Theo Kế hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Nam Định xác định tài nguyên, môi trường biển là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh và phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững. Việc phát triển kinh tế biển theo hướng gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển kinh tế biển xanh; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Đến năm 2030, tài nguyên biển của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát; đa dạng sinh học biển, ven biển được bảo vệ, duy trì và phục hồi.
Đặc biệt, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển. Thứ tự ưu tiên số 1 của Nam Định là nuôi trồng và khai thác hải sản, tiếp đó mới đến các lĩnh vực kinh tế hàng hải; du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; khai thác các tài nguyên khoáng sản biển…
Ngoài ra, việc quan trắc, kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả ô nhiễm môi trường biển, các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương… cũng được chú trọng.
Theo ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định, việc phân vùng sử dụng không gian biển theo hướng từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các đơn vị, địa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nam Định xác định mục tiêu số 1 là sử dụng tài nguyên biển để phát triển ngành thủy sản toàn diện trên các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản. Đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 230.000 tấn, trong đó chủ yếu là nuôi trồng thủy sản đạt 170.150 tấn, khai thác thủy sản giảm còn 60.000 tấn.
Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản của Nam Định đạt hơn 187.000 tấn, trong đó khai thác đạt 58.500 tấn; nuôi trồng đạt hơn 128.700 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 5.474 tỷ đồng, chiếm 28,10% tỷ trọng cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 145.500 tấn, đạt 74,68% kế hoạch năm. Toàn tỉnh Nam Định có 1.749 tàu cá; số lượng lao động nghề cá là 5.222 người hoạt động trên ngư trường chủ yếu là khu vực vùng biển Vịnh Bắc bộ.
“Chúng tôi đã xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho ngư dân. 2 cảng cá được công bố mở và đưa vào sử dụng là Cảng cá Ninh Cơ (cảng cá loại I được Bộ NN-PTNT công bố mở cảng); Cảng cá Quần Vinh (cảng cá loại III) thuộc huyện Nghĩa Hưng đang trong giai đoạn thi công.
3 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp tỉnh gồm Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (huyện Hải Hậu); Khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (huyện Nghĩa Hưng) đã xong giai đoạn I và đưa vào sử dụng, đang chờ thực hiện xây dựng âu neo đậu số 2; Khu neo đậu tránh trú bão cửa Hà Lạn (huyện Giao Thủy) đang hoàn thiện chuẩn bị bàn giao”, ông Hà cho biết.
Đối với nhiệm vụ chống khai thác IUU, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo UBND xã, công an xã chủ trì cùng với các đồn, trạm kiểm soát Bộ đội Biên phòng rà soát các tàu cá thuộc đối tượng tàu cá “3 không”, tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, tàu hết hạn đăng kiểm, tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để đảm bảo biết rõ từng tàu, chủ tàu, vị trí neo đậu cụ thể. Các tàu cá không đủ điều kiện không được rời khỏi vị trí neo đậu và bị kiểm tra, giám sát hàng ngày. Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 từ khi tàu rời cảng đến khi tàu cập cảng.
Người đứng đầu cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương mình vi phạm khai thác IUU phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.