| Hotline: 0983.970.780

Nằm nghỉ dưỡng tại Phú Quốc vẫn quản lý trang trại ở Thanh Oai

Thứ Năm 27/10/2022 , 08:24 (GMT+7)

Trang trại được quản trị nghiêm ngặt, mất điện là có cảnh báo tự động vào điện thoại, khi xuất bán thương lái chỉ chọn qua zalo, ưng con nào thì chủ sẽ vào bắt.

Những ngày gian khó

Ngày ấy, cánh đồng Lai Ngảy, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cứ động mưa là lúa mất hết bởi địa hình rất trũng nên dân chán, bỏ hoang suốt. Năm 2013 cán bộ xã, thôn họp lên họp xuống, họp đêm họp ngày để thuyết phục dân chuyển đổi chăn nuôi xa khu dân cư nhưng nhiều người không muốn ra Lai Ngảy bởi cách làng 2 km, đồng không mông quạnh.

Ai chuyển đổi thì đăng ký, rồi gắp phiếu chia ruộng. Có mấy chục hộ ra, lúc đầu họ chỉ múc đất lên trồng quấy quá vài cái cây, chăn vài chục con vịt. Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuyên, chị Nguyễn Thị Khuyên là hộ đầu tiên mở trang trại gà đẻ trên diện tích vừa ruộng nhà vừa mua tổng cộng được 1 mẫu, lúc đầu họ chăn 5.000 con. Năm 2008 ngập lụt hết cả đường đi, lối lại, kè cọc, dựng các bao tải cát, đắp thành đê, đặt máy bơm để cứu gà. Sau đó họ mở thêm trại 5.000 con gà nữa và 2 trại lợn gồm đàn nái 20 con và thương phẩm lúc nào cũng khoảng 200-300 con. Làm ăn được, nhưng cũng có lúc đàn gà bị dính dịch cúm gia cầm do hồi ấy chưa có vắc xin, chết mỗi ngày mấy trăm con, họ nhìn mà xót chảy cả nước mắt vì tiếc công chăm, tiếc tình cảm gắn bó với con vật đã bao nhiêu tháng ngày.

Dần dần, dân thấy xu thế chăn nuôi phát triển nên mới tham gia mỗi lúc một đông. Ra ngoài này, họ tự đầu tư hết, từ đường ngõ, hỏng đâu tu sửa đấy, dựng cột điện, kéo dây ra, gặp những cơn bão xô đổ phải làm lại 3-4 lần.

Empty

Vợ chồng anh Tuyên đang thu hoạch trứng gà. Ảnh: NNVN.

“Khi chúng tôi làm ăn quy mô, mở rộng sản xuất dần nhưng xã, thôn không cho nên toàn phải làm chui, làm lủi. Trong khi đó, trước đây đã họp lên họp xuống bàn chuyện chuyển đổi nhưng nay bảo chưa có quy hoạch, bảo là dân tự phát”. Anh Tuyên than thở.

Họ lấy nhau khi anh hơn 20 tuổi, chị mới vừa 18. Trải qua bao vất vả, lăn lộn đủ thứ nghề như thầu ao, thầu lúa, hàng xáo, bơm nước thuê, thợ đấu, đốt gạch, cai thầu thợ đất, cai thầu làm đường, chăn vịt, nuôi lợn kiểu tận dụng cuốn cám đốt trấu…mãi rồi anh mới kết một nghề là nuôi gà đẻ: “Chăn gà đẻ thích ở chỗ lãi hay lỗ là biết luôn, hạch toán từng ngày bán trứng là rõ”.

Ngót 20 năm sổ đỏ không bao giờ được cất trong nhà mà anh toàn mang ra để mà thế chấp. Thế rồi anh chị biết đến Quỹ khuyến nông của thành phố Hà Nội, được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai tạo điều kiện, hướng dẫn về thủ tục cho vay lần đầu 450 triệu, lần sau 400 triệu. Không chỉ có thế, cán bộ khuyến nông còn sát cánh với anh chị trong việc tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cũng như thị trường...  

