| Hotline: 0983.970.780

Nam Hà tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ Năm 09/12/2021 , 06:53 (GMT+7)

Về đích Nông thôn mới sau 5 năm triển khai, xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đang tập trung xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về đích nông thôn mới sau 5 năm

Nam Hà là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất cà phê và các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt khác. Năm 2011, Nam Hà bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và chỉ 5 năm sau, xã đã hoàn thành các tiêu chí để về đích.

Theo UBND xã Nam Hà, đến nay, tỷ lệ đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện đạt 85,5%. Đối với tiêu chí thủy lợi, diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu nước chủ động đạt trên 90% nên những năm qua địa bàn xã không có diện tích cây trồng bị thiệt hại do khô hạn vào mùa khô.

Xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) về đích nông thôn mới sau 5 năm xây dựng. Ảnh: Minh Hậu.

Xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) về đích nông thôn mới sau 5 năm xây dựng. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lê Đình Tưởng, cán bộ xã Nam Hà chia sẻ, hiện tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ 1,2%. Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, xã hiện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với sản phẩm chủ lực. Nam Hà hiện có các hợp tác xã hoạt động liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó có mô hình liên kết từ khâu sản xuất gắn đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cây trồng chủ lực của Nam Hà hiện nay là cà phê và hiện có 5 mô hình sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra còn có 150 mô hình rau, hoa ứng dụng công nghệ tưới nước tự động, 51 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà kính và nhà lưới với tổng diện tích 14,5ha.      

Năm 2011, tổng giá trị sản phẩm xã hội của địa phương này đạt 296 tỷ đồng, đến năm 2015 đã đạt trên 500 tỷ đồng, tức gấp 1,7 lần so với 2011.

Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", chính quyền xã Nam Hà đã vận động nhân dân đóng góp trên 15 tỷ đồng và hiến 65.000m2 đất để thực hiện bê tông hóa 30,6km đường giao thông nông thôn. Đồng thời xây dựng 473 đèn chiếu sáng, làm 5km đường hoa nội thôn.

Trong thời gian qua, để phát triển sản xuất, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình ghép cải tạo và tái canh cà phê để nâng cao hiệu quả. Kể từ năm 2011 đến nay, xã Nam Hà đã ghép cải tạo, tái canh trên 400 ha cà phê, chuyển đổi trồng rau, hoa ngoài trời khoảng 40ha, rau hoa nhà kính 12,2ha và phát triển 40ha cây ăn trái các loại.

Xã Nam Hà tập trung xây dựng các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Ảnh: Minh Hậu.

Xã Nam Hà tập trung xây dựng các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Ảnh: Minh Hậu.

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Nam Hà ngày càng được phát triển. Người dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Do đó, việc sản xuất nông nghiệp được cải thiện về năng suất, chất lượng và giá trị nông sản được nâng cao.

Phấn đấu năm 2022 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ông Lê Đình Tưởng, cán bộ phụ trách Chương trình Nông thôn mới xã Nam Hà chia sẻ, Nam Hà đăng ký xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 và về đích năm 2016. Hiện nay, xã muốn nâng cao các tiêu chí nên đã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao. "Chúng tôi muốn đạt các tiêu chí ở tầm cao mới, ví dụ như: Cơ sở hạ tầng muốn hoàn thiện hơn; chất lượng về y tế thì muốn người dân tham gia bảo hiểm đạt mức cao hơn".

Theo ông Lê Đình Tưởng, để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện nay, chính quyền xã Nam Hà đang tập trung thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, địa phương này sẽ xây dựng Trường Mẫu giáo Nam Hà và Trường Tiểu học Hai Bà Trưng để đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Sau khi hoàn thiện, địa phương sẽ có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ 100%.

Ngoài phát triển cây cà phê, xã Nam Hà khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Ngoài phát triển cây cà phê, xã Nam Hà khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với tiêu chí thu nhập, xã Nam Hà phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Đồng thời vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế với tỷ lệ trên 90%.

Chính quyền xã Nam Hà cũng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất. Đặc biệt phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia liên kết sản xuất để hình thành các chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.  "Chúng tôi tập trung xây dựng để đến cuối năm 2022 trở thành xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao", ông Lê Đình Tưởng thổ lộ.

"Tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang là tiêu chí khó khăn nhất của xã. Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế được tổ chức thường xuyên nhưng do quá trình khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn rườm rà về thủ tục nên người dân không tham gia.

Ngoài ra, các gói thầu thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế cung ứng chưa đầy đủ và kịp thời nên người dân khám bệnh không có đủ thuốc", ông Lê Đình Tưởng thổ lộ và cho biết thêm, tiêu chí bảo hiểm y tế được xem như tiêu chí cuối cùng để vươn lên xã nông thôn mới nâng cao nên chính quyền xã Nam Hà sẽ tập trung thực hiện.   

Năm 2011, trước khi thực hiện chương trình nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở xã Nam Hà đạt khoảng 26 triệu đồng/người/năm và đến 2015 đã tăng lên 43 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, xã Nam Hà đang phấn đấu để đến cuối năm 2022, mức thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đạt trên 58 triệu đồng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.