| Hotline: 0983.970.780

Nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt: Giống giả và cạnh tranh bán gạo hạ giá

Thứ Hai 02/12/2019 , 09:04 (GMT+7)

Ở vựa lúa ĐBSCL thời “trồng lúa bán gạo”, doanh nghiệp - thương lái - nông dân tham gia chuỗi sản xuất nhanh nhạy chuyển đổi theo nhu cầu thị trường.

11-15-37-nong-dn-chon-giong-lu-dung-theo-dn-sn-xut-v-di-ly-co-uy-tin-bn-giong-nh-lhv140534241
Nông dân chọn giống lúa đúng theo DN sản xuất và đại lý có uy tín bán giống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên trở ngại lớn nhất trên con đường nâng cao thương hiệu gạo Việt không những vấn nạn giống giả mà còn cạnh tranh bán gạo hạ giá tự giẫm đạp nhau.
 

"Anh hùng" lâm trận

Những năm gần đây, ở miền Tây Nam bộ nổi lên nhiều giống lúa mới bắt nhịp xu hướng tiêu dùng gạo ngon, cơm thơm chất lượng hàng đầu. Đó là các giống lúa Jasmine 85, RVT, OM4900, OM55451, Lúa DH1, Đài Thơm 8… có diện tích trải dài rộng lớn hàng trăm ngàn héc ta, tạo sản lượng lúa gạo hàng hóa đủ lớn hàng chục triệu tấn đáp ứng theo yêu cầu khách đặt hàng xuất khẩu.

Nhưng cho dù có tiếng tăm vang dội như anh hùng (theo cách nói của nhà nông) - một giống lúa mới vừa nổi lên chưa kịp định hình vùng sản xuất ổn định lại bị hàm oan, tai tiếng chỉ vì cách làm ăn gian dối, tráo trở của gian thương.

Hậu quả gây ra thật tai hại, khiến tên tuổi một số giống lúa mới mau chóng suy tàn. Bởi lúa giống giả hiệu chỉ trồng qua một vụ đã bộc phát sâu bệnh, sụt giảm năng suất, chất lượng hạt gạo kém. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị mất dần khách hàng, dẫn đến hệ lụy vùng trồng giống lúa mới bị thu hẹp, teo tóp dần. Vì sao như vậy?

Các nhà khoa học chuyên ngành về cây lúa đã từng phân tích, khuyến cáo: Chính vì mua bán giống giả còn tồn tại và một số địa phương nông dân lấy lúa thịt làm giống đã đẩy nhanh mức độ thoái hóa giống.

Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh nông dân nhạy bén biết nhận ra ưu điểm và lợi ích sử dụng lúa giống cấp xác nhận từ công ty sản xuất giống chính gốc có thương hiệu uy tín, hiện vẫn còn thực trạng tồn tại cảnh mua bán giống dưới dạng núp bóng “trao đổi” giống giá rẻ, giống như dịch bệnh len lỏi khắp vùng nông thôn.

Thực tại đại đa số nông dân ở ĐBSCL sản xuất lúa hàng hóa gắn chặt đầu ra với thị trường gạo nội địa và DN xuất khẩu thông qua thương lái đến đặt hàng nông dân tận ruộng. Mô hình liên kết xây dựng cánh đồng lớn DN tham gia cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra chứng minh có hiệu ứng tốt.

Trong đó riêng khâu cung cấp giống lúa từ đầu vụ được mua từ công ty sản xuất chính gốc cho thấy an tâm trong canh tác, lúa ít sâu bệnh, năng suất cao và đảm bảo chất lượng hạt gạo đầu ra. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương thương lái thu mua lúa đảm nhiệm luôn khâu bán giống trực tiếp cho nông dân.

Với thương lái làm ăn chân thật nông dân an tâm. Song, có trường hợp thương lái hám lợi, chỉ vì giống giả giá rẻ cung cấp bán cho nông dân ghi nợ và gài theo lời hứa bao tiêu. Một số nông dân và gian thương không cần biết rằng đó là một trong những cách hủy hoại danh tiếng nhiều giống lúa tốt có phẩm chất gạo ngon trên thị trường vừa qua.
 