Empty

Tiêm vắc xin cho gà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lợn, gà giờ đều ở sướng có khi còn hơn cả người, trong phòng lạnh, ăn thức ăn ngon rồi chỉ nằm đẻ, không phải ra nắng, ra gió. Bởi thế những lúc mất điện, dù đã chuẩn bị tới 2 máy nổ nhưng chẳng may cả 2 cái đều hỏng, anh chị phải tháo hết tấm vải bạt che xung quanh chuồng ra cho gà dễ thở. Trong lúc gọi thợ gấp cứu máy thì vợ chồng họ lo cấp cứu cho gà bằng đeo bình phun nước đá làm mát.

Từ đầu năm tới giờ anh Tuyên bảo giá trứng ngàn năm có một, do nhiều trại gà thời Covid 19 không bán được trứng, giá có lúc xuống chỉ còn 700đ/quả, đã bỏ gần hết. Lúc ấy gia đình anh chị trứng xếp thành một kho, không còn chỗ, trứng đầy trong sàn tới tận chân gà, không có khay mà chứa nữa. “Vay nóng”, “vay nguội” khắp nơi để duy trì đàn, đợi khi bán xong trứng mới bù được phần nào tiền cám bã. Buồn, lo nhưng họ vẫn phải động viên lẫn nhau và động viên chính mình rằng “khổ tận cam lai”. Và quả là ông trời thương, gần 1 năm nay giá 2.900-3.000đ/quả, trong khi giá hòa vốn là 1.800đ/quả anh chị cứ thu lãi tơi tới.  

“Hiện nay vắc xin, thuốc bổ, thuốc trợ lực có đầy đủ nên gà cũng đỡ bệnh. Chăn nuôi tốt, tỷ lệ gà đẻ được 90%, tương đương 1 vạn được 9.000 quả, trung bình chúng tôi thu lãi khoảng 10-12 triệu/ngày, trên 300 triệu/tháng. Nuôi gà sợ nhất là “nổ cúm” H9, H5, H6, lúc ấy chỉ còn cách đóng tải đào hố chôn. Nuôi lợn thì chỉ sợ mỗi “thằng dịch tả Châu Phi” vẫn rình rập ở bên ngoài. Những trại nào chẳng may dính thì chủ dễ bị lợn “gặm” hết cả sổ đỏ.

Bởi thế tôi đề phòng rất nghiêm ngặt, khi xuất bán thương lái cũng không được vào mà xem qua zalo, ưng rồi thì chủ sẽ vào bắt, lùa lợn ra ở phía đầu quạt để thổi không khí đi, còn đằng giàn mát hút vào thì là điều cấm kị. Giá lợn hiện được 66.000đ/kg, nếu phải mua lợn con thì chẳng lãi được bao nhiêu nhưng tôi tự nuôi nái, tự để giống nên giá thành chỉ khoảng 55.000đ/kg. Nuôi gối nên cứ mỗi tháng chúng tôi bán 40-50 con, mỗi con cũng lãi được 2-3 triệu.

Empty

Trải qua nhiều nghề nhưng anh Tuyên thích nhất là chăn nuôi gà đẻ. Ảnh: NNVN.

Nghe tiếng lợn ngáy là thấy vui

Hễ mất điện là có cảnh báo tự động vào 2 điện thoại của vợ lẫn chồng, đề phòng ai đó bận chưa xem được. Trong 10 ngày úm gà con, đêm họ phải dậy 2-3 lần, chập tối nóng thì bật quạt nhưng nửa đêm lạnh phải tắt quạt, tăng cường bóng sưởi rồi thì nhỏ cầu trùng, tiêm phòng cúm các loại. Lợn khi sắp đẻ, thấy hiện tượng trở dạ thì cắt cử nhau trông, phải thức mà đỡ. Gặp con đẻ dễ còn nhàn chứ đẻ quay ngang hay con to phải quỳ xuống sàn mà đỡ, thậm chí phải móc.

