| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung Bộ chìm trong biển nước

Thứ Ba 02/11/2010 , 08:53 (GMT+7)

Ngày hôm qua (1/11) mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

* 7 người chết và mất tích

Ngày hôm qua (1/11) mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Khánh Hoà: Lở đất, 2 người thoát chết trong gang tấc

Trong ngày 1/11 tại Khánh Hoà tiếp tục có mưa rất to đặc biệt là tại TP Nha Trang, huyện Cam Lâm và TX Cam Ranh. Mưa lớn đã khiến cho nước sông tại Khánh Hoà tiếp tục lên lại và gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Tại TP Nha Trang đã có nhiều phố ngập sâu trong nước lũ. Chiều tối qua,  nước vẫn chưa rút khiến giao thông bị ngưng trệ. Tuyến tỉnh lộ đi huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn cũng bị chia cắt.

Đặc biệt, vào khoảng 12 giờ ngày 1/11, tại Trường ĐH Nha Trang đã xảy ra một vụ lở đất đá kinh hoàng, hàng trăm m3 đất đá từ trên quả đồi cao đổ ập xuống đường Tôn Thất Tùng, rất may do lúc này trời đang mưa lớn nên ít người qua lại, tuy nhiên lúc đất đá đang bị lở thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thái, sinh năm 1969 trú ở 35B Nguyễn Biểu vừa đi xe máy tới. Nhờ nhanh chân, người chồng thoát nạn, còn chị Thái bị thương nhẹ ở phần đầu và đang được cấp cứu ở BVĐK tỉnh Khánh Hoà. UBND TP Nha Trang đã điều động máy xúc đến dọn hiện trường.

Tính đến cuối ngày 1/11, mưa lũ tại Khánh Hoà đã khiến 3 người chết (NNVN đã phản ánh) và 1 người bị mất tích là ông Nguyễn Văn Quế, sinh năm 1953 tại xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, trong lúc bơi thuyền vượt sông Cái sang thăm con đã bị lật thuyền, sóng đánh mất tích. Ngoài ra mưa lớn làm cho 47 ngôi nhà bị sập đổ, lúa bị ngập 488ha, 40 ha hoa màu bị hư hại, 80ha nuôi trồng thuỷ sản của người dân TX Cam Ranh và huyện Cam Lâm bị mất trắng (ước thiệt hại riêng về thuỷ sản là 15 tỷ đồng, khối lượng đất đá bị bồi lấp, sạt lở lên tới 2.300m3…).

Ông Trần Huy Liên, Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hoà cho hay: Do mưa lớn, để đảm bảo cho các công trình thuỷ lợi nên Cty đã buộc phải xả lũ, cụ thể như hồ Suối Dầu xả với lưu lượng 180m3/giây, hồ Cam Ranh là 170m3/giây, ngoài ra các hồ Am Chúa, Láng Nhớt đều phải xả lũ. Ông Liên cũng cho biết, mưa lũ đã tàn phá nặng nề nhiều đoạn kênh chính Nam của hồ chứa nước Cam Ranh.

Ninh Thuận: Cứu hộ khẩn cấp tuyến ngăn lũ TP Phan Rang - Tháp Chàm

Trong khi đó, tại Ninh Thuận mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng (lượng mưa phổ biến từ 300 – 450mm) khiến nước lũ trên sông Dinh và sông Lu đều vượt báo động III từ 1 – 2m, nước lũ dâng cao đã khiến hầu hết các địa phương của tỉnh bị ngập nặng. Theo BCH PCLB tỉnh Ninh Thuận, đến chiều qua, nhiều tuyến giao thông vẫn chìm trong biển nước. Quốc lộ 27 đi Lâm Đồng bị tê liệt hoàn toàn; giao thông trên quốc lộ 1A qua huyện Ninh Phước, Thuận Bắc nhiều đoạn ngập sâu từ 0,5 – 1m. Đề phòng chết người, cảnh sát giao thông tỉnh đã phải lập chốt không cho các phương tiện qua lại.

Đặc biệt nghiêm trọng là hồ Phước Trung, huyện Bác Ái đang thi công đã bị vỡ, nước lũ làm cho nhiều tuyến đường bị sạt lở lớn. Riêng tuyến đường sắt tại km 1382+500 – km 1383 bị nước lũ cuốn trôi vai đường sắt phía hạ lưu sâu 0,5m, rộng 0,8m.

 Trong những ngày qua, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn với 1.000 chiến sĩ quân đội và công an cùng hàng chục xuồng máy, 20 ôtô cứu hộ di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm. Đến 19h chiều qua, tỉnh đã di dời được 3.164 hộ với 12.656 nhân khẩu bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Đường sắt Bắc Nam qua Khánh Hoà lại tê liệt

Trao đổi với NNVN lúc 17 giờ ngày 1/11, ông Nguyễn Văn Luân, Giám đốc Cty Đường Sắt Phú Khánh cho biết: Tuyến đường sắt phía Nam từ Nha Trang đi Sài gòn đã bị nước lũ nhấn chìm từ đêm 31/10 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rút. Đặc biệt tại Km 1363 – 1364 chạy qua địa phận TX Cam Ranh, đường sắt đã bị ngập sâu hơn 1m nên chưa đánh giá được mức độ thiệt hại. Bên cạnh đó, tại km 1344 qua địa bàn xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hoà), nước lũ đã làm đường sắt bị xói lở nghiêm trọng.

Về thiệt hại, đã có 2 người ở xã Phước Hải và An Hải, huyện Ninh Phước bị nước lũ cuốn trôi (hiện vẫn chưa tìm thấy xác); trên 60 ngôi nhà bị đổ sập, 1.137 căn nhà bị ngập trong nước lũ, riêng các hộ dân bị ngập sống dọc theo tuyến sông Dinh và sông Lu không thể thống kê được. Đã có 8.036ha cây trồng các loại ngập sâu, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 8 chiếc thuyền bị chìm, gần 70ha thuỷ sản bị mất trắng…

Đặc biệt do nước lũ sông Dinh lên cao,  phía thượng nguồn nước lại đổ về mỗi lúc một nhiều, tuyến đê sông Dinh ngăn lũ cho TP Phan Rang - Tháp Chàm đang đứng trước nguy cơ bị vỡ và nước tràn vào nội thị.  Trước tình hình nguy cấp này, BCH PCLB tỉnh Ninh Thuận đã chuẩn bị gần 40.000 bao tải và 3.000m3 cát để be bờ đê, đồng thời huy động các lực lượng vũ trang, bộ đội đặc công Quân khu V, thanh niên xung kích và hàng chục ngàn dân ở các địa phương tập trung mọi nguồn lực cho việc hộ đê sông Dinh

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Cty thuỷ lợi Ninh Thuận cho hay, hiện nay lượng nước về các hồ thuỷ lợi rất lớn, nếu như hồ chứa nước Sông Trâu (dung tích thiết kế trên 31 triệu m3) ngày 30/10 mới tích được hơn chục triệu m3 nước, thì đến chiều ngày 31/10 đã phải xả lũ với tần suất là 150m3/ giây và đến 11giờ ngày 1/11 đã phải xả toàn bộ 2 cửa xả đáy với lưu lượng 300m3/giây. Bên cạnh đó, các hồ thuỷ lợi khác hiện nay lưu lượng nước về cũng rất lớn buộc phải xả lũ như hồ Tân giang xả 300m3/giây, hồ Sông Sắt trên 200m3/giây…còn các hồ thuỷ lợi nhỏ hiện nay nước tiếp tục qua tràn tự do…

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.