Nhà sản xuất giống kêu trời

Ông Bùi Quang Sơn, Giám đốc công ty TNHH Vinarice, thành viên Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed), là người đồng hành đưa nhiều giống lúa thuần chất lượng ngon cơm về vùng ĐBSCL.

Ông kể những giống mới luôn được nông dân miền Tây háo hức đón nhận, nhất là gạo trắng thơm ngon đang được thị trường tiêu thụ mạnh tại các chợ gạo nội địa và nhất là nơi đâu cũng có thương lái và DN thu mua chế biến xuất khẩu.

Ông còn nhớ cách đây 4 năm, qua nhiều vụ lúa trong những năm 2014-2015 giống lúa RVT sớm nổi tiếng và có hành trình đáng nhớ. Khắp các vùng đất lợ và nhiễm mặn ít ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và một phần Hậu Giang, Gò Công (Tiền Giang)… đi đến đâu cũng thấy lúa RVT trên đồng.

Nhu cầu giống RVT lúc đó tăng lên tới 7.000 tấn/năm. RVT hấp dẫn do tính thích nghi mùa vụ ĐX sớm và HT. Dạng hình hạt gạo thon nhỏ, cơm thơm nhẹ nên rất được thị trường ưa chuộng, cả Trung Quốc cũng nhập khẩu rất mạnh.

Hiện nay mặc dù diện tích canh tác lúa RVT vẫn còn duy trì và nhu cầu thị trường còn lớn nhưng lúa giống Vinarice bán ra giảm còn 3.000-4.000 tấn/năm. Đó là hệ lụy nạn giống giả kém chất lượng đựng trong hàng “bao trắng” qua mặt cơ quan thanh tra địa phương dưới hình thức bán lúa thịt (lương thực), ước lượng giống giả chiếm tới 80-85%.

Các đối tượng vi phạm có thể nhận diện qua một số cơ sở sản xuất giống ở địa phương, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, có cả một số công ty nông dược, thương lái gạo cũng tham gia sản xuất, kinh doanh giống.

Nhà nhà đua nhau làm giống, bán giống dù họ không có đủ điều kiện, chức năng, bất chấp vi phạm bản quyền tác giả. Cuối cùng hậu quả nông dân lãnh đủ vì sâu bệnh tấn công, lúa cháy rầy, thất bát. Tuy vậy, bài học vẫn mới nguyên tiếp tục lặp lại với giống lúa mới Đài Thơm 8 – bản quyền của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam.

13-52-20_ngnh_chuc_nng_bt_lo_sn_xut_lu_giong_gi_ti_tp_cn_tho_-_nh_le_hong_vu_2
Bắt giữ lô lúa giống giả tại Cần Thơ.

Cùng cảnh ngộ như RVT, sau nhiều năm diện tích canh tác lúa Đài Thơm 8 tăng nhanh và lấn mạnh sang vùng lúa Jasmine 85 trước đây ở các tỉnh ĐBSCL. Nông dân “mê” giống lúa này là do phẩm chất gạo ngon cơm, thơm, dẻo.

Nhất là trồng giống lúa này có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán cao hơn một số giống lúa xuất khẩu khác từ 500 đ/kg đến 1.200 đ/kg tùy theo mùa vụ. Các DN xuất khẩu cho biết, Đài Thơm 8 đạt tỷ lệ gạo thu hồi cao khoảng 68%. Vào những năm 2017-2018 thị trường các nước Philippines, Ả Rập, Trung Quốc… ưa chuộng, nhập khẩu khá nhiều.

Theo ông Sơn, qua khảo sát tình hình xuống giống vụ ĐX 2019-2020 từ tháng 10/2019 đến nay lúa Đài Thơm 8 chiếm tới 55-60% diện tích sản xuất. Riêng Vinarice có vùng sản xuất các giống Đài Thơm 8, RVT, Hương Châu hơn 10.000 ha, còn cung ứng giống và cuối vụ bao tiêu lúa nông dân 6.200-6.300 đ/kg, cao hơn khoảng 1.000 đ/kg so với giống lúa xuất khẩu khác. Dù vậy, ông Sơn vẫn cảm thấy buồn: Vụ này chúng tôi bán giống chẳng được bao nhiêu chỉ vì nạn giống giả. Họ bất chấp vi phạm bản quyền. Chúng tôi chưa biết trông cậy vào ai (!).

