Đó là cách làm của anh Huỳnh Ngọc Linh ở khóm 3, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.
Nấm rơm trong nhà cho năng suất cao và ổn định |
Đầu năm 2016, anh Linh được người bạn giới thiệu đến một số nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng, xử lý nấm rơm trong nhà kính và kỹ thuật ủ rơm, cấy meo.
Mô hình trồng nấm rơm trong nhà được anh Linh thiết kế với 2 nhà kính, diện tích 250m2, tổng chi phí khoảng 30 triệu đồng, gồm mái che, mô tơ bơm nước, hệ thống máy phun sương, nhiệt kế…
Anh Huỳnh Ngọc Linh cho biết: “Trồng nấm rơm trong nhà có nhiều lợi thế như không chế được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và khi thời tiết mùa mưa cũng không sợ mất năng suất và phẩm chất của nấm. Mỗi tháng có thể thu lãi từ 7 - 8 triệu đồng”.
Bình quân mỗi bánh (bó) rơm khô 17kg được mua lại của thương lái với giá 23.000 - 25.000 đồng. Sau khi ủ và đóng thành bánh nặng khoảng 25kg. Chất những bánh nấm rơm trên kệ phân thành 3 tầng. Rơm khô ủ chín từ 8 - 10 ngày sẽ được cấy meo nấm. 10 - 12 ngày sau là có thể thu hoạch suốt trong nửa tháng. Năng suất mỗi bánh nấm rơm dao động từ 2 - 2,5kg nấm tươi. Giá thị trường thu mua từ 70.000 - 90.000 đồng/kg (nấm loại I) và 50.000 - 60.000 đồng/kg (nấm loại II).
Anh Linh cho biết thêm: “Khó nhất trong trồng nấm rơm trong nhà là cân đối nhiệt độ, độ ẩm vì thường buổi trưa sẽ dư nhiệt và ban đêm sẽ thiếu nhiệt độ nên phải cân đối bằng cách tưới nước, tạo sự thoát khí vào buổi trưa và thắp đèn vào ban đêm để không làm giảm năng suất”.
Song song đó, anh Linh còn tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu lượng nấm rơm làm ra cho 4 hộ thanh niên khác trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng anh bao tiêu cho các hộ với số lượng từ 500 - 600kg, đảm bảo lượng nấm được cung ứng ra thị trường một cách thường xuyên.
Anh Nguyễn Chí Khanh, Phó Bí thư huyện đoàn Tam Nông cho biết, mô hình trồng nấm rơm của anh Linh có thể nhân rộng trong đối tượng đoàn viên thanh niên. Đây là mô hình khởi nghiệp được huyện đoàn hỗ trợ cho vay vốn 20 triệu đồng. Đoàn viên khác có thể tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình này.