| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ đối mặt nguy cơ cháy rừng

Thứ Sáu 07/03/2014 , 13:52 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài liên tục khiến cho những cánh rừng khô khốc, chỉ cần một sơ suất có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Năm 2014, mùa khô đến sớm và khốc liệt hơn những năm trước đã khiến cho những cánh rừng tại Khánh Hòa có nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, công tác PCCCR cũng được các ngành, các chủ rừng gấp rút chuẩn bị.

Ông Nguyễn Công Hà, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Ninh Hòa cho biết: Mặc dù mấy năm qua diện tích rừng do Ban quản lý không xảy ra vụ cháy nào nhưng chúng tôi không hề chủ quan bởi mấy tháng qua hầu như không có mưa, rừng khô khốc, lớp thực bì dày nên nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là khoảng 300ha rừng căm xe tại xã Ninh Tây và 2.600ha rừng trồng trong tổng số 35.000ha rừng mà Ban đang quản lý, bảo vệ.

Trước thực trạng này, BQL Rừng phòng hộ Ninh Hòa tiến hành nhiều biện pháp PCCR, thành lập ban chỉ đạo và 6 tổ PCCR ở 5 xã đồng thời thành lập 1 tổ cơ động để ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Ngoài ra, theo ông Hà, Ban đã tiến hành làm đường băng cản lửa được 15km và dự kiến đến cuối giữa tháng 3 sẽ làm thêm 6km nữa, song song với đó là tuyên truyền, đến từng hộ dân ký cam kết khi đốt nương thì phải thông báo cho chủ rừng và phải đốt theo đúng kỹ thuật, đốt vào buổi sáng để lửa không lan vào rừng, trực liên tục tại các điểm nóng có nguy cơ cháy cao…

Tại tỉnh Ninh Thuận, khác với mọi năm, thời điểm này trên địa bàn tỉnh thi thoảng xuất hiện những trận mưa dông làm dịu mát bầu không khí nóng bức và đặc biệt làm giảm nguy cơ cháy rừng đáng kể. Thế nhưng năm nay, mùa khô thật khốc liệt, đã 3 tháng nay Ninh Thuận không có mưa khiến cho những cánh rừng khô khốc, nguy cơ cháy rừng tăng lên cấp IV, cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Theo quốc lộ 27, chúng tôi ngược lên huyện Ninh Sơn, mới buổi sáng mà không khí đã ngột ngạt, hai bên đường cây rừng đã rụng hết lá, xa xa từng đám khói nghi ngút bốc lên.

Anh Lê Quang Dụng, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn lo lắng: Những đám khói đó là do bà con đốt nương để mưa xuống gieo trồng đậu bắp đấy. Thời tiết hanh khô cùng gió thổi mạnh chỉ cần một sơ suất nhỏ là cháy lan vào rừng ngay, do vậy nguy cơ cháy rừng luôn thường trực đặc biệt là những diện tích rừng khộp. Thực tế, từ đầu năm đến nay đã xảy ra mấy điểm cháy rừng do Cty quản lý, nguyên nhân là bà con đốt nương làm rẫy để lửa lan vào rừng, rất may lực lượng chữa cháy rừng của địa phương và Cty có mặt kịp thời dập tắt.

Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn đang quản lý, bảo vệ 27.932ha rừng tự nhiên tại 2 xã Hòa Sơn và Ma Nới, trong đó diện tích rừng khộp lên tới 14.000ha, đây là loại rừng rất dễ xảy ra cháy do cây rừng rụng lá trong mùa khô.

15-49-02_dot-nuong-lam-ray-nguy-co-chay-rung
Đốt nương làm rẫy, nguyên nhân chính khiến rừng Ninh Thuận bị cháy

Anh Dụng cho biết: Mới bước vào cao điểm mùa khô, thời gian khô nóng còn kéo dài đến tận tháng 5, do vậy công tác PCCCR còn rất dài. Khác với nhiều địa phương, công tác phòng chống cháy rừng tại Ninh Sơn gặp rất nhiều khó khăn do nương rẫy của đồng bào dân tộc Raglai xen lẫn trong rừng rất nhiều, trong khi đó cứ vào mùa khô bà con lại đốt nương chờ mưa xuống để gieo trồng các loại cây lương thực.

Anh Dụng cho biết: Công tác phòng chống cháy rừng luôn được Cty thực hiện triệt để, ngay từ đầu mùa khô Cty đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ huy PCCCR các xã và các tổ tại 10 thôn bản, mỗi tổ 50 người, luôn có 5 – 7 người túc trực 24/24.

Song song với đó là tổ chức tuyên truyền vận động người dân ký cam kết khi đốt nương làm rẫy phải gom thành đống, đốt vào đêm khuya hoặc sáng sớm và có người canh trực để không cho cháy lan vào rừng, không để ngọn lửa cháy cao quá 2m.

Ông Phạm Cao Đảm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận cho biết: Toàn tỉnh có trên 148.000ha rừng tại 37 xã trong đó đa số là rừng khộp, do đặc điểm rừng khộp thay lá vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng.

 Tuy nhiên theo ông Đảm thì nguy cơ cháy rừng lớn nhất đó là ý thức của con người. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, từ năm 2008 đến nay trên 90% vụ cháy rừng đều xuất phát từ người dân đốt nương làm rẫy. Năm nay cũng vậy, đến thời điểm này tại Ninh Thuận đã xảy 73 điểm cháy rừng, trong đó có 6 vụ cháy rừng gây thiệt hại 3ha tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Bắc, các vụ cháy này chủ yếu do bà con đốt nương làm rẫy cháy lan vào rừng.

Ông Đảm cho biết: Chúng tôi đã xác định nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn có thể bùng phát trong mùa khô, do vậy ngoài triển khai công tác PCCCR ngay từ đầu mùa khô như thành lập các tổ đội chuyên trách PCCCR tại các điểm nóng, các chủ rừng còn tiến hành phát dọn thực bì làm đường ranh cản lửa tại các điểm nóng được 33,6ha, đốt trước có điều khiển, có kiểm soát 135ha tại những điểm có nguy cơ cháy cao, bố trí 52 điểm trực ngoài thực địa.

Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận đã tổ chức 3 đợt diễn tập chữa cháy rừng theo từng tình huống giả định nhằm giúp lực lượng các đơn vị nắm bắt và xử lý tốt việc PCCCR. Tổ chức tuyên truyền công tác PCCCR tại 115 điểm họp dân, đồng thời thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh, tổ chức ký cam kết cho trên gần 700 hộ đồng bào khi đốt dọn rẫy không để cháy lan vào rừng…

 

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).