Bàn tay chị Khuyên nhỏ nên mới làm được việc đó. Trước khi thao tác, chị tháo nhẫn ra, sát trùng tay rồi bôi gel cho trơn, thò vào mà móc, ngập đến tận bả vai: “Lúc lợn mẹ rặn nó cong đuôi lên, co chân, co thân lại, tôi liền quỳ xuống, mặt áp sát vào đít nó, chờ rặn rồi thò tay vào mà lôi con theo từng nhịp, nương theo lực đẩy của mẹ mà kéo ra. Mỏi rã rời cả tay nhưng không làm thế thì chết cả mẹ lẫn con.

Có những con lợn mẹ đẻ lâu gặp thời tiết nóng phải tiếp nước của người, 4 chai 2 mặn, 2 ngọt. Gặp những con lợn mẹ đẻ tới 18-20 con trong khi chỉ có 14-16 vú thì phải cho ăn sữa ngoài qua bình như trẻ con. Đẻ xong, mẹ khỏe, con khỏe là thấy mừng, mình phải bẻ nanh, bấm đuôi để khỏi cắn nhau đồng thời nhỏ kháng thể; 3 ngày sau nhỏ cầu trùng, tiêm sắt; 7 ngày sau tiêm phòng suyễn…

Khi lợn mẹ tắc sữa phải chườm khăn ấm với nước lá trầu không mà mát xa, nắn bóp cho 14-16 bầu vú, còn lợn con đề phòng đi ỉa, sốt, ho nên trong nhà bao giờ cũng có tủ thuốc. Trước khi đi ngủ còn vào kiểm tra lợn con, xem để biết được nhiệt độ mà điều chỉnh. Đêm một con lợn ho, dù không muốn cũng phải lọ mọ dậy mà tiêm nếu không thì cả đàn sẽ bị nhiễm, lây rất nhanh”.

Empty

Đàn lợn con đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Làm nông vất vả, có lúc lên bờ xuống ruộng vì giá cả, dịch bệnh nhưng trên hết là niềm vui vô bờ bến. “Vào chuồng gà mà lấy trứng, thấy đẹp như trong tranh, sờ vào thấy nùng nục như những củ khoai tây loại một là thích. Vào chuồng lợn thấy chúng ăn khỏe, ngủ khỏe, da dẻ hồng hào, nghe tiếng ngáy pho pho là mê. Nhiều lúc lên giường rồi tôi vẫn bật camera để xem, xem lợn nằm xếp hàng ngủ, con nọ vắt chân lên con kia chưa đủ tôi phải mở micro lên để nghe tiếng chúng ngáy nữa.

Còn gà thì phải nằm mỗi con một chỗ, giang cánh, giang chân với nhau mới là tốt. Những lúc ấy chỉ muốn nhìn ngắm mãi chúng mà không biết chán. Bao nhiêu năm gắn bó với vật nuôi, đợt hai vợ chồng tôi dứt ra, đi nghỉ mát ở Phú Quốc mà vẫn thường xuyên bật camera lên để xem, để nghe tiếng lợn ngáy, và đêm đêm vẫn tỉnh giấc lúc 1 giờ sáng và 3 giờ sáng theo đúng lịch kiểm tra ở nhà”. Chị Khuyên chia sẻ thật lòng.

“Tại sao người ta chăn gà nhiều gia đình toàn vỡ nợ? Là bởi họ làm quá lớn, rồi chỉ đạo toàn những thứ ở trên mây, còn chúng tôi trực tiếp chăn, trực tiếp giám sát nên không bỏ qua bất cứ biểu hiện bất thường nào của gà”, chị Nguyễn Thị Khuyên.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.