ đầm.

Thứ hai, lập phương án đền bù, hỗ trợ di dời vật nuôi, cây trồng chưa hết thời hạn thu hoạch, tận thu.

Thứ ba, đề nghị xem xét để có thời gian thu dọn tài sản đã đầu tư vào đất, thời gian chuẩn bị khu vực nuôi mới. Chính quyền có phương án bố trí các khu vực nuôi trồng thuỷ sản thay thế để các hộ dân tiếp tục được duy trì nghề…

b5

Chòi canh đầm ngao ven biển của các hộ dân xã Nghĩa Lợi.

Không đền bù vì hết hợp đồng cho thuê đầm bãi

Trong văn bản trả lời đơn kiến nghị của các hộ dân, UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: khu vực bãi triều ven biển là vùng đất công thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh. Ngày 14/9/2001, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 1917 tạm giao thẩm quyền quản lý 316 ha đất ven biển, bãi triều cho UBND huyện Nghĩa Hưng. Huyện tiếp tục giao cho các xã ký hợp đồng với các hộ gia đình thuê canh tác trong thời gian ngắn hạn (hợp đồng thuê 2 năm/lần).

Bài liên quan

Trên cơ sở đó, từ cuối năm 2001, UBND huyện, UBND xã đã tổ chức đấu thầu những diện tích mặt nước cho phép các hộ nuôi thả ngao, vạng. Thời hạn ký hợp đồng cho thuê gần nhất là đến hết ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên, ngày 6/5/2020, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 1060 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, tỉnh Nam Định đến năm 2040; Thông báo số 303 ngày 12/1/2022 của Ban thường vụ Huyện uỷ Nghĩa Hưng, Công văn số 71 ngày 10/2/2022 của UBND huyện Nghĩa Hưng về việc không ký tiếp hợp đồng đối với các hộ gia đình, cá nhân thuê đất khu vực bãi ngoài đê từ cầu Thịnh Long (xã Nghĩa Bình) đến phía Nam cống Tiêu (thuộc xã Nam Điền).

b8

Nhà máy dệt nhuộm đang được xây dựng trong Khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng).

kcn

Khu công nghiệp Rạng Đông - Aurora tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng.

Cho đến tháng 4/2022, UBND xã mới tổ chức hội nghị với các hộ để thông báo, tuyên truyền chủ trương này.

Tiếp đó, xã thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, trong đó có các thông báo công khai việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản tới các hộ dân. Tháng 11/2022, tỉnh Nam Định ban hành Quyết định 2009 về việc thu hồi hơn 114ha để giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án Kênh thoát nước KCN dệt may Rạng Đông tại xã Nghĩa Lợi như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin.

Về kiến nghị chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ cho các hộ di dời vật nuôi, tài sản trên diện tích đầm bãi do các hộ đã đầu tư nhiều tiền của, công sức và đã thả con giống chuẩn bị cho các kỳ tiếp theo. Con giống từ khi nuôi thả đến khi thu hoạch, thời gian mất từ 25 – 36 tháng. Hơn nữa, nếu GPMB sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích ao đầm. Ngoài ra, các hộ kiến nghị bên thi công kênh thoát nước khảo sát vị trí xây dựng kênh thì thông báo và cắm vè để các hộ dân biết từ đó có biện pháp bảo vệ con giống nuôi.

b9

Đường ống hút cát san lấp cho KCN Rạng Đông nối từ ngoài biển chạy qua thân đê của Công ty Sông Đà - Hà Nội.

b10

Biển cấm chặt phá, lấn chiếm rừng phòng hộ được đặt dọc tuyến đê biển Nghĩa Hưng.

Chính quyền xã Nghĩa Lợi cho biết, đề nghị trên là không có căn cứ. Xã đã gửi thông báo nhiều lần về chủ trương thu hồi, yêu cầu 10 hộ dân nằm trong diện tích Kênh thoát nước KCN dệt may Rạng Đông tranh thủ, khẩn trương thu dọn con nuôi, tài sản để phục vụ GPMB.

“Quá trình GPMB, thu hồi đất nếu các hộ gia đình, cá nhân cố tình không chấp hành… thì tự chịu trách nhiệm, không kiến nghị đến UBND xã và các cơ quan có thẩm quyền” – nội dung văn bản UBND xã Nghĩa Lợi trả lời đơn kiến nghị của các hộ dân.