Theo ông Sơn, công ty nắm được trong tay danh sách dài lên tới 84 đơn vị sản xuất kinh doanh giống vi phạm bản quyền, trải dài từ Tây Ninh về nhiều tỉnh ĐBSCL. Và thực tế ngoài thị trường có thể còn tăng hơn 150 đơn vị kinh doanh “ma” theo kiểu mua bán vận chuyển tàu xe vào ban đêm, bên ngoài bao bì lúa chỉ ghi tên là giống nguyên liệu. Trong khi Vinarice có năng lực SX 50.000-70.000 tấn/năm lúa giống chất lượng các loại.

Vụ ĐX năm nay công ty bán ra khoảng 26.000 tấn/vụ nhưng số giống giả bên ngoài thì tràn lan, ước có hơn 120.000 tấn/năm. Giống Đài Thơm 8 Vinarice bán ra 15.000 đ/kg thì giống giả thương lái chỉ cần bán thấp hơn 1.000-2.000 đ/kg kèm theo lời hứa “bao tiêu” đã có nông dân mua mà không biết đó là loại giống chất lượng rất kém, chẳng nên gọi đó là giống.
 

Kiểu bán gạo lấy đá ghè chân mình

Trong khi các công ty sản xuất kinh doanh giống chính danh chưa hết đau đầu nạn làm ăn đủ chiêu trò ma giáo với giống giả thì trong lĩnh vực thương mại xuất khẩu sang thị trường một số nước các DN còn tung ra đòn triệt hạ nhau bằng mọi cách, kể cả “thất sách” nhất là hạ giá bán.

Thế là từ giống lúa gạo ngon, có giá trị cao ra xứ người “chào sân” chỉ cầm cự được 1-2 năm thì bị mất giá thảm hại, thậm chí mất luôn thị trường vừa mới dày công gầy dựng?!

13-52-20_ngnh_chuc_nng_bt_lo_sn_xut_lu_giong_gi_ti_tp_cn_tho_-_nh_le_hong_vu
Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) dẫn chứng: Từ năm 2005 Công ty Trung An và một số DN xây dựng thành công gạo thơm ở nhiều thị trường với nhiều khách hàng khó tính trên thế giới. Gạo thơm Việt Nam đã từng bước thay thế gạo thơm của Thái Lan ở một số thị trường.

Riêng Trung An năm 2007 Tập đoàn Bernas (Malaysia) đã chọn mua gạo thơm KDM của công ty để thay thế gạo thơm Homani của Thái Lan, mỗi năm cũng vài chục nghìn tấn với giá 800 USD/tấn. Thế nhưng sau này một số DN khác trong nước đã chào hàng chỉ 600 USD/tấn.

Ông Bình kể: Năm 2012 gạo ST20 của tác giả giống lúa AHLĐ, KS Hồ Quang Cua, công ty Trung An xây dựng thành công tại Malaysia với thương hiệu độc quyền tại thị trường này suốt 7 năm liền và duy trì nhiều năm với giá bán đến 925 USD/tấn. Vậy mà sau đó các DN khác chào hàng chỉ hơn 600 USD/tấn. Hậu quả ST 20 giảm diện tích gieo trồng chỉ vì nông dân phải bán lúa giá thấp! Tương tự, năm 2015 gạo ST21 tiếp tục được công ty xây dựng thành công tại Trung Quốc với giá trên 700 USD/tấn và sau đó các DN khác chỉ chào bán với giá 500 USD và có lúc giảm dưới 500 USD/tấn.

Đơn cử qua chuyện giành giật khách hàng bằng chiêu hạ giá chẳng khác nào tự “lấy đá ghè chân” mình. Cuối cùng đẩy tới chỗ gạo Việt có giống lúa tốt, chất lượng không thua kém ai bị mất tiếng, mất thị trường. Nông dân trồng lúa lãnh đủ vì gạo bán giá thấp. Giá trị lúa gạo Việt Nam khó nâng lên, nông dân làm sao bán được lúa giá cao?

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.