Chính quyền xã cũng cho biết, trong quá trình ký kết hợp đồng giữa các hộ thuê đầm bãi với UBND xã chỉ thể hiện phần diện tích để nuôi ngao vạng, không có nội dung nào thể hiện việc cải tạo, đắp bờ hoặc xây dựng lều trông coi, cầu cống… Việc các hộ tự cải tạo, xây dựng công trình nhà, lều trông coi đầm bãi là do các hộ tự làm để quản lý tài sản của mình. Trách nhiệm của UBND xã là quản lý về đất đai được tỉnh tạm giao, không có thẩm quyền xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ GPMB.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng thừa nhận, nếu không có công sức, thời gian cải tạo, xây dựng…, những bãi triều ven biển sẽ chỉ là những khu hoang vu, ngập mặn, không có giá trị sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.

Trong lịch sử, Nam Định từng lập quy hoạch xây dựng, phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm tại các huyện ven biển, trong đó có huyện Nghĩa Hưng!

Trường kỳ mở đất!

Với những người nông dân ăn nằm với biển, ăn nằm với con ngao, con vạng… tại huyện Nghĩa Hưng, vùng đất bãi bồi xã Nghĩa Lợi từ những năm 1990 khu vực này là vùng đất ngập mặn hoang hoá. Hàng năm, việc xâm lấn ngấm mặn khiến các vùng trồng lúa và hoa màu trên diện rộng, việc canh tác sản xuất gặp vô cùng khó khăn.

b3

Những khu đầm bãi trù phú nối tiếp nhau tại các xã ven biẻn huyện Nghĩa Hưng.

Giai đoạn những năm 1996 – 1998, các hộ dân tự đầu tư cải tạo trên phạm vi hẹp để áp dụng nuôi thử con ngao giống, tôm, cua. Kết quả, con ngao giống rất phù hợp với nguồn nước môi trường nơi đây. Từ năm 1998- 2001, có thêm nhiều hộ tham gia cải tạo đất khai hoang phục hoá…, biến bãi triều thành khu nuôi trồng thuỷ sản trù phú như hiện tại.

Năm 2001, Nam Định có chủ trương giao đất cho các hộ gia đình qua hình thức đấu thầu, nhận khoán thầu đầu tư cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Với nguồn vốn tự có và nguồn vay từ ngân hàng, các hộ nuôi đã mạnh dạn tập trung nguồn lực, hầu hết đều “tất tay” cho đầm bãi.  

Đến năm 2009, UBND huyện Nghĩa Hưng, UBND xã Nghĩa Lợi có kế hoạch lần hai tiếp tục mở rộng diện tích đầm để bà con đấu thuê cải tạo và không thu tiền thuê đất 2 năm đầu cải tạo; năm tiếp theo thu tiền thuê 1 triệu đồng/ha/năm.

b14

Những đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản của các hộ dân xã Nghĩa Lợi đang phụ thuộc vào quyết định của chính quyền tỉnh Nam Định.

Tại Quyết định số 2896 phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (nay đã bị thay thế), UBND tỉnh Nam Định định hướng:

Phát triển kinh tế thủy sản đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng; Khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích lợi thế, tiềm năng về đất đai, mặt nước; Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hướng tới phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp gắn với việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tạo cơ chế và thủ tục đơn giản để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất; tăng cường thu hút đầu tư, cải tiến công nghệ, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển thủy sản, giảm dần tỷ lệ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Khuyến khích tích tụ đất đai để phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; Sử dụng đất đai, diện tích mặt nước theo quy hoạch.

Từ chủ trương này, người dân tin tưởng được thuê đất lâu dài để phát triển kinh tế nên đã đầu tư quy mô hệ thống đầm dèo ao nổi, cống điều tiết, kè bờ kiên cố tại các bờ xung yếu, nhà cửa lều trại, kho chứa…

Điều khiến người nuôi thuỷ sản tin tưởng hơn nữa, đó là Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt vào tháng 11/2018. Nhưng, Quyết định 2009 ban hành đang đưa tới một nguy cơ nhãn tiền không mấy sáng sủa cho những khu đầm bãi, đó là sự ngổn ngang và sự lãng phí tài nguyên đất đai khi nó chưa có mục đích sử dụng khác; người nuôi trồng thuỷ sản mất việc làm, mất kế sinh nhai!

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.